> EVN đề xuất tăng giá điện từ tháng 9
Không vì nợ nhiều mà cho tăng giá
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, từ nay đến cuối năm, đòi hỏi của doanh nghiệp, người dân với Chính phủ trong việc kiềm chế lạm phát là rất rõ. Vì vậy, cần xem xét hết sức thận trọng yêu cầu tăng giá của bất cứ mặt hàng nhạy cảm nào như điện, than.
Bà Lan cho rằng, thiếu vốn, nợ nần nhiều, bị các tập đoàn khác thúc nợ không phải lý do để tăng giá điện. Không nên gắn chuyện nợ nần dây dưa do hiệu quả hoạt động không tốt của doanh nghiệp để từ đó đòi hỏi tăng giá điện. Điều này không thể được, nhất là khi hiện nay giá điện cơ cấu thế nào, việc sử dụng vốn có minh bạch hay không chưa được làm rõ.
TS Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Chính sách, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng, câu chuyện xin tăng giá điện có nhiều lý do, trong đó chủ yếu là việc EVN hiện gặp nhiều khó khăn về tài chính. Lý do nữa là giá điện, giá than của Việt Nam thấp nhiều so với khu vực, khiến việc đầu tư vào ngành năng lượng bị méo mó.
Theo ông, giá điện thấp khiến nhiều doanh nghiệp nước ngoài đổ xô vào Việt Nam sản xuất thép, nên tăng giá điện về lâu dài là việc phải làm. Nhưng thời điểm tăng, mức tăng ra sao cần cân nhắc.
Việc quyết định cho tăng hay không vào thời điểm này cũng có nhiều cái khó. Nếu không tăng trong quý này, lùi lại quý sau thì lại rơi vào dịp cuối năm và Tết. Tăng giá khi đó càng không ổn, ông nói. Còn lùi lại nữa thì phải đến tháng 5 năm sau, khi chu kỳ giá vào thời điểm thấp trong năm.
Cần công bố lộ trình tăng giá
Theo phân tích của bà Lan, Bộ Công Thương cho phép điều chỉnh giá điện 3 tháng một lần. Thông số đầu vào cho thấy chưa có sự nghiêm túc trong kiểm soát giá thành. Cái gốc của việc tăng giá là giá thành chứ không phải tăng giá theo giá đầu vào.
Không thể chấp nhận giá thành hiện nay căn cứ theo cơ sở giá đầu vào như vậy và mỗi khi giá tăng thì lại đòi tăng giá điện, bà Lan nói. Trong khi đó, các quyền số đầu vào khác trong cơ cấu giá thành đầu vào lại không được đề cập. Đây là điều bất cập, không minh bạch, bà Lan nhận định.
“Tôi ngạc nhiên là các cơ quan có trách nhiệm vẫn tiếp tục theo cách buông, không kiểm soát giá thành của EVN. Ngành điện là ngành sử dụng tài nguyên của đất nước mà sử dụng không minh bạch, nay kêu lỗ, mai kêu giá tăng thì thực sự tôi không hiểu nổi. Còn chiều các doanh nghiệp có những mặt hàng quan trọng trong việc điều chỉnh giá như vậy thì sẽ còn lạm phát”, bà nói.
Theo các chuyên gia, việc đáng quan tâm nhất với ngành điện hiện nay là hậu quả về lâu dài của quá trình giữ giá quá lâu về chính sách năng lượng cũng như chính sách về cấu trúc của thị trường điện hiện nay. Chúng ta để thị trường điện độc quyền lâu quá nên hiệu quả sản xuất của EVN hiện nay ra sao không ai kiểm soát được.
Bản chất của EVN như thế nào, yếu ở khâu nào, việc quản lý hay sử dụng vốn, hiệu quả đầu tư của các nhà máy điện ra sao là những điều không nhiều người biết, trong khi đáng lẽ người dân phải được biết.
“Hiện EVN trong thế khó khăn về tài chính nên có thể trong ngắn hạn phải tạm giải quyết tăng giá. Nhưng cũng cần có chính sách hoặc giải thích rõ với người dân vì lạm phát đang cao như thế này trong khi sản xuất của doanh nghiệp đang khó khăn. Chính phủ thì đang phải chú tâm vào việc kiểm soát lạm phát từ nay đến cuối năm”, TS Thành phân tích.
Tại hội nghị tổng kết tình hình thực hiện quy hoạch điện do Bộ Công Thương tổ chức ngày 8-9, về việc EVN đề xuất tăng giá điện, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, Bộ đang chờ EVN tính toán đầu vào vì chưa có báo cáo từ EVN mà mới chỉ là đề xuất. Giá điện vẫn được xem là mấu chốt của quá trình tìm vốn để phát triển điện.
“Nếu không có lộ trình giá điện phù hợp thì không thể nào giải quyết được bài toán thu xếp vốn đầu tư cho các dự án ngành điện. Đề nghị Tổng cục Năng lượng và Cục Điều tiết Điện lực xây dựng lộ trình điều chỉnh giá điện”, ông Vượng nói.