Lấy ví dụ từ việc sửa Nghị quyết 35 về lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói rằng, khi làm nghị quyết này, Trung ương nhất trí rất cao, có một số đồng chí ở Trung ương cũng phát biểu, ở Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng phát biểu, nhưng ra Quốc hội lại không thấy nói gì cả.
Thậm chí, theo Chủ tịch Quốc hội, trong thảo luận có đại biểu còn lấy bài của người khác để phát biểu. “Như thế là không nghiêm túc, cần rút kinh nghiệm ngay ở kỳ họp tới”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Về nội dung kỳ họp thứ 8, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Quốc hội phải có đủ thời gian, nếu cắt ngắn sẽ không đảm bảo chất lượng. “Quốc hội là nơi họp, bàn việc nước, phải có đủ thời gian sao lại nói ngắn, dài được. Tuy nhiên, cũng phải tiết kiệm, bố trí thời gian làm việc hợp lý, bởi hiện nay còn 2/3 đại biểu là bán chuyên trách”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Phải nghiêm túc thi hành Hiến pháp
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, Quốc hội phải là cơ quan gương mẫu, nghiêm túc thi hành Hiến pháp mới. Để kỳ họp thực sự có hiệu quả, làm được nhiều việc cho dân, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh kỳ họp thứ 8 cần tập trung vào những việc quan trọng về quốc kế dân sinh, ưu tiên những dự luật quan trọng. Đặc biệt phải quán triệt tinh thần Hiến pháp mới, tập trung xây dựng những luật liên quan đến thể chế, đảm bảo quyền công dân.
Chủ tịch Quốc hội
Nguyễn Sinh Hùng
“Tinh thần là phải bảo đảm nhà nước phục vụ nhân dân chứ không phải nhà nước quản dân. Quyền công dân phải được đảm bảo, được tôn trọng. Bất kỳ ai xâm phạm quyền công dân cũng phải bị xử lý.
Ví dụ như xây dựng Luật Căn cước công dân phải làm sao bảo đảm thuận lợi cho dân hơn. Những điều Hiến pháp đã quy định như bỏ phiếu tín nhiệm thì tới đây Quốc hội phải làm, Quốc hội phải nghiêm túc, gương mẫu thực thi Hiến pháp”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Theo Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, dự kiến kỳ họp thứ 8 sẽ khai mạc ngày 20/10, bế mạc ngày 29/11. Trong khoảng 35 ngày làm việc, Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến 30 dự án luật, hai nghị quyết. Dự kiến, dành nửa ngày để xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm (sửa đổi).
Tại Kỳ họp này, Quốc hội cũng dành thời gian để lấy phiếu tín nhiệm các chức danh Quốc hội bầu/phê chuẩn theo Nghị quyết 35 của Quốc hội.
Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa: Không dự trù kinh phí sẽ gác lại
Ngày 16/7, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Đào Trọng Thi, cho biết: Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo gửi hồ sơ đầy đủ tới Ủy ban. Tuy nhiên, hiện Bộ vẫn xin khất con số kinh phí vì chờ Chính phủ phê chuẩn. Nếu phiên họp của Chính phủ tới xem xét thông qua, dự kiến có thể trình đề án để UBTVQH xem xét vào tháng 9.
Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý: Nghị quyết của Quốc hội tại kỳ họp vừa qua đã nói rõ Bộ Giáo dục và Đào tạo phải hoàn thiện đề án, trình Quốc hội kỳ họp cuối năm nay. “Khi trình thì dứt khoát phải có con số. Không có đề án nào mà lại không nêu vấn đề kinh phí. Nếu đề án không có con số kinh phí, chắc cũng sẽ phải gác lại”, Chủ tịch Quốc hội cho biết.
Ng. Tuấn