Tranh chấp bản quyền âm nhạc:

Chưa có hồi kết

TP - Những vụ lùm xùm liên quan đến bản quyền âm nhạc xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Không ít trường hợp do nhạc sĩ cả nể, lơ là bảo vệ tác phẩm của chính mình. Mâu thuẫn cũng có thể xảy ra giữa đơn vị tổ chức biểu diễn và tác giả. Nhiều đơn vị tổ chức chương trình âm nhạc trì hoãn trả tiền bản quyền, né tránh nghĩa vụ.

Muôn kiểu mâu thuẫn

Tranh giành bản quyền, tác quyền âm nhạc của Việt Nam vẫn nhức nhối bao năm qua. Vụ tranh chấp tác quyền của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh diễn ra nhiều năm nay, sau khi nhạc sĩ qua đời. Cuối tháng 8/2024, gia đình nhạc sĩ Trần Thiện Thanh gồm bà Trần Thiện Thanh Trúc (con gái), Trần Thiện Anh Chính (con trai) và bà Bích Lan là đại diện đơn vị nắm giữ tác quyền nhạc Trần Thiện Thanh do gia đình ủy quyền tổ chức gặp gỡ truyền thông.

Cuộc tranh chấp nảy sinh khi ca sĩ Mỹ Lan - người tự nhận là vợ nhạc sĩ Trần Thiện Thanh và ở cùng trong những ngày cuối đời - cho biết, bà có với cố nhạc sĩ một con trai tên Trần Thiện Anh Chí. Bà Mỹ Lan khẳng định, hai mẹ con bà có quyền nắm giữ tác quyền và tổ chức chương trình âm nhạc về Trần Thiện Thanh. Bà cũng cho biết, Trần Thiện Anh Chính được sở hữu 1/6 tác quyền âm nhạc thừa hưởng từ cha.

Chưa có hồi kết ảnh 1

Vụ tranh chấp sở hữu trí tuệ giữa nhà thơ Trương Minh Nhật (phải) và nhạc sĩ Quách Beem kéo dài 5 năm

Tuy nhiên, bà Thanh Trúc lại tuyên bố, ca sĩ Mỹ Lan không phải là người thụ hưởng hợp pháp tác quyền nên không có quyền can thiệp, lấy lợi nhuận, hoặc tự ý tổ chức các chương trình về cố nhạc sĩ. Tranh chấp kéo dài khiến các tác phẩm của Trần Thiện Thanh hiện bị hạn chế biểu diễn, đơn vị tổ chức cũng né tránh vì ngại lùm xùm giữa hai bên. Bà Thanh Trúc - con gái cố nhạc sĩ - cho biết, gia đình thất thu tiền tác quyền vì những tranh chấp nội bộ.

Những vụ lùm xùm liên quan đến bản quyền âm nhạc xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Ca khúc Gánh mẹ từng gây ồn ào vì tranh chấp bản quyền phần lời bài hát giữa nhà thơ Trương Minh Nhật và ca sĩ Quách Beem. Sau 5 năm “giằng co”, nhà thơ Trương Minh Nhật chính thức được công nhận là tác giả, đồng thời là chủ sở hữu bài thơ, lời bài hát Gánh mẹ. Việc trả lại bài thơ cho chính chủ tốn nhiều thời gian, bởi trước đó nhà thơ Trương Minh Nhật không đăng ký bản quyền tác phẩm.

Mâu thuẫn cũng có thể xảy ra giữa đơn vị tổ chức biểu diễn và tác giả. Nhiều đơn vị tổ chức trì hoãn trả tiền bản quyền, né tránh nghĩa vụ thuộc về bên sử dụng. Đầu năm 2024, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam lên tiếng về vụ việc các chương trình âm nhạc như Mây Sài Gòn, Mây Lang Thang (Đà Lạt, Hà Nội), Lululola… không thiện chí trả tiền bản quyền và bị khởi kiện.

