Với hơn 50 triệu thuê bao di động trên toàn quốc hiện nay, việc đầu tư xây dựng phát triển hạ tầng viễn thông, mở rộng mạng lưới là một nhu cầu tất yếu.
Theo các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông, để đạt chất lượng dịch vụ tốt, cứ 800 - 1.000 thuê bao cần một trạm phát sóng.
Tính đến đầu năm 2007, cả nước mới chỉ có 8.600 trạm BTS, và chỉ một năm sau đó đã có thêm 12.000 trạm BTS được lắp đặt. Song để phục vụ tốt cho số thuê bao đang có trên toàn quốc hiện nay, vẫn cần phải xây dựng thêm khoảng 20.000 trạm BTS.
Tuy nhiên những tháng gần đây, người dân sống gần khu vực Mỹ Đình (Hà Nội) đã có nhiều phản ánh về việc khu vực có một trạm BTS được xây dựng. Trao đổi với chúng tôi, bà H.T.M, một người dân khu chung cư Mỹ Đình nói: “Tôi nghe nói trạm sóng này sẽ ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của trẻ em, đồng thời lại làm cho người già dễ mắc các bệnh về thần kinh như đau đầu, căng thẳng”.
Cùng chung suy nghĩ với bà M., nhiều người dân ở một số khu vực khác ở Hà Nội cũng phản đối khi các doanh nghiệp viễn thông cho xây dựng cột thu phát sóng ở đây. Lý do được đưa ra phần lớn đều là vì trạm thu sóng điện thoại ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, có thể gây ra nhiều bệnh tật.
Tuy nhiên khi được hỏi thông tin này lấy từ đâu thì người dân chỉ nói “thấy mọi người bảo thế”. Những tin đồn này nhanh chóng lan rộng khiến nhiều người dân sống gần khu vực trạm BTS lo lắng.
Thậm chí, nhiều nơi, người dân còn ngăn cản việc xây dựng trạm hoặc phá hoại các trạm BTS đang hoạt động làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động và chất lượng dịch vụ của nhà cung cấp.
Tại Việt Nam, các cơ quan liên quan trực tiếp đến vấn đề này cũng đã đưa ra những kết luận chính thức sau khi tiến hành các nghiên cứu nghiêm túc.
Bộ Khoa học và Công nghệ đã có công văn đề nghị Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng, Viện Y học lao động và Vệ sinh môi trường, Bộ Y tế và Tổng Cty Bưu chính – Viễn thông Việt Nam cho ý kiến đánh giá về các vấn đề như: ảnh hưởng của trạm thu phát sóng điện thoại di động đến sức khỏe con người ở các khu dân cư; các quy định pháp lý hiện hành về việc xây dựng, lắp đặt và quản lý các trạm thu phát sóng siêu cao tần tại các khu dân cư và đô thị…
Theo đó, các cơ quan này đã có kết luận chính thức, trong đó, dư luận quan tâm nhất đến sự tái khẳng định các trạm thu phát sóng di động không ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Còn trên thế giới, theo kết quả nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Ủy ban Quốc tế về phòng, chống bức xạ phi ion hóa, Liên minh Viễn thông thế giới (ITU)... cho thấy sóng điện từ tùy theo cường độ, tần số, khoảng cách, mức độ che chắn... có thể ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe con người.
Tuy nhiên, đối với loại sóng điện từ của trạm BTS, nghiên cứu của WHO khẳng định chưa có bằng chứng khoa học thuyết phục nào cho thấy tín hiệu tần số vô tuyến yếu từ các trạm thu phát vô tuyến và các mạng vô tuyến gây ra những ảnh hưởng có hại cho sức khỏe con người.
Vấn đề đừng hiểu sai
TS Phạm Ngọc Châu - Phó chủ nhiệm khoa Vệ sinh - Y học - Môi trường (Học viện Quân y) cho biết theo tiêu chuẩn Việt Nam trường điện từ có thể ảnh hưởng đến sức khỏe thường có cường độ khoảng 30 GHz. Trong khi đó, các trạm BTS chủ yếu có cường độ khoảng 2 GHz, nhỏ hơn hơn 10 lần quy định.
“Trong từng gia đình cũng có rất nhiều thiết bị có sóng điện từ trường giống trạm BTS như: Lò vi sóng, thiết bị điều khiển ô tô, máy điện thoại kéo dài được sử dụng lâu dài cũng chưa phát hiện gây hại đến sức khỏe con người. Nghiên cứu gần đây nhất ở Đan Mạch trên 42.000 người kéo dài trong vòng 20 năm cũng đưa ra kết luận bức xạ điện từ trường dưới tiêu chuẩn cho phép không ảnh hưởng đến sức khỏe con người” - TS Châu nói.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Dân - Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ (Bộ Thông tin - Truyền thông) cho biết: Tại Việt Nam, tiêu chuẩn về quản lý an toàn đối với sóng điện từ cao gấp 2 lần tiêu chuẩn của ICNIRP (vốn được nhiều tổ chức quốc tế và quốc gia khuyến nghị áp dụng). Bộ cũng đã xây dựng hệ thống văn bản quản lý về bức xạ điện từ của các trạm thu phát thông tin di động.
“Từ khi có các lo ngại về ảnh hưởng của sóng điện từ của các trạm BTS, đã có nhiều cuộc đo thử được thực hiện theo phản ảnh, bức xúc của người dân, hoặc theo yêu cầu của doanh nghiệp lắp đặt trạm BTS. Kết quả đo kiểm cho thấy ở những nơi người dân phản ảnh về hiện tượng sức khỏe thì mức phơi nhiễm đều nhỏ hơn giá trị tiêu chuẩn rất nhiều.
Kết quả kiểm định từ 1/1/2007 đến nay, theo thống kê, Cục Quản lý chất lượng Công nghệ thông tin và Truyền thông đã cấp giấy chứng nhận cho gần 3.000 trạm thu phát sóng thông tin di động, có nghĩa tất cả các trạm này không có trạm nào gây ra mức phơi nhiễm vượt mức giới hạn cho phép 2 W/m2 (hoặc 27,5 V/m) trong khu vực dân cư sinh sống, đi lại xung quanh trạm phát sóng“ - Ông Dân cho biết.
Từ kết quả này Bộ Khoa học và Công nghệ đã có công văn gửi Văn phòng Chính phủ khẳng định cho đến nay chưa có bằng chứng khoa học cho thấy sóng điện từ của các trạm thu phát sóng gây nguy hiểm cho sức khỏe.
Bộ Bưu chính - Viễn thông (nay là Bộ TT&TT) cũng đã có công văn gửi Văn phòng Chính phủ nêu rõ kết luận của Tổ chức Y tế Thế giới là chưa có bằng chứng khoa học cho thấy sóng điện từ của các trạm thu phát sóng gây nguy hiểm cho sức khỏe.
Như vậy, người dân có thể hoàn toàn yên tâm về sự có mặt của các trạm BTS quanh khu vực mình đang sinh sống. Mặt khác các doanh nghiệp viễn thông phải bảo đảm những quy định của TCVN và cũng cần quan tâm hơn đến việc thông tin tới người dân khi xây dựng thêm những cơ sở hạ tầng viễn thông mới.
Tuy nhiên, nhà quản lý, nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng nên quan tâm và tìm hiểu lẫn nhau dựa trên những tiêu chí có lợi nhất, từ đó lập ra những hành lang bảo vệ có ít gây hại, ảnh hưởng đến sức khỏe.