Chợ tiền biên giới

Chợ tiền biên giới
Thật ra, chợ tiền Lạng Sơn chỉ là một dãy nhà mé phải đường Lê Lợi do các thành viên hùn tiền thuê. Chợ mua bán đủ loại tiền nhưng nhiều nhất là Nhân dân tệ vì gần cửa khẩu Tân Thanh.
Chợ tiền biên giới ảnh 1

Lượng tiền giao dịch trong ngày tại chợ chính thể hiện gần như toàn bộ lượng hàng hóa giao dịch tại cửa khẩu.

“Độc quyền tự nhiên”

7g sáng, chừng 40-45 phụ nữ, tay mang những túi xách căng phồng tiền, ngồi lại với nhau trên những chiếc ghế nhựa.

Họ ăn sáng, đếm tiền, tán gẫu và chờ vài cú điện thoại mang tính “quyết định” giữa một trong những người được xem là “thủ lĩnh” của chợ về vốn với “nguồn tin”, tỷ giá đầu ngày...

8g, hai chiếc xe “cóc”, mỗi chiếc chở 6 -7 người từ chợ lên cửa khẩu Tân Thanh cách 30km. Một nửa “tác nghiệp” bên kia cửa khẩu, phải sử dụng “giấy thông hành” có giá trị trong một thời gian nhất định, nửa còn lại ngồi dưới một lều bạt bên này.

Cả hai đều được xem là “chi nhánh” của chợ vì vẫn dựa vào tỷ giá đã được ấn định, sự dao động chút ít thường thấy chỉ là “tiền công” di chuyển. Đa số các giao dịch lớn được thực hiện tại “chợ chính”, bao gồm cả những đại gia quan trọng nhưng ít xuất hiện ở chợ, chỉ giao dịch với khách quen có khối lượng giao dịch tiền tỉ trở lên tại nhà.

Lượng tiền giao dịch trong ngày tại chợ chính thể hiện gần như toàn bộ lượng hàng hoá giao dịch tại cửa khẩu vì các ngân hàng đứng ngoài cuộc. Ngay cạnh chợ là phòng giao dịch của Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, tấm biển “bàn thu đổi ngoại tệ” được cất vào một xó. Hoạt động phụ: bán, thu đổi tiền cũ, tiền rách trở thành hoạt động chính.

Chị Hảo, một thành viên của chợ tiền cho biết càng ngày, dịch vụ của chợ càng hiện đại, tiện lợi, không sợ cạnh tranh với ngân hàng. Ai cũng có ít nhất hai chiếc điện thoại di động, sẵn sàng phục vụ tận nơi. Thậm chí, có thể giao tiền đồng cho người này tại Lạng Sơn, nhận tiền tệ từ người khác của “chi nhánh” ở Trung Quốc.

Hơn nữa, ngoài dịch vụ đổi tiền, nhiều người còn kiêm thêm dịch vụ cho vay nóng dựa trên chữ tín… đến chiều, thời điểm đã có thể nhận được hàng, giao hàng lại cho bên thứ ba. Nếu không, tiền mượn sẽ được chuyển thành tiền vay và phải trả lãi suất.

Quy luật tỷ giá

Đồng tệ lên giá so với USD chưa tới nửa tháng nhưng đã lên giá so với Việt Nam đồng gần hai tháng, từ khoảng 2 triệu/1.000 tệ vốn đã ổn định cả năm nay lên mức trên dưới 2,2 triệu/1.000 tệ.

Chị Hảo nói, xu hướng đồng tệ tăng giá so với USD đã được các chủ hàng Trung Quốc dự đoán và thông tin lại nên chợ phản ứng trước. Thông tin cũng được người đi chợ tiền Móng Cái xác nhận. Ngay hôm thay đổi tỷ giá, hoạt động ở chợ vẫn bình thường.

“Với người mua bán nhỏ, xoay vòng trong ngày như tụi này, thì lên vài đồng không ảnh hưởng gì. Có chăng là giới buôn bán lớn, vài trăm vạn tệ/ngày ở Hà Nội, Tp.HCM” – anh Trung, buôn hàng quạt ở chợ Đông Hưng cho biết.

Theo một lái cỡ lớn ở Móng Cái thì bạn làm ăn người Trung rất trọng chữ tín, nên giá thay đổi, vẫn giao theo giá đã thoả thuận. “Nếu có ảnh hưởng, thì thời gian tới mới có” - anh cho biết.

Theo số đông những người buôn bán tại chợ Kỳ Lừa, Lạng Sơn thì áp lực tăng giá chưa đè người tiêu dùng tại địa phương vốn chủ yếu xài hàng Trung Quốc. Thị trường bão hoà cung - cầu chứ không lên cơn sốt hàng, nếu có tăng thì cũng phải sau khi hết các đợt hàng cũ.

Hiện tại, nó không ảnh hưởng đến lưu lượng tiền giao dịch tại chợ vì đang là mùa cao điểm nhập hàng (thường là theo đặt hàng từ trước), dù giá đồng tệ có cao hay thấp thì mọi người cũng phải mua để thanh toán. Anh Luận, chủ sạp hàng điện máy B 205 chợ Tân Thanh, cũng là một đầu mối nhập hàng để chuyển về Bắc Ninh xác nhận điều này.

Mấy tháng trước, anh chỉ đổi tiền vừa đủ để thanh toán hợp đồng chứ không đổi dư vì đồng tệ có khi hạ giá. Nhưng giờ, có xu hướng tăng, lại đang mùa nhập hàng nên nếu sẵn tiền thì anh đổi dư lên. Tuy nhiên, về lâu dài, lưu lượng tiền giao dịch phụ thuộc vào mức độ tiêu thụ hàng hoá. Nếu tiêu thụ chậm vì giá cao thì nhu cầu nhập sẽ ít, nhu cầu về tiền sẽ ít theo.

Ngoại trừ đợt tăng giá được cho là “đón đầu” kể trên, tỷ giá hằng ngày giữa đồng tệ và đồng Việt Nam tại chợ được quyết định theo quy luật cung-cầu. Thông tin về cầu lượng hàng đang tập kết bên kia biên giới, chờ thanh toán được chợ này cập nhật liên tục qua các nguồn tin được cài đặt sẵn, có ngày có tới 3-4 mức tỷ giá khác nhau.

Nhiều người ở chợ nói rằng cầu bao nhiêu chợ cũng đủ để cung. Một trong những nguồn cung quan trọng là từ các doanh nghiệp, cá nhân Việt Nam có hàng xuất sang Trung Quốc.

Một số người cho rằng, trong mùa cao điểm này, vài nhân vật thủ lĩnh của chợ, với ưu thế về vốn và thông tin, hoàn toàn có khả năng tạo ra sự khan hiếm giả tạo để đẩy giá lên. Tuy nhiên, điều này vẫn chưa xảy ra, ngay những ngày tỷ giá tăng liên tục 3-4 lần thì mức tăng cũng không lớn.

Theo Sài Gòn tiếp thị

MỚI - NÓNG