Chủ nhân mộ cổ Ciputra là người Việt?

Chủ nhân mộ cổ Ciputra là người Việt?
Hai ngôi mộ cổ và một chiếc giếng cổ đã được phát hiện tại khu đô thị Ciputra (Hà Nội). Việc xác định chủ nhân của các di tích này sẽ là gợi ý quan trọng để có cách ứng xử phù hợp nhất với chúng.

Chủ nhân mộ cổ Ciputra là người Việt?

> Mộ cổ, giếng cổ, đồ cổ về bảo tàng Hà Nội

Hai ngôi mộ cổ và một chiếc giếng cổ đã được phát hiện tại khu đô thị Ciputra (Hà Nội). Việc xác định chủ nhân của các di tích này sẽ là gợi ý quan trọng để có cách ứng xử phù hợp nhất với chúng.

Bài viết mà TT&VH đã nhận của TS Nguyễn Việt mở ra một cách nhìn.

Mộ cổ ở Ciputra. Ảnh Internet
Mộ cổ ở Ciputra. Ảnh Internet.

Mộ cổ liên quan gì đến giếng cổ?

Việc phát hiện hai ngôi mộ gạch cuốn ở công trường làm đường trong khu vực Ciputra thuộc quận Tây Hồ đã được báo chí rất quan tâm trong vài tuần qua.

Cấu trúc mộ như vậy cùng với đồ gốm tùy táng trong mộ cho thấy chúng thuộc loại hình mộ Lục Triều sớm, khá gần gũi với niên đại ngôi mộ gạch ở xã Tân Hòa (Hoài Đức, Hà Nội) đã được Bảo tàng Lịch sử Việt Nam khai quật năm 1987.

Khi khai quật mộ Tân Hòa, các nhà khảo cổ thuộc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam đã đặt niên đại mộ vào thời Tấn muộn, dựa trên minh văn từ ba viên gạch mộ. Tuy nhiên, giáo sư Hà Văn Tấn đã đưa mộ này sang thời Tề với logic cho rằng minh văn gạch nói đến sự kiện xảy ra vào thời “Tấn mạt” thì mộ phải sau năm 420.

So sánh hai mộ Ciputra với mộ Tân Hòa nói trên có thể nhận thấy một số điểm sớm hơn chút ít, thể hiện trên hoa văn gạch mộ và kiểu gạch lát nền đáy mộ. Những mộ đó khá gần gũi, cả về đồ tùy táng (gốm) với các mộ đời Đông Tấn khai quật được ở Quảng Tây, Quảng Đông (Trung Quốc). Vì thế, theo tôi có thể nghĩ rằng đây là những mộ đời Đông Tấn, tức ở thế kỷ 4 đến đầu thế kỷ 5 sau Công nguyên.

Niên đại hai mộ gạch Ciputra không cùng với niên đại giếng gạch phát hiện cách hơn 100m. Thường thì các khu mộ gạch cổ ở tương đối xa khu cư trú cùng thời. Kiểu giếng gạch như vậy khá giống những giếng gạch thời Đường - Nam Hán đào được khá nhiều ở Phiên Ngung (Quảng Châu, Trung Quốc). Việc phát hiện các mảnh vỡ sành, gốm thế kỷ 7-10 trong giếng khá phù hợp với khung niên đại Đường.

Theo ông Nguyễn Vinh Phúc, làng Gạ ở gần đó, nơi hiện còn ngôi chùa Khai Nguyên tương truyền liên quan đến việc thứ sử Quảng Châu thời nhà Đường là Lư Hoán từng lập quán Khai Nguyên để thờ Đường Minh Hoàng. Điều này cho thấy khu mộ cổ đời Tấn, sau mấy trăm năm, sang đời Đường đã có người ở và chiếc giếng gạch kiểu Đường kể trên có thể liên quan đến cư trú thời Đường đó. Tuy nhiên cần ghi nhận rằng loại giếng gạch như vậy không phải là loại giếng dân gian, bình dân mà thường là một phần của kiến trúc tôn giáo, quý tộc đương thời.

Giếng cổ ở Ciputra. Ảnh Internet
Giếng cổ ở Ciputra. Ảnh Internet.

