Bức tranh đắt giá "Chú bé cầm tẩu thuốc" |
Họ, những người thắc mắc thừa hiểu giá trị của số tiền nhưng chưa hiểu giá trị nghệ thuật và càng không hiểu sự phức tạp lắt léo trong quy luật buôn bán tư bản.
1. Giá trị nghệ thuật của bức tranh
Picasso là danh họa huyền thoại sống, là cái tên nổi tiếng nhất, trường tồn nhất thế kỷ 20 trong lĩnh vực mỹ thuật.
Ông quá thọ (92 tuổi), vẽ quá nhiều lại thành công ở nhiều trường phái - phong cách nghệ thuật: từ Hiện thực, Ấn tượng, Dã thú đến Biểu hiện, Lập thể, Siêu thực v.v… trường phái nào ông cũng đều thử sức và thành công.
Do đó cái tên Picasso trở thành một đảm bảo, một uy tín của nghệ thuật hiện đại.
Chân dung Picasso
Phần lớn nghệ thuật của ông được đồng nghiệp tán thưởng và khâm phục vì tạo hình đột phá, kỹ thuật hoàn hảo, biểu cảm mãnh liệt… Ông quảng giao, lại vẽ liên tục nên nhiều tác phẩm sớm được lăng xê và sớm được đông đảo công chúng biết tới.
Có những đề tài hiểm hóc mà ông dám làm theo đơn đặt hàng, lại nhanh nhạy, hiệu quả, mới mẻ và đầy tính thời sự (như tranh Guernica hay Chim hoà bình…) được chính phủ hay tổ chức thế giới sử dụng nên được quảng bá sâu rộng và được đánh giá cao.
Tài năng khoa học bao giờ cũng dễ xác định vì có liên quan tới đúng sai và vì có thể cân, đong, đo, đếm. Tài năng nghệ thuật thì ngược lại vì ở lĩnh vực này, cái đẹp thống trị, mà cái đẹp chưa chắc đã là cái đúng, nhất là ở thời hiện đại.
Để có thể xem được tranh của các danh hoạ thế kỷ 20, ta cần phải vừa huy động trực giác, vừa cần tới độ sâu lắng của tâm hồn, đồng thời hiểu rõ các tuyên ngôn nghệ thuật và nắm bắt được tính thời sự của nghệ thuật…
Riêng Picasso là trường hợp đặc biệt: tác phẩm của ông luôn được trí thức lớn đương thời thích thú, tán đồng. Đó chính là đảm bảo cơ bản nhất, tối ưu nhất.
Nhận định của các vĩ nhân bao giờ cũng có sức nặng ngàn cân. Các tên tuổi lớn Apollinaire (nhà thơ triết học), Malraux ( nhà thơ - Bộ trưởng Văn hoá Pháp), Stravinsky (nhà soạn nhạc), Aragon (nhà thơ), Corbusier (kiến trúc sư)… đều thích thú và khâm phục sự sáng tạo của Picasso.
Riêng "Cậu bé cầm tẩu thuốc" luôn được đánh giá cao, xuất hiện trên sách báo lâu nay. Đây là bức tranh bản lề của sự chuyển biến từ thời kỳ màu Lam sang thời kỳ màu Hồng của Picasso. Đó là thời kỳ ông bần hàn, đang gây dựng cơ nghiệp, ông vẽ mạnh bạo nhưng chân phương, toát lên sự cảm thông sâu sắc với nhân tình thế thái.
2. Huyền thoại làm tăng giá bức tranh
Nếu chỉ đơn thuần bán một bức tranh thì khó mà cao giá. Người ta cần có huyền thoại kèm theo, bán cả tranh lẫn huyền thoại thì bao giờ cũng lãi một ăn mười trở lên.
- Tên tranh: Garçon à la pipe (tạm dịch: "Chú bé cầm tẩu thuốc") - Chất liệu: Sơn dầu trên toan - Tác giả: Pablo Picasso (1881 - 1973), danh hoạ người Tây Ban Nha, định cư và mất tại Pháp. - Ngày và nơi bán: 5/5/2004 - New York (Mỹ) - Cách bán: Đấu giá - Hãng đấu giá: Sotheby, một trong hai hãng đấu giá lớn nhẩt và nổi tiếng nhất thế giới hiện nay (hãng kia là Christie) - Tổng giá bán: 104.168.000 USD - Giá thực bán: 93.000.000 USD - Hoa hồng (môi giới, thuế, dịch vụ…): 11.168.000 USD - Kẻ bán: Greentree Foundation - một quỹ hoà bình xanh của Mỹ - Người mua: tạm dấu tên vì lý do an ninh |
Ví dụ như tranh của Van Gogh, đẹp thì đẹp thật nhưng ế xưng ế xỉa lúc tác giả còn sống. Mãi sau khi danh hoạ này chết thì cuộc đời chìm nổi, sóng gió và quyết liệt vì lý tưởng nghệ thuật của ông mới làm xúc động hàng triệu người.
Số phận bi thảm bao nhiêu thì tranh của ông sau này đắt giá bấy nhiêu bởi các nhà tỷ phú quyết tâm dốc hầu bao mua bằng được nhằm thoả mãn cơn khát: nghệ thuật + huyền thoại + sự xả thân vì lý tưởng nghệ thuật cao cả.
Với Picasso cũng gần như vậy. Ông là huyền thoại của lối sống tự lập, đi lên từ nghèo khó, với niềm đam mê mãnh liệt, sức sáng tạo vô bờ bến và còn được công chúng yêu thích nghệ thuật biết tới bởi những rắc rối về đời sống tình ái của ông.
