Hạ tầng sạc “đâu cũng có”, lo lắng là thừa
- Năm ngoái các anh xuyên Việt bằng VF e34, năm nay thì bằng VF 8, khiến cộng đồng xôn xao. Phải chăng các anh đang quảng cáo cho VinFast?
Chúng tôi thích thì đi thôi! Nhưng nếu VinFast mời làm quảng cáo thì biết đâu đấy (cười)!
Nói vui vậy thôi, giống như dân công nghệ, mỗi khi có sản phẩm mới đều thích “vọc vạch”, khám phá, dân mê ô tô chúng tôi cũng luôn muốn trải nghiệm và thử thách những mẫu xe mới, đặc biệt đó lại là một mẫu xe điện thông minh như VF 8.
- Các anh có hơi mạo hiểm không khi một số ý kiến cho rằng VF 8 vẫn bị lỗi, thỉnh thoảng lại trục trặc giữa đường?
Xe ai lỗi tôi không rõ chứ xe tôi không lỗi nên tôi mới dám đi xuyên Việt. Tôi cũng hiểu rõ chiếc xe của mình nên mới đặt ra mục tiêu xuyên Việt chỉ trong 36 giờ.
Anh Mạnh Thắng chia sẻ cảm xúc phấn khích khi vượt mục tiêu đề ra trong chuyến xuyên Việt bằng VinFast VF 8. (Ảnh: FBNV) |
- Cảm xúc của anh ra sao khi chinh phục cung đường 1.700km Hà Nội - TP. HCM bằng VF 8 chỉ trong 28 giờ 33 phút, tiết kiệm được tới gần 1/4 thời gian so với dự kiến?
Nhiều người từng lo ngại xe điện khó có thể chạy đường dài, nhưng năm ngoái chúng tôi đã chứng minh điều ngược lại khi xuyên Việt bằng chiếc VF e34 chỉ trong 48 giờ. Bởi thế, cung đường đó hoàn toàn không thể làm khó chiếc VF 8, dù rằng mục tiêu lần này thách thức hơn, chỉ còn 36 giờ. Không ngờ chiếc xe còn làm tốt hơn thế rất nhiều. Ngay khi đến nơi, chúng tôi ra lệnh cho trợ lý ảo mở hết cửa kính và cửa sổ trời để hít thở “bầu không khí chiến thắng”. Thực sự rất phấn khích!
- Bí quyết nào giúp các anh hoàn thành cung đường trong thời gian ngắn kỷ lục như vậy?
Chúng tôi có 3 người, đều là những người nhiều kinh nghiệm, thay nhau lái trong toàn bộ hành trình, cứ mệt là đổi. Chân ga đều cũng rất quan trọng. Chúng tôi luôn duy trì tốc độ tối đa cho phép trên mỗi tuyến đường, ví dụ 120km/h trên cao tốc, 60km/h trên QL1A trong đô thị, 90km/h trên các tuyến đường ngoài đô thị. Với VF 8, chúng tôi có thể an tâm đạp ga “tới bến” vì range lên tới hơn 400km/lần sạc đầy pin.
“Chiến đội” của anh Mạnh Thắng luân phiên cầm lái chiếc VF 8 Plus. (Ảnh: FBNV) |
Trong cả hành trình, chúng tôi sạc pin 8 lần (lên khoảng 80% dung lượng), mất tổng cộng gần 200 phút, thấp hơn một chút so với dự kiến 216 phút tính toán ban đầu. Chi phí sạc điện là 1,2 triệu đồng, tiết kiệm hơn rất nhiều so với tiền xăng cho quãng đường tương đương nếu chạy bằng mẫu xe xăng cùng phân khúc với VF 8, ước tính sẽ dao động từ 3,5 đến 4 triệu đồng.
Chúng tôi cũng tranh thủ lúc sạc pin để nghỉ ngơi, ăn uống. Nhưng do thời gian sạc khá ngắn, nhanh chỉ hơn 10 phút, chậm nhất là 31 phút, nên việc ăn uống chủ yếu là ở trên xe. Việc sạc cũng được tính toán rất kỹ về địa điểm và thời gian, chủ yếu chỉ dùng trụ 250kW (6 lần) và 150kW (2 lần). Ngay khi đến điểm sạc, người được phân công sẽ lập tức xuống xe để cắm điện. Nhanh và chính xác từng phút như thay lốp xe trong các giải đua F1 vậy (cười)!