Đại diện VCPMC cho biết, trong quý I năm 2024, mức tác quyền âm nhạc nhiều nhất mà một nhạc sĩ đã nhận được là hơn 1 tỷ đồng. Quý II năm 2024, con số này là 852 triệu đồng. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung từng cho biết, anh thu về khoảng hơn 1 tỷ đồng mỗi năm từ tác quyền bài hát. Nguyễn Văn Chung là một trong những tác giả có thu nhập cao từ nguồn này. Trước đây, nguồn thu tiền bản quyền chủ yếu đến từ các đêm nhạc, chương trình phát sóng... Sau này nhạc sĩ có thêm nguồn từ các ứng dụng và nền tảng trực tuyến.

Bảo vệ quyền lợi tác giả

Theo nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, Tổng giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) cho biết, trong thời gian qua có nhiều tác giả chịu thiệt hại, rủi ro khi ủy quyền tác giả cho các công ty khác. Lý do là ngoài hình thức hợp đồng ủy quyền quản lý khai thác quyền tác giả, công ty còn ký với rất nhiều hình thức khác, gây nhầm lẫn nhiều nội dung cho tác giả.

Các công ty này thường không cho phép tác giả đơn phương chấm dứt hợp đồng và đặt ra các điều khoản phạt, yêu cầu bồi thường thiệt hại rất lớn nếu tác giả muốn chấm dứt hợp đồng. Trong trường hợp tác giả muốn đơn phương chấm dứt, họ thường phải kiện ra tòa. Một số trường hợp tác giả theo đuổi vụ kiện kéo dài vài năm. Trong thời gian này, tác phẩm không thể được khai thác, gây thiệt hại cho tác giả.

“Có nhạc sĩ phải cầu cứu vì gặp bất cập khi ký kết với các đơn vị khác. Trong hợp đồng lại có nhiều nội dung dễ lẫn lộn như hợp đồng hợp tác, hợp đồng cấp quyền, hợp đồng giám sát quyền tác giả,… Để đảm bảo quyền lợi của chủ sở hữu tác phẩm, VCPMC thường kiến nghị các tác giả đọc kỹ các điều khoản trong hợp đồng ủy thác trước khi ký”, nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn nói.

Khi sản phẩm âm nhạc được lan tỏa dễ dàng, nhanh chóng trên môi trường số, việc giám sát tác quyền càng khó khăn. Nhạc sĩ Phạm Việt Long khẳng định, tình trạng này có nguyên nhân chủ quan do chính tác giả đôi khi không mạnh dạn lên án, dễ dàng bỏ qua cho những hành vi xâm phạm.

Chưa có hồi kết ảnh 2

Một số đơn vị tổ chức sự kiện âm nhạc chậm trễ trả tiền bản quyền

“Về nguyên nhân khách quan, môi trường số khiến việc sao chép và phân phối nội dung trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Mọi người có thể sao chép, chia sẻ và phân phối nội dung một cách nhanh chóng và rộng rãi chỉ trong vài cú nhấp chuột. Trên Internet, thông tin về quyền sở hữu và quyền tác giả thường không được hiển thị rõ ràng. Điều này làm cho việc xác định nguồn gốc và chủ sở hữu của một tác phẩm trở nên khó khăn”, nhạc sĩ Phạm Việt Long nói.

Chuyên gia nhấn mạnh, câu chuyện cân bằng giá trị tài sản (tác phẩm) của chủ thể sáng tạo với giá trị nghệ thuật của người truyền đạt. Không thể duy trì mãi tình trạng bất công, khi mà nhạc sĩ sáng tác thu tác quyền một bài hát vài triệu đồng một đêm đã khó, trong khi đó ca sĩ nhận cả trăm triệu đồng.

Tính đến tháng 8, số tác giả thành viên trong nước của VCPMC lên hơn 6 nghìn người. Tổng tiền bản quyền thu được năm 2023 là hơn 344 tỷ đồng (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng). Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn cho biết, đơn vị này đang đặt mục tiêu trong những năm tới cố gắng để các tác giả, chủ sở hữu được hưởng tối đa quyền lợi.