Đấy là chưa kể ông có phong cách hết sức đa dạng. Tác phẩm của Picasso mang hơi thở của thời đại: ông dám đưa thời sự vào nghệ thuật (điều mà nhiều hoạ sĩ lảng tránh) với thái độ đứng về chính nghĩa. Đặc biệt hơn ông dám sáng tạo và luôn sáng tạo rất táo bạo, làm cho nghệ thuật có những bước tiến dài mà hết sức độc đáo.
Nhiều hoạ sĩ gặp lúc bí bách trong sáng tạo thường tìm tranh của Pi để gỡ bí, vậy là ông đã thành huyền thoại ngay trong các đồng nghiệp.
Theo dõi việc bán tranh của ông, các nhà bình luận nhận thấy tranh của Pi dễ bán nhưng chia làm hai loại: loại sáng tạo đỉnh cao về sau luôn được các đồng nghiệp và các trí thức cao cấp tán thưởng chỉ bán được giá thường; Còn loại chân phương, tình cảm của thời kỳ đầu thì bán được nhiều, giá cao, đôi khi là kỷ lục.
"Cậu bé cầm tẩu thuốc" chính là thời kỳ đầu. Cậu chỉ là hàng xóm của họa sĩ nơi một xóm nghèo Montmartre, một bữa nọ cậu sang xem hoạ sĩ vẽ. Sẵn mối thiện cảm, ông đã vẽ cậu đang nghịch tẩu thuốc. Tranh chân phương nhưng không nệ thực, toát lên tình cảm chân thành.
3. Tính độc bản của hội hoạ
Trong các ngành nghệ thuật, chỉ riêng hội hoạ có tính chất này. Văn thơ có thể in vô số bản và phải in người ta mới đọc. Nhạc được sáng tác bởi cá nhân nhưng chỉ thành tác phẩm khi biểu diễn nhờ các ca sĩ, các tay đàn hát đi hát lại nhiều lần. Loại hình nghệ thuật Sân khấu được tạo dựng bởi công lao của tập thể và cũng phải diễn đi diễn lại nhiều lần để công chúng biết tới. Chỉ có hội hoạ là độc bản, là sáng tạo một lần. Hoạ sĩ vẽ ra bức nào thì đó là bức duy nhất, có chép lại cũng không giống hoàn toàn.
Vì độc bản, vì thể hiện cái đẹp, vì khả năng trở thành của riêng, của độc mà các bức tranh mới có thể cao giá, nhất là với các kiệt tác. Nhà sưu tập có thể yên tâm ngắm nghía cái đẹp duy nhất đó. Tất nhiên có bọn làm tranh giả nhưng hầu như chúng không dám thử sức với các kiệt tác, dễ bị lộ, sạt nghiệp và vào tù…
4. Bán đấu giá, ai được lợi?
Rõ ràng không phải tác giả, ông ta đã mất từ lâu. Cũng chẳng phải các nhà sưu tập thuở ban đầu vì họ cũng đã qua đời. Được lợi chủ yếu là con cháu thừa kế hoặc các nhà thiết kế thế hệ sau. Nói gọn: đây là kiểu để của cho con!
Khi xưa, tác giả mới nổi, có nhà sưu tập với định hướng tương lai đã nhìn thấy món hời cần đầu tư. Vốn sẵn tiền, họ mua tranh khi giá còn thấp để dành tương lai xa cho con cháu.
Bức "Cậu bé cầm tẩu thuốc" được hai vợ chồng ông Whitney mua từ năm 1950 với giá 30.000 USD để hôm nay đạt giá 104.000.000 USD. Họ cũng đã qua đời, nhưng trước khi mất họ hiến tài sản cho quỹ hoà bình xanh Greentree Foundation, đến lượt quỹ này đem đấu giá để sung tiền vào công quỹ.
Hai ông bà Witney là những nhà từ thiện lớn, từng có địa vị xã hội cao - tên tuổi của họ một lần nữa tăng thêm huyền thoại cho bức tranh, mà huyền thoại ở đây lại có thể quy ra tiền.
5. Sự phức tạp của đấu giá
Không phải cứ tranh đẹp là dễ bán đắt. Cần phải có tranh đã nổi tiếng theo quy ước: tranh - tác giả - huyền thoại.
Rồi cần có hãng đấu giá bởi các hãng này mới có đủ kỹ nghệ quảng cáo, lăng xê, đánh bóng huyền thoại đồng thời đảm bảo mọi chi tiết, kỹ thuật và pháp luật để đảm bảo các câu hỏi của khách hàng: Nhỡ tranh giả thì sao? Hãng có các chuyên gia và máy soi hàng đầu thế giới. Nếu lý lịch tranh có chỗ mờ ám? Hãng có đội ngũ luật sư riêng. Thế còn vận chuyển tranh (nếu mất, nếu xây xát)? Hãng gọi bảo hiểm…
Tất cả được chuyển thành hợp đồng, chi li tới từng chi tiết, rất đảm bảo nhưng hãng nắm đằng chuôi. Quảng cáo, vận chuyển, bảo hiểm… người bán phải lo và trả tiền trước, nghĩa là ngoài số 104 triệu kia, còn 11 triệu là tiền hoa hồng (thuế, tiền công, dịch vụ…), nghĩa là kẻ bán không được ăn tất cả!
Theo Đức Hoà
VTV/Mỹ thuật - Nhiếp ảnh