Vì sao có hiện tượng in ngược trong chữ Đỗ?

Ngôi mộ ở xã Tân Hoa (Hoài Đức) thế kỷ 5 do Bảo tàng Lịch sử khai quật, theo GS Hà Văn Tấn, có liên quan đến dòng họ Đỗ đã từng làm thái thú Giao Châu như Đỗ Tuệ Độ, Đỗ Tuệ Kỳ, Đỗ Chương Dân.

Ba viên gạch ghi minh văn trong mộ này cũng đề cập đến việc người chết chôn trong mộ đã đánh dẹp Lư Tuần vào khoảng những năm 410, 411. Lư Tuần vốn làm thái thú ở quận Vĩnh Giang, nổi lên chống nhà Nam Tấn. Khi thất bại đã chạy về nam đánh chiếm Quảng Châu, Hợp Phố, Long Biên. Cuối cùng mất ở đất Giao Châu.

Theo GS Hà Văn Tấn, chủ nhân ngôi mộ ở xã Tân Hoa (Hoài Đức) có thể là Đỗ Quý Dân, người tham gia đánh Lư Tuần. Chữ “Đỗ” in trên gạch mộ này có nửa bên bộ “thổ” bị mất nét, có người đã đọc là chữ “thôn”. Theo tôi, đọc là Đỗ mới đúng.

Trong ngôi mộ lớn ở Ciputra có một số viên gạch in nổi hình một chữ Hán: bên phải là bộ “Thổ”, bên trái là bộ “Mộc”. Chữ Hán không có chữ này, nhưng nếu biết rằng để in ra chữ đó người thợ phải có một bản khắc gỗ lõm. Và chính ở trên bản khắc lõm đó người ta dễ dàng nhận ra chữ “Đỗ” (bên trái là nghĩa bộ “Mộc” bên phải là âm bộ “Thổ”). Theo táng tục xưa, ít ra thấy từ thời Đông Hán, gạch hoặc đá xây mộ cho người chết thuộc hàng quý tộc thường có ghi tên họ hoặc chức danh của những người cúng viếng.

Ở Việt Nam, ngôi mộ Đông Hán thế kỷ 2 sau Công nguyên khai quật tại Nam Sách (Hải Dương) có khá nhiều viên gạch ghi dòng họ “Hoàng”, trong đó một số chữ cũng có hiện tượng in ngược như chữ Đỗ trong mộ Ciputra. Như vậy có thể thấy người chết trong mộ có thể là người thuộc dòng họ Đỗ hay chí ít cũng liên quan đến dòng họ nổi danh này.

Giải thích tại sao chữ nổi trên gạch lại là chữ họ “Đỗ” in ngược, tôi cho rằng liên quan đến hai vấn đề : thứ nhất là kỹ thuật in khắc âm bản trước khi dùng để in dập vào gạch. Đây là phương pháp tạo hoa văn trên gạch rất quen thuộc vào đời Hán và kéo dài mãi đến tận thời Đường và thời Lý ở nước ta. Để có những hoa văn nổi trên gờ viên gạch, người thợ xưa dùng các bản in bằng gỗ hay đất nung.

Khi khắc chữ, nhiều thợ đã không quen khắc ngược nên đã khắc chữ xuôi trên bàn dập, dẫn đến có chữ ngược trên gạch. Đây là điều khá bình thường đương thời, bởi rất hiếm khi người thợ thủ công xưa biết chữ. Hiện tượng này còn kéo dài đến sau này cả trên nghề làm dấu phong nê lẫn dấu in trên gốm sứ. Thứ hai có thể liên quan đến quan niệm âm dương dưới mồ.

Chữ “Đỗ” in ngược trên gạch xây mộ phản ánh tư duy cõi âm đối ngược với dương thế. Nhưng dù thế nào thì chữ in trên gạch cũng là chữ “Đỗ” - một dòng họ rất nổi danh trong vùng đương thời.

2 chữ Hán in ngược trong mộ gạch kiểu Đông Hán ở Nam Sách (Hải Dương)
2 chữ Hán in ngược trong mộ gạch kiểu Đông Hán ở Nam Sách (Hải Dương).

