Ðội hỗ trợ tìm nhà trọ của Trường ÐH Ðông Á (Ðà Nẵng) tư vấn chỗ trọ cho sinh viên, phụ huynh tại trường |
TPHCM: Giá nhà trọ tăng
Những ngày qua, trước cổng Trường ĐH Công nghiệp TPHCM (quận Gò Vấp) luôn tấp nập người, chủ yếu là sinh viên và người nhà đến đây để hỏi tìm nhà trọ. Hơn 7 giờ sáng 9/2, cha con anh Lê Văn Thanh, quê Quảng Ngãi đã ngồi uống cà phê cóc trước cổng Trường ĐH Công nghiệp TPHCM. Anh Thanh cho biết, cha con anh lên xe đò vào TPHCM từ chiều hôm trước và đến khoảng 6 giờ thì tới bến xe. “Sau đó, hai cha con bắt xe ôm từ bến xe qua trường để ăn sáng, cà phê rồi sau đó đi tìm nhà trọ quanh trường cho tiện con đi học”, anh Thanh kể.
Một sinh viên cùng bố ngồi trước cổng trường đại học ở TPHCM chờ tìm phòng trọ |
Anh Thanh cho biết, qua thăm dò người dân xung quanh và gọi điện đến các số điện thoại cho thuê nhà dán trên trụ điện, giá nhà cũng khá cao, trung bình từ 2-2,5 triệu đồng/ phòng, ở ghép thì rẻ hơn khoảng nửa giá nhưng chưa quen ai vì cháu chỉ mới năm nhất nên khá đắn đo. Có một số phòng giá cũng vừa phải nhưng ngặt nỗi lại xa trường, anh Thanh chưa có điều kiện mua xe cho con đi lại nên cũng phải từ bỏ.
Tình cảnh của bố con anh Thanh cũng là nỗi trăn trở của nhiều bậc phụ huynh và sinh viên thời điểm này.
Theo khảo sát của PV, dù ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nhưng giá nhà trọ quanh các trường đại học ở TPHCM vẫn tăng trên dưới 10% so với năm trước. Cụ thể, các nhà trọ ở quận Gò Vấp, nơi có Trường ĐH Công nghiệp, ĐH Văn Lang, ĐH Mở TPHCM, ĐH Nguyễn Tất Thành, giá thuê trọ đều tăng so với năm trước. Mức giá dao động từ 2 - 3,2 triệu/người/phòng.
Anh Tuấn, một người cho thuê nhà trọ, cho hay, năm qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên đa số chủ nhà trọ hay người hành nghề như anh đều bị ảnh hưởng nặng nề. “Hiện nay, nhu cầu của người thuê đòi hỏi cao hơn như phải phòng phải mới, có wifi, nhà vệ sinh riêng, thoải mái đi lại… nên các chủ nhà trọ phải liên tục làm mới, đầu tư nên giá năm sau thường cao hơn năm trước trên dưới 10%”, anh Tuấn nói. Theo anh, muốn ở rẻ thì chỉ có thể ở ghép hoặc đi ra vùng ven hoặc chỉ có các nhà trọ cũ kỹ, ẩm thấp.
Ðà Nẵng: Không thiếu chỗ ở
Anh Nguyễn Thành Đạt, Bí thư Đoàn Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng), cho hay, nhà trường đang kết nối với các nhà trọ xung quanh trường để nắm số lượng phòng, giá tiền… “Tất cả các thông tin về nhà trọ sẽ được cập nhật lên Facebook để hỗ trợ cho những sinh viên có nhu cầu về chỗ ở. Đảm bảo trước ngày 21/2, khi nhà trường bắt đầu dạy học trực tiếp, các bạn sẽ tìm được nơi ở ổn định”, anh nói. Ngày 18/2, Trường ĐH Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt - Hàn (ĐH Đà Nẵng) đón sinh viên quay trở lại. Nhà trường cũng đã bố trí một đội tình nguyện viên khảo sát, tìm kiếm nhà trọ gần trường. Anh Nguyễn Văn Hưng, Bí thư Đoàn trường, cho biết, qua tìm hiểu, nhà trọ xung quanh trường còn rất nhiều, giá thuê không quá cao nên sẽ không xảy ra tình trạng thiếu chỗ ở.
Ngay sau khi kết thúc kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, đội hỗ trợ nhà trọ sinh viên của Trường ĐH Đông Á đã túc trực trên hệ thống ngân hàng nhà trọ trực tuyến ở bàn tư vấn tại trường để hướng dẫn và hỗ trợ. Các tình nguyện viên liên tục tìm kiếm, cập nhật dữ liệu nhà trọ khu vực gần trường, ưu tiên bán kính dưới 5km. Hiện tổng số lượng chỗ ở có thể bố trí sinh viên vào ở ngay đợt này là hơn 4.500. Ngoài tìm kiếm, đội hỗ trợ còn đưa đón phụ huynh, sinh viên trực tiếp xem phòng và vận chuyển hành lí đến trọ, giúp ổn định trong những ngày đầu. Vừa từ Nghệ An đến trường vào ngày 11/2, Lê Đình Ý (sinh viên năm nhất ngành Quản trị kinh doanh) được tư vấn cho 4 chỗ trọ gần trường vì không có phương tiện đi lại. “Em đã chọn được chỗ trọ chỉ cách trường chưa đến 500m sau khi các anh chị chở em đến xem tận nơi. Thật sự em rất an tâm khi nhận được sự giúp đỡ này”, Ý nói.
Trường ĐH Duy Tân đã kết nối được phòng trọ cho hơn 1.600 sinh viên. Các phòng đều nằm gần các cơ sở của nhà trường, giá tiền phù hợp.
Ký túc xá Trường ĐH Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt - Hàn đợt này đã có 1.500 sinh viên đăng ký chỗ ở. Nhà trường bố trí nguyên tầng 5 trong ký túc xá làm khu cách ly, điều trị cho sinh viên mắc COVID-19. Nhà trường hỗ trợ ăn uống, thuốc, các vật dụng khác qua sự hướng dẫn của lực lượng y tế địa phương.
Tìm mọi cách hỗ trợ tân sinh viên
Th.S Hoàng Thị Thoa, Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông Trường ÐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM, cho biết, nhằm giúp đỡ sinh viên, đặc biệt là giảm thiểu việc bị lừa trong quá trình tìm kiếm trọ, nhà trường đã thành lập đội hình hỗ trợ tìm nhà trọ và tìm bạn ở ghép dành cho tân sinh viên. Ðội hình này do Câu lạc bộ Công tác xã hội của trường đảm nhiệm và ngay từ trước Tết Nguyên đán đã đi khảo sát các chủ nhà trọ quanh khu vực trường về giá cũng như chỗ ở để giới thiệu cho tân sinh viên. “Sau khi khảo sát, đội hình hỗ trợ tìm nhà trọ sẽ lập các nhóm Zalo gồm sinh viên có nhu cầu cần tìm trọ hoặc sinh viên tìm người ở ghép và chỉ cần truy cập vào link sẽ có thông tin để lựa chọn”, bà Thoa nói. Năm nay, nhu cầu tìm phòng trọ của sinh viên khá cao do đợt dịch vừa qua, đa số sinh viên đã trả trọ về quê, cộng với nhu cầu nhà trọ của tân sinh viên.
TS Nguyễn Vũ Quỳnh, Phó hiệu trưởng Trường ÐH Lạc Hồng (Ðồng Nai), thông tin, sinh viên của trường đa số ở các tỉnh miền Trung và mặc dù đã học được nửa năm nhưng rất nhiều sinh viên năm nhất vẫn còn bỡ ngỡ vì chưa từng đặt chân đến Ðồng Nai. Vì vậy, Phòng Công tác sinh viên của trường đã hỗ trợ kết nối, tìm kiếm phòng trọ cho sinh viên, riêng Trường ÐH Lạc Hồng có mô hình Nhà trọ văn minh đã hoạt động nhiều năm và được đánh giá cao. Các nhà trọ văn minh đều nằm gần các cơ sở đào tạo của trường.