Ba đội tuyển đứng đầu châu lục sẽ có suất đến Nhật Bản với tư cách là đại diện của AFC. Vì thế, các cuộc đua tranh năm nay được dự đoán kịch tính và hấp dẫn. Trong quá khứ, có ba đội từng bước lên đỉnh vinh quang bao gồm Iraq năm 2013 (thắng Saudi Arabia 1-0), Nhật Bản năm 2016 (thắng Hàn Quốc 3-2), Uzbekistan năm 2018 (thắng Việt Nam 2-1).
Bảng A: Chủ nhà U23 Thái Lan gặp khó
Với tư cách chủ nhà của vòng chung kết U23 châu Á 2020, đội tuyển U23 Thái Lan đặt tham vọng rất lớn ở mùa giải năm nay. Tuy nhiên, bảng đấu của U23 Thái Lan có sự xuất hiện của U23 Iraq, U23 Australia và U23 Bahrain sẽ là một thách thức không nhỏ đối với đoàn quân của HLV Akira Nishino.
Với sức mạnh vượt trội, U23 Australia được đánh giá cao nhất ở bảng A và gần như cầm chắc một tấm vé vào tứ kết. Đội bóng xứ chuột túi mang tới Thái Lan một đội hình chất lượng với những cái tên nổi bật như Alex Gersbach, Al Hassan Toure và Ramy Najjarine. Vì thế, tấm vé còn lại sẽ là cuộc cạnh tranh của U23 Thái Lan, U23 Iraq và U23 Bahrain.
Trong số này, U23 Iraq được đánh giá cao hơn. Họ có 3 tuyển thủ quốc gia nổi bật trong đội hình gồm Najm Shwan, Mohammed Ridha và Mustafa Mohammed, vừa cùng CLB Al Zawra đăng quang AFC Champions League. Đoạt ngôi vô địch U23 châu Á ngay mùa giải đầu tiên năm 2013, U23 Iraq luôn là một trong những ứng viên sáng giá tại sân chơi châu lục từ đó tới nay.
Trong khi đó, U23 Bahrain được xem là ẩn số ở mùa giải năm nay. Lần đầu tiên góp mặt, họ khiến người hâm mộ bất ngờ khi đoạt vé đến Thái Lan với trí nhất bảng B. U23 Bahrain toàn thắng 3 trận, ghi 12 bàn thắng và không để thủng lưới bàn nào ở vòng bảng. U23 Bahrain hiện cũng là đội bóng sở hữu nhiều tuyển thủ quốc gia nhất của bảng A với 6 thành viên, trong đó nổi bật là Ahmed Bughammar, Sayed Hashim Isa, Mohamed Marhoon.
Một lý do khiến Bahrain trở thành đội bóng khiến các đối thủ phải dè chừng bởi bóng đá nước này đang tiến bộ rất nhanh trên đấu trường quốc tế. Đội tuyển quốc gia Bahrain không chỉ lọt vào vòng 16 đội tại AFC Asian Cup năm ngoái mà hiện còn đang đứng thứ hai tại vòng loại FIFA World Cup 2022.
Trong khi đó, U23 Thái Lan không vượt qua vòng loại U23 châu Á và chỉ được góp mặt ở vòng chung kết do là chủ nhà của giải đấu. HLV Akira Nishino mới đây thừa nhận đội nhà đang chịu áp lực lớn và cơ hội đi tiếp của U23 thái Lan là mong manh. Dù vậy, toàn đội vẫn đặt mục tiêu cao nhất là giành vé đến Olympic Tokyo 2020. U23 Thái Lan hiện đang gặp khó khăn về lực lượng do nhiều cầu thủ dính chấn thương, nhưng họ vẫn tự tin với sự góp mặt của các trụ cột như Supachai Jaided, Supachok Sarachat hay Suphanat Mueanta.
Bảng B: U23 Qatar và U23 Nhật Bản vượt trội
Bảng B vòng chung kết U23 châu Á với sự hiện diện của U23 Qatar, U23 Nhật Bản, U23 Saudi Arabia và U23 Syria được đánh giá ẩn chứa nhiều bất ngờ. Tất cả những cái tên này đều là vị khách thường xuyên của sân chơi cao nhất châu lục dành cho cấp độ U23, trong đó U23 Qatar vẫn được xem là ứng cử viên số 1 cho ngôi đầu bảng nhờ dàn cầu thủ đồng đều và chất lượng. Cách đây hai năm trên đất Thường Châu (Trung quốc), U23 Qatar cán đích ở vị trí thứ 3, sau khi để thua U23 Việt Nam ở loạt đấu penalty cân não tại bán kết.
Ở chuyến hành quân đến Thái Lan lần này, đội bóng đến từ Trung Đông tỏ rõ quyết tâm cải thiện thành tích khi mang đội hình gần như mạnh nhất. Dù không còn bộ đôi từng tung hoành tại Thường Châu là Almoez Ali và Akram Afif, U23 Qatar vẫn rất mạnh với sự xuất hiện của 8 tuyển thủ quốc gia, trong đó có nhiều gương mặt từng vô địch Asian Cup 2019.
U23 Nhật Bản cũng là ứng viên được đánh giá cao gần như chắc suất đi tiếp ở bảng B. Đội bóng xứ hoa anh đào từng khẳng định sức mạnh trước đó với ngôi vô địch U23 châu Á năm 2016, sau khi thắng Hàn Quốc 3-2 ở chung kết. Ở vòng loại, họ giành 3 chiến thắng tuyệt đối, ghi tới 21 bàn thắng và không để lọt lưới bàn nào. Thành phần đội tuyển U23 Nhật Bản hiện nay chính là lứa đã vô địch AFC U19 tại Bahrain năm 2016 và giành huy chương bạc tại Đại hội thể thao châu Á tại Jakarta năm 2018. Dù đã chắc chắn được tham dự Olympic 2020, đoàn quân của HLV Moriyasu vẫn đặt mục tiêu cao nhất: vô địch.
Hai cái tên còn lại là U23 Saudi Arabia và U23 Syria được đánh giá thấp hơn ở bảng B. Cả hai đội giành vé đến Thái Lan đều với tư cách là đội nhì bảng có thành tích tốt ở vòng loại. Trong lịch sử, U23 Saudi Arabia từng giành ngôi Á quân U23 châu Á 2013, nhưng từ đó đến nay thành tích của họ thụt lùi. Với U23 Syria, lần gần nhất họ vượt qua vòng bảng cũng đã cách đây 7 năm.
Bảng C: Kịch tính bảng “tử thần”
Bảng C được ví là bảng “tử thần” của vòng chung kết U23 châu Á năm với sự xuất hiện của đương kim vô địch (ĐKVĐ) U23 Uzbekistan, U23 Hàn Quốc, U23 Iran và U23 Trung Quốc. Ngoại trừ Trung Quốc bị đánh giá thấp nhất bảng, ba đội bóng còn lại đều có khả năng tranh đua một suất đi tiếp. Cuộc cạnh tranh hai tấm vé của bảng này vì thế được dự báo sẽ diễn ra rất gay cấn và hấp dẫn.
Đội tuyển U23 Uzbekistan hiện đang là nhà đương kim vô địch, sau khi đánh bại U23 Việt Nam 2-1 ở trận chung kết tại Thường Châu (Trung Quốc) 2018. Hiển nhiên, U23 Uzbekistan sẽ đặt mục tiêu bảo vệ ngôi vương và giành vé dự Olympic 2020 tại giải đấu năm nay. Trong đội hình của họ hiện tại vẫn còn có những cái tên là chứng nhân lịch sử ở giải đấu cách đây hai năm như tiền vệ Jasurbek Yakhshiboev, hậu vệ Islomjon Kobilov, tiền vệ Azizjon Ganiev...
Dù vậy, U23 Uzbekistan lại thể hiện màn trình diễn không mấy thuyết phục ở vòng loại. Họ phải rất vất vả mới giành vé đến Thái Lan dù rơi bảng đấu chỉ có 3 đội. Nhà ĐKVĐ U23 châu Á thắng đậm Ấn Độ nhưng hòa Tajikistan. Uzbekistan giành ngôi đầu bảng F nhờ hơn hiệu số trước đối thủ.
Hiện tại, U23 Hàn Quốc được đánh giá mạnh nhất bảng C và là ứng viên số 1 cho chức vô địch của vòng chung kết U23 châu Á 2020. Cách đây hai năm, U23 Hàn Quốc từng thua sốc 4-1 trước U23 Uzbekistan ở bán kết và đội bóng xứ kim chi chắc chắn sẽ đặt quyết tâm cao nhất để “phục thù” ở lần chạm trán này.