Dòng họ Đỗ trong lịch sử

Dòng họ Đỗ đến thời nhà Đường đã rõ là một dòng họ Việt bao trùm cả một vùng hữu ngạn sông Hồng (Đỗ Đoài - sau đây tôi sẽ có một bài viết riêng về nhánh họ Đỗ vùng xứ Đoài Từ Liêm có thể liên quan đến họ Đỗ ghi danh trên gạch mộ Ciputra). Vùng lưu vực sông Đáy từng có tên là Đỗ Động giang, nơi sứ quân Đỗ Cảnh Thạc nổi lên hồi thế kỷ 10, từng được ghi danh một trong 12 sứ quân.

Trước đó, Đỗ Anh Sách vốn là một thổ tù cai quản Trường Châu được nhà Đường cho làm đến chức Đô úy cai quản quân đội của An Nam đô hộ phủ. Đỗ Anh Hàn tham gia khởi nghĩa Phùng Hưng cũng làm quan trong Đô hộ phủ. Trên chuông đồng chùa Thanh Mai đúc năm 798 phát hiện ở gần thành phố Hà Đông có minh văn ghi tên công đức của gần 300 nhân vật có vị trí xã hội cao đương thời, có đến 28 người mang họ Đỗ, gồm cả Đỗ Anh (Sách).

Dòng họ Đỗ ở Việt Nam khởi phát có lẽ từ cuối TK 4, bắt đầu được sử sách ghi chép với Thái thú Giao Châu tên là Đỗ Viện. Theo Toàn thư (Ngoại kỷ, tờ 9a, 9b) thì khi đó Đỗ Viện là người Giao Chỉ (tức người Việt) tương tự như dòng họ Sĩ Nhiếp, Lý Bí. Dòng họ Đỗ Viện được coi như là người đất huyện Chu Diên, cùng quê với Thi Sách và cha con Triệu Túc, Triệu Quang Phục.

Đất huyện Chu Diên bao gồm vùng đất phía Nam Hà Đông cũ, đất Hà Nam, Hưng Yên. Năm 381, Đỗ Viện dẹp yên cuộc nổi dậy của Lý Tốn, thái thú Cửu Chân, đã được nhà Tấn thăng chức Thứ sử Giao Châu. Năm 399, quân Lâm Ấp đánh chiếm Nhật Nam, Cửu Chân rồi tiến vào Giao Châu, Đỗ Viện đã dánh tan quân Lâm Ấp. Nhờ những công lao đó, năm 411, khi Đỗ Viện chết, con là Đỗ Tuệ Độ được đảm nhiệm thay cha chức Thứ sử Giao Châu.

Đây cũng là thời gian diễn ra loạn lạc do các thái thú và trưởng lại ở nhiều địa phương không theo nhà Tấn, nổi lên cát cứ. Cuộc nổi dậy của Lư Tuần đã tác động trực tiếp đến Giao Châu. Tuệ Độ đã dẹp yên và còn nhiều lần đẩy lui quân Lâm Ấp đánh ra Giao Châu. Ngôi mộ ở xã Tân Hoa huyện Hoài Đức có nhắc đến việc người chết trong mộ là người họ Đỗ (Quý Dân) đã có công dẹp Lư Tuần.

Tác giả Việt sử lược đời Trần đã nhận xét như sau về Đỗ Tuệ Độ: “Tuệ Độ thi hành chính sự, dân chúng nể sợ những vẫn mang lòng yêu mến. Cửa thành ban đêm vẫn mở, trên đường không ai nhặt của rơi”.

Những điều trên cho thấy hai ngôi mộ Ciputra nói trên vốn dĩ nằm trong phạm vi ảnh hưởng của dòng họ Đỗ thế kỷ 4-5. Đây là vùng thượng nguồn của sông Nhuệ và sông Tô thuộc hệ thống các nhánh hữu ngạn sông Hồng, nơi mà cho đến cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19, dòng họ Đỗ vẫn là một trong những dòng họ lớn vào loại nhất trong vùng.

Theo TT&VH

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG