Chớ nên mặc kệ răng sữa của trẻ

Ảnh minh hoạ: Internet
Ảnh minh hoạ: Internet
Cho rằng răng sữa trước sau gì cũng rụng đi nên nhiều người nghĩ dù nó có mọc lộn xộn, nó có bị sâu thì cũng “vô tư đi”.

Không chỉ là “răng sữa”

Thực tế là mọi vấn đề của răng sữa đều ảnh hưởng tới sự phát triển của hàm răng vĩnh viễn. Chưa kể răng sữa còn đảm nhận rất nhiều vai trò quan trọng khác như:

1. Hỗ trợ tiêu hóa và hấp thu dinh dưỡng của trẻ nhỏ:

Từ khi 6 tháng tuổi, trẻ bắt đầu ăn dặm với những thức ăn cứng và khó tiêu hơn. Răng sữa sẽ xuất hiện và giúp trẻ cắn, xé, nghiền nát thức ăn.

Nếu răng không được chăm sóc tốt, bị sâu hoặc rụng quá sớm, tất nhiên bé sẽ gặp rắc rối với các loại thức ăn cứng hoặc nếu ăn được cũng phải xay, nghiền nhuyễn thức ăn, không tốt cho sự hấp thu của trẻ.

2. Giữ chỗ cho răng vĩnh viễn:

Răng vĩnh viễn có mọc đúng vị trí hay không phụ thuộc phần lớn vào răng sữa. Từ hai tuổi rưỡi, răng trẻ đã mọc đủ và khít nhưng đến bốn tuổi khi xương hàm phát triển, răng trẻ cần có những khoảng trống để chừa chỗ cho răng vĩnh viễn mọc.

Khi thực hiện cử động nhai, răng sữa sẽ kích thích sự tăng trưởng của xương hàm nhất là phát triển chiều cao cung răng. Nếu trẻ thường xuyên ăn đồ quá mềm hoặc nhuyễn, cộng với việc răng mọc lộn xộn, sự phát triển của xương hàm sẽ không đáp ứng được yêu cầu để răng vĩnh viễn có thể mọc sau này.

Nghiêm trọng hơn, nếu răng sữa bị sâu mà không được điều trị sẽ làm cho quá trình mọc răng vĩnh viễn gặp nhiều khó khăn. Thông thường một cái răng sữa mọc lên, sau vài năm thì chân răng bắt đầu tiêu dần chuẩn bị nhường chỗ cho một mầm răng vĩnh viễn sắp trồi lên ngay đúng vị trí đó.

Nếu răng sữa bị hỏng sớm, buộc phải nhổ trong khi mầm răng vĩnh viễn bên dưới chưa lớn kịp, lợi sẽ dễ bị cứng. Cùng với sự chậm trễ, răng vĩnh viễn khi mọc có thể bị xiên, lệch và có xu hướng mọc ngả về hai bên rìa lợi mềm hơn, ảnh hưởng đến sự cắn khớp sau này của răng.

3. Hỗ trợ phát âm:

Mất sớm các răng sữa, đặc biệt là các răng phía trước là một trong những nguyên nhân dẫn đến phát âm bị lệch lạc, trẻ nói ngọng. Ngoài ra, sâu răng sữa còn có thể gây biến chứng nguy hiểm như viêm xương hàm, viêm phần mềm…buộc phải điều trị.

7 điều cần biết khi chăm sóc răng sữa

- Mầm răng sữa của trẻ được hình thành ngay từ khi bạn mang thai. Do đó trong thời kỳ thai nghén, nên tăng cường thức ăn có lợi cho men răng như các loại cua, cá, sò, ốc, tôm, sữa…

- Ngay cả khi trẻ chưa ăn dặm, bạn nên có thói quen cho trẻ uống một vài thìa nước tráng miệng sau khi bú (cả bú mẹ hay sữa ngoài) để vệ sinh lợi và khoang miệng cho trẻ.

- Khi bé mới mọc răng sữa, mẹ có thể vệ sinh răng miệng cho con hàng ngày bằng gạc sạch nhúng vào nước ấm có pha muối loãng.

- Hạn chế những loại đồ uống chứa đường sữa vào buổi tối.

- Tránh cho bé thói quen ngậm bình bú, đồ ăn, đồ uống trong miệng vì điều này sẽ khiến vi khuẩn có điều kiện tiếp xúc với răng lợi bé lâu hơn và gây nên hiện tượng sâu răng.

- Nên thực hiện khám răng cho trẻ theo định kỳ 6 tháng/1 lần.

Theo Theo SKGĐ
MỚI - NÓNG