Nhiều sạn
Lên sóng dịp đầu năm 2024, phim truyền hình cổ trang Duyên tiên tiền định được đánh giá cao nhờ kịch bản sáng tạo. Đây là phim cổ trang mới nhất của Truyền hình Vĩnh Long - nhà đài thường xuyên khai thác cổ tích Việt Nam để đưa lên màn ảnh nhỏ.
Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh và NSND Hồng Vân tập luyện cảnh mài mực, viết bút lông trong phim Phượng khấu Ảnh: ĐLPCC |
Duyên tiên tiền định dù nhận được sự quan tâm khá lớn từ khán giả nhưng vẫn khó tránh khỏi vết xe đổ của nhiều tác phẩm cổ trang trước đó. Khâu kỹ xảo và hóa trang trong bộ phim của đạo diễn Bùi Ngọc Nam Phương lộ rõ khuyết điểm. Nhiều khán giả nhận xét bối cảnh tiên giới không được đầu tư, không ít phân cảnh phim còn lộ rõ cả phông xanh. Những chi tiết nhỏ như cây cối, núi non được chắp vá vào khung hình một cách vụng về. Diễn viên Hòa Hiệp đóng vai nam chính có tạo hình khó hiểu khi được gắn thêm ria mép cong và mái tóc giả bù xù. Đạo diễn Bùi Ngọc Nam Phương thừa nhận một số hạn chế trong phim, nhưng cũng bởi kinh phí có hạn nên kỹ xảo chưa thể làm hài lòng khán giả.
Nhà làm phim Hồng Hà nữ sĩ về Đoàn Thị Điểm thành công trong tìm, dựng bối cảnh và thiết kế phục trang chỉn chu |
Trước đó, một bộ phim khác trên sóng Truyền hình Vĩnh Long cũng bị “nhặt sạn” là Trần Trung kỳ án. Ở cảnh đoàn rước kiệu tân trạng nguyên về làng, trong số các diễn viên quần chúng đóng dân làng có người giơ cao chiếc điện thoại thông minh lên để chụp hình. Chi tiết này khiến người xem phải phì cười vì diễn viên hồn nhiên quên mình đang tham gia một bộ phim cổ trang. Biên tập hậu kỳ cũng sơ ý để lọt cảnh quay lên sóng.
Nếu không giám sát kỹ hiện trường, bối cảnh, việc để lẫn những chi tiết của thời hiện đại vào phim cổ trang thường xuyên xảy ra. Phim cổ trang Mỹ nhân kế cũng mắc lỗi tương tự khi chiếc tàu biển hiện đại xuất hiện lấp ló trong một cảnh phim.
Được đầu tư tới 12 tỷ đồng ở thời điểm năm 2010, phim điện ảnh Tây Sơn hào kiệt của đạo diễn Lý Huỳnh cũng khó tránh những lỗi sơ đẳng. Nhân vật công chúa Ngọc Hân do người đẹp Thùy Lâm thủ vai bị soi lỗi khi viết chữ, đầu bút lông vẫn còn trắng tinh. Mái bê tông, đèn đá kiểu Nhật vô tư xuất hiện trong khung hình hay nghĩa quân Tây Sơn mặc trang phục khá “ăn diện” là điểm trừ của phim. Phim Thái sư Trần Thủ Độ cũng bị bắt lỗi vì để nhân vật đọc sách tre theo chiều dọc, trong khi kiểu sách này ở thời nhà Trần vốn phải đọc ngang.
Nếu không giám sát kỹ hiện trường, bối cảnh, việc để lẫn những chi tiết của thời hiện đại vào phim cổ trang thường xuyên xảy ra. Phim cổ trang Mỹ nhân kế cũng mắc lỗi tương tự khi chiếc tàu biển hiện đại xuất hiện lấp ló trong một cảnh phim.
Tính đến nay, Thiên mệnh anh hùng (ra mắt năm 2012) của đạo diễn Victor Vũ với kinh phí hơn 20 tỷ đồng vẫn là phim cổ trang Việt được đánh giá tốt hơn cả. Một số phim khác đạt doanh thu ổn là Mỹ nhân kế, Tấm Cám - Chuyện chưa kể, Mẹ chồng, Trạng Quỳnh,… tuy nhiên, chất lượng phim vẫn gây khá nhiều tranh luận.
