Chưa rõ nguyên nhân tai biến sau tiêm vắc-xin ở trẻ

Chưa rõ nguyên nhân tai biến sau tiêm vắc-xin ở trẻ
TP - Cuộc họp của hội đồng xử lý tai biến trong tiêm chủng (Bộ Y tế) hôm qua ở Hà Nội vẫn chưa chỉ ra được đâu là nguyên nhân năm ca tai biến sau tiêm ngừa vắc-xin 5 trong 1 Quinvaxem.

> Sau tiêm vaccine 5 trong 1, bé trai 3 tháng tuổi tử vong
> Tạm ngừng sử dụng lô vaccine Quinvaxem inj

 Trẻ cần được theo dõi sức khỏe kỹ lưỡng sau khi tiêm ngừa - Ảnh: T.Đạm (Tuổi Trẻ)
Trẻ cần được theo dõi sức khỏe kỹ lưỡng sau khi tiêm ngừa - Ảnh: T.Đạm (Tuổi Trẻ).

Báo cáo của Bộ Y tế tại cuộc họp cho hay: Các tai biến này xảy ra trong 15 ngày, từ 20-12-2012 đến 5-1-2013 tại các tỉnh thành Hà Nội, Bình Định, Kiên Giang.

Theo đó, ba trẻ bị phản ứng sau tiêm chủng gồm hai trẻ ba tháng tuổi và một trẻ hai tháng tuổi ở thành phố Quy Nhơn (tỉnh Bình Định). Cả ba trẻ này về tiền sử bệnh tật và tiêm chủng không có gì đặc biệt.

Cụ thể trường hợp đầu tiên là bé gái ba tháng tuổi, sau tiêm vắc- xin Quinvaxem mũi một và uống vắc- xin bại liệt lần một. Sau ba giờ, trẻ xuất hiện phản ứng khóc thét, co giật, tím tái, có cơn ngừng thở, được gia đình đưa vào viện cấp cứu. Sau một ngày điều trị, bệnh nhi đã được xuất viện.

Trường hợp hai là bé gái hai tháng tuổi sau khi tiêm mũi vaccine tổng hợp 5 trong 1 và uống vắc-xin bại liệt lần một. Sau năm giờ, trẻ cũng có biểu hiện khóc thét, co giật, sốt, tím tái. Theo dõi tại viện một ngày và không phải dùng thuốc, trẻ được xuất viện.

Trường hợp thứ ba là bé trai ba tháng tuổi được tiêm mũi tổng hợp và uống vắc-xin bại liệt lần đầu tiên. Sau bốn tiếng, bé khóc thét, sốt, co giật. Được theo dõi tại bệnh viện một ngày, không phải dùng thuốc, bé được xuất viện.

Riêng tại Hà Nội, bệnh nhi bị phản ứng sau tiêm vaccine 5 trong 1 tử vong sau 20 giờ được tiêm chủng. Tại Kiên Giang, trường hợp phản ứng sau tiêm vắc-xin 5 trong 1 Quinvaxem là bé trai hai tháng tuổi (ở xã Hòa Thuận, huyện An Minh, Kiên Giang).

Gia đình đưa bé đi tiêm vắc-xin ngày 22-12-2012. Ba ngày sau khi tiêm trẻ sốt nhẹ và khóc, được gia đình cho uống thuốc hạ sốt, trẻ trở lại bình thường, bú tốt. Nhưng bé cũng bất ngờ tử vong bốn ngày sau đó.

Bộ Y tế đã họp và đánh giá tất cả các trường hợp phản ứng sau tiêm và nhận định không có bằng chứng về sự liên quan giữa phản ứng sau tiêm chủng và chất lượng vắc-xin.

TS.Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết chưa đủ cơ sở để loại trừ nguyên nhân này. Vì vậy, Bộ Y tế đang phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới và các đơn vị liên quan tiếp tục tiến hành các biện pháp kiểm tra chất lượng vắc-xin, nghiên cứu đánh giá nguyên nhân phản ứng sau tiêm.

Hiện các lô vắc-xin liên quan đến phản ứng tại Bình Định, Kiên Giang và Hà Nội đã tạm dừng sử dụng trên địa bàn.

Theo GS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư, khi sử dụng vắc-xin có thể xảy ra phản ứng do nhiều nguyên nhân khác nhau. Việc xuất hiện các trường hợp phản ứng sau tiêm trong thời gian gần đây là đáng quan tâm. Tuy nhiên, việc tiêm chủng cho trẻ là cần thiết để bảo vệ trẻ, chủ động phòng bệnh.

Bộ Y tế đã có chỉ đạo Dự án Tiêm chủng Mở rộng Quốc gia tăng cường tập huấn cho cán bộ tiêm chủng về tiêm chủng an toàn, giám sát xử lý phản ứng sau tiêm, tạm dừng sử dụng trên toàn quốc lô vắc-xin có xảy ra phản ứng nặng khi nghi ngờ liên quan đến vaccine.

Bộ Y tế cũng khuyến cáo các bà mẹ theo dõi chặt trẻ sau tiêm chủng để kịp thời phát hiện sớm các phản ứng sau tiêm và đưa đến cơ sở y tế.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG