Chúng ta có cần dịch vụ… xóa kí ức?

0:00 / 0:00
0:00
TP - Xóa kí ức không chỉ quên đi những chuyện cũ trong quá khứ, mà còn là xóa đi câu chuyện và quá trình phát triển bản thân của chính mình…

Eternal Sunshine of the Spotless Mind là bộ phim mang hơi hướng siêu thực và triết học. Phim theo chân Joel - một người đàn ông trung niên sống khép kín “vô tình” gặp Clementine – một cô nàng với tính cách trái ngược anh hoàn toàn, dạn dĩ, vô tư vô lo, vào một ngày phủ tuyết trắng tại Montauk. Tình yêu của hai người đến nhanh tựa sét đánh. Nhưng rồi cuộc tình cũng đổ vỡ bởi sự giận dữ và thù ghét lớn dần của đôi bên. Thế nên họ đã tìm đến một công ty chuyên cung cấp dịch vụ xóa kí ức.

Chúng ta có cần dịch vụ… xóa kí ức? ảnh 1
Chúng ta có cần dịch vụ… xóa kí ức? ảnh 2
Phác thảo độc đáo về con người và kí ức của Pat Perry, họa sĩ, nghệ sĩ thị giác sinh năm 1991 người Mỹ

Bộ phim là hành trình tiềm thức của Joel khi anh cố gắng làm mọi thứ để ngăn cản quá trình xóa đi kí ức về Clementine. Nhưng oái oăm, đây không phải lần đầu Joel và Clementine xóa kí ức về nhau. Họ đã từng là một đôi, và cũng từng một lần xóa kí ức về nhau. Đây là lí do tại sao hai người lại yêu nhau nhanh đến vậy, bởi dù có bị xóa đi kí ức thì tình cảm của họ vẫn còn dành cho nhau. Cốt truyện của Eternal Sunshine of the Spotless Mind (biên kịch Charlie Kaufman được trao giải Oscar 2005 cho kịch bản gốc hay nhất) được xây dựng dựa trên câu hỏi trắc trở của những người từng trải qua những vết thương lòng: Liệu ta có sẵn lòng xóa đi mọi kí ức để chấm dứt nỗi đau, hay cần giữ nguyên kí ức đó để trưởng thành hơn?

Về khía cạnh tâm lý xã hội, thì việc ghi nhớ kí ức là một quá trình mang tính chủ quan đối với các mối quan hệ xã hội ở hiện tại. Như khi mâu thuẫn với một ai đó, bạn sẽ chỉ còn lưu lại những kí ức không mấy tốt đẹp. Giống như trong lần đầu xóa kí ức về Clementine, Joel chỉ nhìn thấy những kí ức tồi tệ là những cuộc cãi vã giữa hai người. Tuy nhiên, cần nhớ rằng kí ức là sản phẩm thiên về tính xã hội và cá nhân nên mỗi loại kí ức đều có ý nghĩa riêng của nó, nó nhắc ta rằng tại sao ta lại ghét hoặc yêu một ai đó. Xóa kí ức không chỉ quên đi những chuyện cũ trong quá khứ, mà còn là xóa đi câu chuyện và quá trình phát triển bản thân của chính mình. Xóa đi kí ức chỉ để rồi lại mắc những lỗi lầm y hệt nếu như ta được đặt vào một trường hợp từng xảy ra trong quá khứ. Vì thế nên Joel và Clementine cứ yêu nhau rồi lại xóa kí ức và yêu nhau lại từ đầu.

Bản thân mỗi chúng ta được tạo dựng nên từ những kí ức và trải nghiệm trong quá khứ, nó góp phần định hình danh tính của con người. Triết gia, bác sĩ người Anh John Locke cho rằng danh tính của mỗi người trải dài theo ý thức của người đó về những trải nghiệm đã xảy ra. Nghĩa là nếu kí ức của một người mất đi thì nó sẽ kéo theo cả danh tính của người đó. Tuy nhiên phát biểu của Locke vẫn còn nhiều lỗ hổng và gây ra tranh luận. David Hume, triết gia người Scotland lại cho rằng “cái tôi” của mỗi người được cấu thành từ nhiều sự nhận thức luôn thay đổi theo thời gian. “Cái tôi” của chúng ta luôn luôn thay đổi, cả về mặt tâm lý lẫn vật lý. Điều này có thể thấy qua những cảm xúc con người liên tục trải qua trong một khoảng thời gian nào đó, cũng như quá trình rụng tóc, thải tế bào chết của cơ thể,... Vì thế ta không còn là bản thể của chính ta trong quá khứ. Theo Hume, kí ức chỉ góp phần kết nối những nhận thức và trải nghiệm trước đó để tạo ra ảo tưởng rằng ta vẫn giữ được danh tính của mình, chứ không nhất thiết tạo ra sự tồn tại của “cái tôi”. Thuyết về kí ức và danh tính của cả hai triết gia trên đã bổ trợ cho nhau tạo nên một học thuyết chặt chẽ hơn về cách quá khứ định danh một con người.