Chưa có phim trường
Ở Việt Nam, phim cổ trang, lịch sử cũng gặp khó trăm bề bởi khó cạnh tranh với những thể loại khác. Nhiều phim có kinh phí đầu tư lớn nhưng khi ra rạp chỉ thu về vài chục triệu đồng. Đạo diễn Anthony Võ nhận định, phim lịch sử, cổ trang thường có doanh thu thấp, nhiều nhà làm phim chưa mặn mà. Trong khi đó, nhà sản xuất thường phải chịu áp lực cao và ít có sự ủng hộ tích cực từ phía khán giả. Khi bắt tay vào làm phim cổ trang, nhiều đạo diễn phải tính toán trước phản ứng của khán giả. Từ phục trang, bối cảnh, tìm kiếm diễn viên và kỹ xảo hậu kỳ nếu không làm qua loa đều trở nên vô duyên trong mắt người xem.
Bà Ngô Thị Bích Hạnh - đại diện công ty chuyên phân phối, và hợp tác sản xuất các chương trình truyền hình và điện ảnh - đề xuất chính sách quay phim miễn phí tại các địa điểm công cộng (ngoài khu vực có biển cấm). “Đoàn phim chịu trách nhiệm về an toàn cũng như dọn dẹp sạch sẽ hiện trường sau khi quay phim, nếu vi phạm có thể bị phạt theo đúng quy định của địa điểm”, bà Hạnh nói. Bà đề xuất giảm tối thiểu thủ tục hành chính cho các đoàn quay phim và khuyến khích các đoàn phim quay nhiều bối cảnh của đất nước để quảng bá hình ảnh Việt Nam qua phim ảnh.
Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh chia sẻ, khi bắt tay thực hiện bộ phim Phượng khấu về đề tài cung đấu, anh gặp khó ngay từ khâu phục trang. “Quy trình sản xuất trang phục để làm phim cổ trang gần như không có. Đoàn phim dựa trên tư liệu của bảo tàng, kinh nghiệm may mặc dân gian để chuẩn bị phục trang. Diễn viên mặc đúng, mặc đẹp là một chuyện, để diễn viên thoải mái diễn xuất là chuyện khác. Tìm diễn viên cũng không dễ, luyện tập từ cách đi, đứng, thực hiện lễ nghi, cử chỉ cơ thể cũng tốn nhiều thời gian, công sức”, đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh tâm sự.
Việt Nam chưa có phim trường chuẩn để quay phim cổ trang. Bối cảnh đi thuê chỉ đáp ứng được phần nào, rất khó khi thực hiện những đại cảnh. Đây cũng là phần tiêu tốn rất nhiều tiền của nhà sản xuất.
Đạo diễn Anthony Võ đồng quan điểm, bởi hai yếu tố quan trọng và tốn kém nhất là bối cảnh và phục trang. Chi phí phim càng thấp ê-kíp càng phải co kéo, tiết kiệm. “Đơn cử như phụ kiện sử dụng trong phim, vì kinh phí sản xuất riêng không có nên phải thuê ở rất nhiều nơi, tuy thế vẫn không đủ phục vụ ghi hình”, anh chia sẻ.
Theo đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh, chìa khóa để giải bài toán phát triển phim cổ trang còn nằm ở quá trình tuyển chọn đội ngũ làm phim. “Cần tư nhân hóa kinh phí sản xuất và mở rộng quy mô tuyển chọn diễn viên, đạo diễn, khai thác nguồn lực từ các nhân sự làm phim trẻ”, anh Tuấn Anh nêu quan điểm.
Trong bối cảnh liệu cơm gắp mắm đó, gần đây đoàn làm phim Hồng Hà nữ sĩ về Đoàn Thị Điểm được giới chuyên môn và khán giả đánh giá cao ở khâu chọn bối cảnh, phục trang. Có thể chưa gặp may như Đào, phở và piano trong khâu phát hành, thế nhưng đó là sự nỗ lực không nhỏ khi thực hiện phim lịch sử, cổ trang Việt.