- Có vẻ như việc sạc pin không đáng lo ngại như nhiều người vẫn nghĩ khi nói về xe điện?
Đúng! Hệ thống trạm sạc rộng khắp cũng là một yếu tố quan trọng giúp chúng tôi vượt mục tiêu đề ra. So với tròn một năm trước khi xuyên Việt bằng VF e34, phải khẳng định hạ tầng sạc của VinFast bây giờ đã “lột xác” hoàn toàn.
Hạ tầng sạc “đâu cũng có” là một trong những trải nghiệm ấn tượng nhất với anh Mạnh Thắng trong chuyến đi. (Ảnh: FBNV) |
Dọc tuyến QL1A, cứ khoảng 100km lại có một trung tâm sạc lớn, rất thuận tiện. Còn trong các đô thị thì chỉ vài chục, thậm chí là vài km là đã có một trạm sạc. Có thể nói đến lúc này, lo lắng về trạm sạc là hoàn toàn không cần thiết với người dùng xe điện.
“Mẫu xe quá ổn trong tầm giá”
- Còn về trải nghiệm với chiếc VF 8 thì sao, điều gì khiến anh phấn khích nhất trong chuyến đi đặc biệt vừa qua?
Trước tiên là cảm giác lái. Xe điện mạnh mẽ hơn xe xăng nên khả năng tăng tốc cũng “phê” hơn. Trên đường dài, khi cần vượt xe khác, không xe nào vượt sướng bằng xe điện cả. Nhanh, dứt khoát và cực kỳ an toàn. Thời điểm vượt xe là thời điểm rất nguy hiểm nên vượt càng nhanh càng an toàn.
Một ưu điểm nữa là xe được trang bị nhiều tính năng hỗ trợ lái nâng cao ADAS. Trên hành trình xuyên Việt, chúng tôi gần như sử dụng liên tục các tính năng như kiểm soát hành trình thích ứng, giữ làn… nên vừa đỡ mệt mỏi, căng thẳng, lại vừa ngăn ngừa được rủi ro va chạm.
Tuy nhiên, cũng còn một vài điểm mà hy vọng VinFast sớm khắc phục như nhiệt độ màu của đèn cao quá khiến ánh sáng trắng, không bắt đường gây khó nhìn. Ngoài ra, cảm giác xe vẫn còn hơi ồn, ù, và ADAS cũng cần mượt mà hơn.
- Khi chuyến đi của các anh đang diễn ra, ASEAN NCAP đã công bố VinFast VF 8 đạt chứng nhận an toàn 5 sao - mức đánh giá cao nhất của tổ chức này. Cảm xúc của các anh khi đó thế nào?
Chúng tôi đều rất vui nhưng không quá bất ngờ, một phần bởi đó là tiêu chuẩn mà nhà sản xuất hướng đến ngay từ ban đầu.
Anh Mạnh Thắng không quá bất ngờ khi biết tin VF 8 được ASEAN NCAP “chấm” 5 sao về mức độ an toàn. (Ảnh: FBNV) |
Xin nói thêm, tôi từng đón nhận không ít ánh mắt lo ngại, thậm chí là hoài nghi khi là một trong những người đầu tiên nhận VF 8 tại Việt Nam. Nhưng với 20 năm trong ngành ô tô, tôi đủ kinh nghiệm để đánh giá chiếc xe có tốt hay không, có đáng mua hay không. Với VF 8, có thể nói tầm giá ấy là quá ổn để mua.
- Từng sở hữu VF e34 và nay là VF 8, anh có lời khuyên gì cho các chủ xe điện để có thể tối ưu chiếc xe của mình?
Xe điện thông minh hơn xe xăng nên cũng phức tạp hơn xe xăng rất nhiều, đòi hỏi chúng ta phải thay đổi thói quen để thích nghi và làm chủ nó. Giống như một chiếc máy tính, xe điện khi mới khởi động cũng cần thời gian để các phần mềm sẵn sàng, các tính năng “thức giấc”. Nếu vừa khởi động đã di chuyển ngay hoặc liên tục ấn các tổ hợp phím thì rất dễ bị lỗi.
Hay như vấn đề sạc điện. Chỉ cần có kế hoạch trước cho mỗi chuyến đi thì ta sẽ luôn chủ động thay vì phải chạy theo phục vụ chiếc xe.
- Chỉ dùng 3 từ để mô tả về chiếc VF 8 trong hành trình xuyên Việt vừa qua, anh sẽ nói gì?
Phê. Sướng. Yêu!
- Xin cảm ơn anh!