Theo tôi, kí ức chỉ là một phần tạo nên “cái tôi” của mỗi người, chúng ta vẫn cần có tính cách cá nhân, chuẩn mực đạo đức và lối tư duy để có thể tạo nên một danh tính hoàn chỉnh. Có kí ức của một ai đó không có nghĩa là ta sẽ hoàn toàn trở thành con người này. Trở lại bộ phim trên, có thể thấy rõ điều này qua hai nhân vật phụ là Patrick và Mary. Patrick là nhân viên làm dịch vụ xóa kí ức đã nảy sinh tình cảm với Clementine nên bắt chước những câu nói và hành động của Joel nhằm để khiến Clementine yêu mình. Nhưng điều này lại có tác dụng ngược khi nó gợi lại cảm xúc đau buồn cho Clementine, khiến cô tức giận bởi đơn giản là hắn ta không phải Joel. Còn về phần Mary, cô nhân viên này cũng có tình cảm với ông bác sĩ chuyên xóa kí ức. Mary không hề biết là mình cũng là nạn nhân của quá trình xóa kí ức này khi lịch sử được lặp lại: cô thổ lộ tình cảm với vị bác sĩ rồi sau đó được tiết lộ rằng cô đã từng yêu cầu được xóa kí ức về mối tình này. Nhưng rồi ta không thể xóa được tình cảm của mình với một người, sớm hay muộn rồi ta vẫn sẽ yêu họ lại một lần nữa mà thôi.

Con người vẫn luôn muốn quên đi những kỉ niệm đau buồn và sống lại mãi những kí ức tươi đẹp. Nhưng dù như thế nào, thì mỗi người cần phải biết trân trọng những kí ức đó vì chúng là một phần của bản thân hiện tại của chính mình, là danh tính của mình. Nếu xóa đi những kí ức đó thì có khác gì xóa đi một phần của bản thân? Con người phải học cách chấp nhận và sống với quá khứ của mình, chỉ như thế thì mới có đủ trải nghiệm và kinh nghiệm để hoàn thiện bản thân cho tương lai.

Bất ngờ thay, công nghệ xóa kí ức giả tưởng trong Eternal Sunshine of the Spotless Mind đang dần được hiện thực hóa. Hiện có một công nghệ chỉnh sửa kí ức có tên là Decoded Neurofeedback (DecNef) đang được phát triển để giúp đỡ những bệnh nhân mắc PTSD (Rối loạn căng thẳng sau sang chấn). Công nghệ DecNef này sẽ quét thông tin từ não bộ của bệnh nhân và nghiên cứu sự liên kết của hoạt động thần kinh và sự thay đổi trong nhận thức và hành vi, từ đó huấn luyện bệnh nhân kiểm soát được những kí ức xấu.

Nhân loại đang phải đối mặt với biết bao vấn nạn về thiên tai, biến đổi khí hậu, nghèo đói, xung đột,… và đại dịch COVID-19 kinh hoàng, công nghệ xóa kí ức có thể sẽ trở thành một thứ dịch vụ "hot". Tuy nhiên, thứ "dịch vụ" này dấy lên nhiều quan ngại về mặt đạo đức khi nó có khả năng thay đổi tính cách con người một cách nhân tạo. Và cho dù ta có thể xóa toàn bộ kí ức về người thân đã mất để bớt đi nỗi đau, thì liệu ta có muốn làm điều đó không? Bởi một người không chết khi họ qua đời, mà chỉ thực sự chết khi không còn ai nhớ đến họ.

Friedrich Nietzsche từng nói: “Có phước thay kẻ hay quên… bởi họ được tha thứ cho các sai lầm của mình”. Tuy nhiên thực tế đang cho ta thấy điều ngược lại, rằng kí ức không chỉ là quá khứ, nó còn là thứ góp phần tạo nên bản thân ta hiện tại.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.