Trong khi đó, U23 Iran cũng là thế lực lớn của bóng đá châu Á. Ở vòng loại, họ gây được ấn tượng mạnh nhưng lại mất ngôi đầu bảng vào tay U23 Iraq do kém hơn về hiệu số. Đội bóng Tây Á cũng được đánh giá cao giành vé đi tiếp vào vòng knock-out giải U23 châu Á.
Bảng D: U23 Việt Nam giành vé đi tiếp?
Với vị thế đương kim Á quân và nằm ở nhóm hạt giống số 1 khi bốc thăm, U23 Việt Nam được cho là rơi vào bảng đấu “dễ thở” nhất vòng chung kết. Thầy trò HLV Park Hang Seo chạm trán 3 đối thủ ngang cơ là U23 Triều Tiên, U23 Jordan và U23 UAE. Chỉ cần thi đấu đúng thực lực, U23 Việt Nam sẽ rộng cửa lọt vào tứ kết U23 Châu Á 2020.
Đội tuyển U23 Việt Nam sẽ khởi đầu chiến dịch chinh phục VCK U23 châu Á 2020 bằng màn “chạm trán” với đối thủ được đánh giá khó chơi nhất tại bảng đấu là U23 UAE. Đây là đối thủ không hề xa lạ với bóng đá Việt Nam. U23 Việt Nam từng hoà 1-1 trước U22 UAE ở trận giao hữu hồi giữa tháng 10/2019. Thành phần nòng cốt của U23 UAE mà HLV người Ba Lan Maciej Skorza mang sang Thái Lan lần này chính là tập thể đã đánh bại Olympic Việt Nam để giành huy chương đồng bộ môn bóng đá nam tại ASIAD 2018.
Trong đó có tới 7 tuyển thủ quốc gia UAE với những cái tên đáng chú ý như Ali Saleh, Mohamed Al Shamsi, Mohamad Al Attas, Zayed Al Ameri, Jassim Yaqoob Al Balooshi, Khaled Al Dhanhani, Saleh Khamis, Abdulrahman Al Ameri.
Ở lượt trận tiếp theo, U23 Việt Nam tiếp tục đối đầu một đội bóng Tây Á khác là U23 Jordan. Đây cũng là một đối thủ rất đáng gờm với thầy trò HLV Park Hang Seo, nhất là khi họ đang có những sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng cho giải đấu. Chỉ trong vòng 4 tháng qua, thầy trò HLV Abdel Qader đã tham gia 11 trận đấu giao hữu trong và ngoài nước với 5 chiến thắng, 2 trận hòa và để thua 4 trận.
Tuy nhiên, ngay trước thềm giải đấu, U23 Jordan đã phải phải đón nhận tin không vui về mặt nhân sự khi vắng sự phục vụ của ngôi sao số 1 Al-Taamari trong 2 trận đấu đầu tiên gặp đội tuyển U23 Triều Tiên (10/1) và U23 Việt Nam (13/1). CLB chủ quản của Al-Taamari là APOEL Nicosia của đảo Síp chỉ chấp nhận cho anh trở về hội quân từ ngày 13/1. Bên cạnh đó, tiền vệ tấn công đa năng Mohammed Abu Zrayq cũng phải bỏ lỡ giải đấu trên đất Thái Lan vì dính chấn thương khi thi đấu cho CLB Al Sailiya của Qatar.
U23 Việt Nam sẽ kết thúc vòng bảng bằng trận đấu với U23 Triều Tiên. Dù là đội đầu tiên vượt qua vòng loại U23 châu Á 2020 nhưng Triều Tiên không được đánh giá cao ở vòng chung kết. Ở vòng loại, họ rơi vào bảng đấu dễ, với Singapore, Mông Cổ và Hong Kong, nhưng chỉ thắng 2, hòa 1 và thắng với tỷ số không cách biệt.
HLV Park Hang Seo từng nhận định về bảng đấu này rằng: “U23 UAE là đối thủ mạnh vì có nhiều cầu thủ của đội tuyển quốc gia. U23 Jordan chơi thiên về thể lực nên rất mạnh mẽ. Còn Triều Tiên là đội bóng khép kín, chúng tôi không có nhiều thông tin”. Dù vậy, thầy Park cho biết U23 Triều Tiên có ưu thế về thể hình, lối chơi đề cao sự kỉ luật và tinh thần đoàn kết.