Chuẩn bị thành lập toà án khu vực: Còn nhiều băn khoăn

Chuẩn bị thành lập toà án khu vực: Còn nhiều băn khoăn
TP - Mô hình TAND khu vực xét xử theo trình tự sơ thẩm nhận được sự đồng thuận cao của các cơ quan hữu quan. Tuy vậy, vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn về mô hình này.

> Hơn 61% thẩm phán ủng hộ công khai bản án
> Quốc hội thông qua Nghị quyết chương trình giám sát

Nâng cao tính độc lập trong xét xử

Theo Kết luận số 79-KL/TW ngày 28-7-2010 của Bộ Chính trị, TAND được tổ chức gồm 4 cấp, trong đó cấp TAND sơ thẩm khu vực được thành lập ở một hoặc một số đơn vị hành chính cấp huyện trong cùng một đơn vị hành chính cấp tỉnh. Viện KSND cũng được tổ chức thành 4 cấp phù hợp với hệ thống tổ chức của TAND.

Thống kê của ngành toà án cho thấy, đến nay 63 tỉnh, thành đã triển khai xong việc xây dựng phương án thành lập TAND khu vực. Trong đó, 58 tỉnh, thành đã được cấp ủy xem xét, phê duyệt, thông qua phương án.

Trong phần lớn ý kiến được hỏi về mô hình TAND khu vực đều cho rằng, công tác xét xử sẽ thể hiện tính độc lập cao hơn, qua đó đảm bảo công lý cũng như quyền lợi cho người dân.

Thẩm phán Nguyễn Xuân Văn (Phó Chánh toà Hình sự - TAND TP Hà Nội) cho rằng, toà án vốn luôn xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Tuy nhiên, khi xây dựng thành công mô hình TAND khu vực, người dân được tạo điều kiện tiếp cận công lý tốt hơn, chất lượng hoạt động tố tụng từng bước được nâng cao.

Liên quan đến nội dung này, trong một phát biểu mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó trưởng Ban chỉ đạo cải cách tư pháp T.Ư khẳng định, việc thành lập TAND khu vực là một hướng đi đúng đắn, do vậy các cấp, các ngành cần tập trung chuẩn bị đội ngũ cán bộ cũng như những nhu cầu mới phát sinh khi mô hình này hoạt động.

Bổ sung nội dung trên, Chánh án TANDTC – ông Trương Hoà Bình cho hay, việc thành lập toà án khu vực sẽ theo hướng gộp các toà án cấp huyện ở những nơi ít xét xử thành toà án chung cho cả khu vực, trên cơ sở phải tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, nhất là trong việc đi lại.

Cũng theo ông Trương Hoà Bình, việc thành lập TAND khu vực không thể triển khai ngay trong ngày một ngày hai, cần phải xây dựng lộ trình, phải chờ sửa đổi Hiến pháp, Luật tổ chức TAND.

Vẫn còn băn khoăn

Việc thành lập TAND khu vực, người dân được lợi như thế nào, đã thật sự khả thi chưa? Một thẩm phán lâu năm (xin được giấu tên) nói: “Ngay ở Hà Nội, chúng tôi đã xét xử nhiều vụ người dân ở vùng sâu vùng xa, phần lớn nghèo khó, phải lặn lội nửa ngày trời, vượt qua hàng trăm km đến dự toà. Tuy nhiên, phiên xử sau đó bị hoãn, họ phải trở về chờ tòa mở lại. Vậy ai là người sẽ chịu cho họ những chi phí này? Nếu vụ án nhiều lần vẫn chưa xử xong, người dân có sức hầu toà không?”.

Vẫn theo thẩm phán trên, bản chất Nhà nước ta là của dân, do dân, nhưng khi xây dựng toà án khu vực, người dân ở nhiều địa phương sẽ khó khăn trong việc tiếp cận các cơ quan tố tụng. Và ngược lại, các cơ quan tố tụng khi xét xử không có cơ hội nhiều để gần dân, vậy có nâng cao chất lượng xét xử không?

Tiếp tục trao đổi về những khó khăn của mô hình toà án khu vực, luật sư Hằng Nga (Hà Nội) nói thêm: “Nhiều người cho rằng mô hình toà án khu vực sẽ nâng cao tính độc lập, và chất lượng tốt hơn, nhưng tôi chưa đồng tình.

Trước hết, nếu thực thi đúng các nguyên tắc xét xử theo luật định, cơ quan xét xử chắc chắn không phụ thuộc bất cứ “sự tác động” nào từ bên ngoài, kể cả các cấp ủy, chính quyền địa phương. Vậy nên chưa chắc thành lập toà án khu vực sẽ nâng cao chất lượng xét xử.

Hơn nữa, khi mở ra các toà án này, ngân sách sẽ phải đội thêm một khoản chi phí rất lớn, như việc xây dựng trụ sở mới hoàn toàn, chi phí đào tạo cán bộ và các chi phí thực tế khác”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG