Ảnh minh họa: Đỗ Phấn |
Tôi có một người bạn học cùng từ thời phổ thông tên là Huy, chúng tôi khá thân, nhiều khi có chuyện không vui tôi thường gặp Huy để chia sẻ. Thỉnh thoảng Huy nhắn tin “ Dung ơi, cuối giờ chiều đi ăn ốc nhé”. Huy biết tôi thích ăn ốc nên lấy lý do như vậy để gặp tôi. Nếu không đi được tôi thường hoãn binh “cho mình xin thời gian”. Ôi, thời gian!
*
Bữa cơm chiều ở nhà chồng buồn tẻ. Bố mẹ chồng tôi có thể kể vài ba câu chuyện ở buổi họp tổ dân phố, có thể là chuyện phiếm ở cái chợ cóc gần nhà. Cũng có thể là chuyện một cô hàng xóm có máu ghen đã đến cơ quan chồng vào ngày nghỉ kiểm tra, bất ngờ chị ấy thấy một cô gái trong phòng. Chị ấy gọi cho lãnh đạo làm lanh tanh bành ở cơ quan, anh chồng bị kỷ luật (sau này anh ta nói rằng đó là cô sinh viên thực tập, con gái của một người bạn, bố bảo cũng không dám động vào). Thế là một đôi trời sinh của khu tập thể đường ai nấy đi…
Bỗng có hai hồi chuông cửa vang lên lọc sọc như tiếng nước sôi. Một cô gái lạ bước vào nhà. Cô ta mặc váy liền màu đỏ mận. Đôi mắt giận dữ. Cô ta nhìn tôi và nói “Thì ra chị là Dung, vợ anh Thắng”. Thắng bước ra khỏi bàn ăn “em đến đây làm gì”, “ Em đến để nói cho cô vợ anh biết rằng chỗ của cô ta không phải ở đây, em đang mang thai con anh, gần hai tháng rồi đấy”.
Bố mẹ chồng há mồm tròn vo, mắt cũng tròn vo xem vở “ kịch nói” mà sân khấu là một cái phòng ăn nhỏ bé. Sau phút chếnh choáng, bố chồng tôi bảo “cô ở đâu đến đây mà ăn nói sàm sỡ vậy. Cô ra khỏi nhà tôi ngay ”.
Thắng luống cuống “ Bố ơi, nhưng mà… thực ra đây là…” Tôi đứng dậy đi ra khỏi mâm cơm rồi về phòng mình. Nghe thấy tiếng gào thét thất thanh, tôi vội bước xuống cầu thang... Bố chồng tôi tát cô gái, chồng tôi gạt tay bố tôi mạnh quá khiến ông ngã ngửa. Mẹ chồng tôi rú lên như tiếng sói trong đêm trăng tròn…
Ngay sau đó, tôi xin phép về nhà mẹ đẻ. Bố mẹ chồng tôi nói hãy ở lại từ từ giải quyết, nhưng tôi đã lặng lẽ ra đi như kẻ thua cuộc và nói “ Bố mẹ hãy cho con xin một thời gian”.
*
Trên đường về nhà mẹ đẻ, tôi nghĩ miên man. Thực sự, tôi sợ nhất là khi mẹ tôi nhìn thấy tôi khóc, vì tôi biết bà đã khóc quá nhiều cho cuộc đời đầy truân chuyên của bà. Mai là ngày bố đẻ tôi cưới vợ, buổi chiều mẹ gọi điện bảo rằng bố tổ chức cưới ở một nhà hàng không xa công ty tôi là mấy, nếu tiện thì ghé qua cho vui… Mẹ bảo, tự dưng mẹ lại thương cô gái bé bỏng kia.
Về đến căn nhà xinh xinh trong ngõ nhỏ xíu. Mẹ ra mở cửa, nhìn cái vali to lù lù của tôi mẹ nói: “Dung à con? lại giận nhau hả”. Tôi cố mỉm cười “không, mẹ ạ”.
Tôi đặt lưng định ngủ nhưng không sao chợp mắt được. Chuyện từ bữa cơm chiều... Có cảm giác như có ai đó hất cả xô nước lạnh vào mặt mình. Điều đáng nghĩ là Thắng có vẻ không mấy bất ngờ về việc cô gái kia đến, điều này làm tôi còn thấy đau lòng hơn.
Tôi nằm với mẹ, hơi ấm của mẹ làm tôi thấy mình như bé lại. Tôi nói:
- Gần ba năm rồi, từ ngày cưới chồng con mới lại được ngủ với mẹ, mẹ nhớ trước hôm con cưới mẹ con mình nằm với nhau, mẹ dặn dò con chuyện này chuyện nọ đến gần hai giờ sáng. Con nói, theo chủ nghĩa hiện sinh thì hôn nhân là nấm mồ chôn tình yêu, mẹ đã nói, chưa chắc, có thể đó mới là sự bắt đầu, khi hai thực thể được ghép chung với nhau thành gia đình, ta hãy coi như ta đã gieo hạt và chăm sóc một cái cây…Giờ con mới hiểu mẹ ạ, nhưng với con đã quá muộn rồi.
- Đừng nói là muộn, tuy rằng lần này về nhà với cái va li to hơn mọi lần thì mẹ hiểu, nhưng mẹ nghĩ con nên điều chỉnh mình một chút, phụ nữ cá tính và thẳng thắn như con hay chịu thiệt thòi lắm.
- Vâng, nhưng có lẽ chúng con sẽ đi hai con đường.
- Mẹ nghĩ, con nên cân nhắc chuyện này.
- Khó quá mẹ ạ, chắc mẹ đang buồn vì ngày mai bố cưới vợ chứ gì?
- Ừ, Bố thay đổi nhiều quá, thực sự mẹ vẫn chưa thăng bằng lại được.
- Con hiểu mà.
- Thực sự, có những điều con còn chưa biết hết, bố đã là người đàn ông tận tụy với gia đình, chín xu đổi lấy một hào để đưa về cho vợ nuôi con. Có thể thức cả đêm khi con sốt, có thể chỉ ăn cơm rau, nhịn ăn thực phẩm mấy ngày chỉ vì nhường vợ mới sinh nở.
Rồi đến khi em thứ hai của con vừa sinh được năm ngày thì chết. Lúc đó mẹ vẫn nằm trên giường bệnh, dì con nói bố ngồi hàng giờ bên xác em mà khóc, bố còn đạp xe đi mua tiền vàng cho em ở tận Hàng Mã giữa trưa nắng hè, khi mang được đồ về nhà tang lễ bệnh viện bố đã ngất lịm…
Rồi vì gia đình đằng nội mong con trai, mẹ lại mang bầu em thứ ba, sinh ra nó kháu khỉnh vô cùng, nhưng khi em con được tám tháng thì phát hiện có một khối u ở gan, vài tháng sau nó lại bỏ đi. Bố mẹ lại chịu một cú sốc tinh thần lần thứ hai quá lớn…
Bố động viên mẹ rất nhiều, lúc đó mẹ bị trầm cảm, phải nghỉ công việc hơn hai tháng…mẹ nghĩ rằng bố mẹ đã cùng sẻ chia với nhau những nỗi đau, những mất mát quá lớn thì sau này dù có ra sao thì cũng không bao giờ rời xa nhau được.
Mẹ già đi nhiều sau những năm tháng đó, công việc thì không giờ giấc, không còn ham muốn gì ngoài việc kiếm tiền nuôi con và cố gắng mua một căn nhà riêng, rồi khi mua được căn nhà nhỏ này, bố mẹ lại dành dụm để mua một căn nhà chung cư nho nhỏ để cho con, ngôi nhà mà giờ bố con đang ở.
Rồi mọi việc đến tự nhiên, tình yêu bỏ đi một cách tự nhiên, vô thức… Hình như tại mẹ lười chăm sóc và vun trồng cho cái cây mẹ đã gieo mầm.
- Quả thực, con không hiểu nổi bố.
- Mẹ cũng vậy, mẹ còn chưa hết bàng hoàng. Thôi, ngủ đi con.
Đêm đó gần như tôi thức trắng, lần đầu tiên trong đời tôi thấy nỗi đau hiện hình và cụ thể, thấy như cầm nắm được nó, ngửi thấy nó, gặm nhấm được nó, tan vào nó và rồi có thể rơi tòm xuống cái vực thẳm tối tăm và lạnh lẽo mang tên nỗi đau…
*
Sáng hôm sau lại đến họp muộn, lạ thật ngày thường tôi rất đúng giờ, nhưng hễ công ty có việc là tôi gặp sự cố gì đó. Sáng nay trời mưa to gọi taxi mãi, thế là lại muộn. Nói chung, cứ có việc họp hay kỳ cuộc gì đó ở công ty là tôi lại có việc gì đó quan trọng hơn nên hoặc đi muộn, hoặc không thể tham dự.
Ví dụ, tập văn nghệ chán chê cho tiết mục tam ca thì đến hôm biểu diễn lại bị đau mắt đỏ, đúng hôm công ty tổ chức liên hoan thành lập thì bận đưa mẹ chồng ra sân bay đi thăm chị chồng ở nước ngoài, đúng hôm thôi nôi con sếp thì phải đưa bố chồng đi khám bệnh… nhiều khi thấy mình như kẻ chống đối hay lập dị.
Tôi đợi chờ suốt buổi sáng xem có tin của Thắng không, nhưng lặn không thấy sủi tăm. Đầu giờ chiều mẹ chồng gọi điện rằng việc gì cũng giải quyết được, cứ về nhà đi đã. Tôi lại nói cho tôi xin thời gian. Ôi, thời gian!
Cuối giờ chiều nhận được tin nhắn của Thắng “Cho anh xin thời gian” tôi hơi giật mình.
Chiều muộn, có hội bạn rủ đi chơi, tôi gọi điện về cho mẹ đẻ là tôi không ăn cơm ở nhà vì đi ăn sinh nhật bạn, còn đi hát karaoke với hội bạn học cũ nữa…
Trong quán karaoke, Huy hát “Ngày vui, khi nắng hồng lên, khe khẽ gọi tên, ngày mưa, giông gió ngoài khơi, ngơ ngác tìm em. Tìm lại đóa vô thường, tìm giọng hát thiên đường, một đời tôi đi mãi theo vầng trăng khuya…Vẫn van xin đời, vẫn van xin người đừng phụ tôi”. Lời hát trong tình khúc làm tôi giật mình ngơ ngẩn.
Cả hội trong nhóm hát (chừng hơn chục đứa) nói cười hỉ hả, chả ai biết đến nỗi buồn của tôi. Huy ngồi khá xa tôi và cầm điện thoại. Một lát, tôi nhận được tin nhắn của Huy “Dung ơi, có thể yêu ai cả đời được không”. “Không”, tôi trả lời nhưng lòng hơi bâng khuâng.
Huy nhắn tiếp “Mình biết có một nhạc sỹ cả đời chỉ yêu một người”. “Thật ư, nhạc sỹ nào vậy “Dung cho gặp riêng, mình sẽ nói”. Tôi tắt luôn điện thoại. Thỉnh thoảng Huy lại nhìn tôi, lúc Huy hát “vẫn van xin người đừng phụ tôi…” ánh mắt ấy nhìn tôi thật lạ.
Tan cuộc, Huy đưa tôi về một quãng đường. Ngồi trên taxi Huy nói trưa mai ăn trưa với mình chút đi, đừng có xin thời gian nữa. Tôi đồng ý.
*
Đây là đêm thứ hai tôi mất ngủ, không phải mất ngủ vì Huy mà vì vô vàn lý do. Chuyện bố đẻ tôi cưới vợ cũng là một trong những lý do nho nhỏ làm tôi mất ngủ. Tôi được nghe tường thuật vụ đám cưới bố tôi qua điện thoại, đám cưới nhỏ gọn kiểu đắt rẻ gì cũng cưới nên chỉ khoảng hai chục mâm, khách mời là “hàng tuyển” cả, kiểu nể lắm mới mời.
Cô dâu không mặc váy trắng mà mặc váy hồng, trông bố tôi (nói theo ngôn ngữ của nhà văn Nam Cao) là “vừa ngố vừa nhặng xị” vì tập hai mà còn tuyển được gái tân, thế mới oách chứ. Xung quanh đám cưới họ vừa ăn vừa nói về cô dâu, chú rể như thể vừa mừng, vừa lo vừa trách cứ, băn khoăn…
Đêm. Tôi thấy phòng mẹ tôi sáng đèn và tôi lại thấy có mùi khét, hốt hoảng, tôi chạy sang phòng mẹ và thấy một đám cháy nhỏ giữa phòng. Trên bàn nhiều tấm ảnh gia đình đã bị cắt riêng hình của bố (Chỉ còn lại mẹ, và tôi ) những hình của bố đang cháy… Mẹ ngồi như một pho tượng.
*
Tôi sợ những đêm dài không trăng, sợ sự tĩnh lặng đến bí ẩn của bóng đêm, sợ những tiếng động khe khẽ ngoài ô cửa, sợ cả tiếng kêu lúc rả rích khi hối hả của bọn côn trùng… nhiều đêm tôi thức khuya nhưng vì sợ quá mà ngủ mất, thế mà hai đêm nay gần như thức trắng, thấy sợ đêm mà không sao chợp mắt được.
Nhớ đến cuộc hẹn với Huy ngày mai, kể cũng hơi oải. Tôi thực sự ngại hẹn hò, mới hai mươi tám tuổi mà tôi thấy mình già như bà lão.
Gặp Huy ở một nhà hàng khá đẹp. Huy và tôi gọi đồ ăn, hai đứa cầm hai quyển menu rồi thì họ mang ra cùng một món. Huy vừa nói vừa cười như thể nói đùa rằng phải chăng đây là cơ hội của Huy, hồi còn học chung Huy viết thư, làm thơ tỏ tình tôi toàn bảo Huy là đồ hâm, đồ dở hơi.
Sau này tôi có người yêu, Huy lại tỏ tình, tôi bảo, cho xin thời gian đi, đợi bỏ người yêu sẽ tính, rồi khi tôi cưới chồng Huy lại tỏ tình, tôi bảo đợi tôi bỏ chồng đã nhé, mà biết đâu tôi không bao giờ bỏ chồng thì Huy sẽ chẳng bao giờ có cơ hội, Huy nói, biết đâu, thời gian sẽ trả lời.
Tôi nói.
- Giờ thì anh Thắng bỏ mình rồi.
- Ôi, may thế, thật không đấy?
Huy cười hồn nhiên.
- Thật à? Nếu Dung đồng ý Huy sẽ làm đám cưới với Dung.
- Đùa à?
- Không. Nghiêm túc đấy.
Dù ngồi đối diện Huy vội cầm tay tôi, Huy nói giọng dứt khoát:
- Huy không đùa đâu, Huy sẽ nói chuyện với bố, bố biết Huy vẫn yêu Dung nên giờ mới chưa lấy vợ. Mà Dung nói thật không đấy?
- …Ôi, đừng đi quá xa, nói thật đấy, nhưng Dung đến đây không phải để nghe lời tỏ tình, thực ra Dung cần sự chia sẻ của Huy. Dung đã cưới Thắng bất ngờ đến mức giờ nghĩ lại vẫn không hiểu tại sao… Dung lấy anh ấy với hy vọng anh ta sẽ trân trọng mình…
- Huy cũng không muốn nhắc lại chuyện đó nữa. Thực lòng, Huy chỉ mong được ở bên Dung, chăm sóc Dung, còn quá khứ cứ cất nó đi cũng được. Huy chưa bao giờ ép buộc hay yêu cầu gì ở Dung, Huy chỉ giữ cho mình một tia hy vọng dù là rất nhỏ một ngày nào đó biết đâu Dung không phụ lòng mình. Dung có thể cho Huy cơ hội không?
Tôi không bất ngờ về tình cảm của Huy nhưng tôi ngỡ ngàng về sự quyết liệt ấy. Biết nhau đã lâu, đủ hiểu rằng Huy là người quyết đoán, chân thành, lãng mạn nhưng cũng không kém phần thực tế. Tôi gỡ nhẹ tay của Huy và nói:
- Cho mình xin thời gian, được chứ?.
- Tất nhiên! Huy đợi.
Đêm nay tôi có cảm giác ổn hơn một chút. Tôi cần ngủ sớm. Cầm điện thoại di động định tắt nguồn thì có tin nhắn của Huy “Người đẹp ơi, cuối giờ chiều mai đi ăn ốc nhé, thời gian đến rồi”.
Có thể do nghề nghiệp, dính dáng đến một ngành khô khan (biên tập, biên kịch Trung tâm Phát thanh - Truyền hình- Điện ảnh Công an nhân dân)? Sinh năm 1977, tại Thái Nguyên, học Đại học Sân khấu điện ảnh Hà Nội, Phương Nhung bắt đầu viết truyện ngắn từ năm 1999. Cô viết nhanh và nhiều, hiện có khoảng gần 100 truyện ngắn, đăng trên các báo, đăng trong một số tập và trong tập riêng Cánh hoa hình dấu hỏi. “Viết… nợ …quên….viết. Khi tôi bị dằn vặt, trăn trở, thậm chí thấy đau đớn vì một điều gì đó, vì ai đó… chắc chắn tôi sẽ viết”. |