Chinh phục mục tiêu 'kỳ lân' trên bản đồ khởi nghiệp

Chàng trai 9X Trần Duy Phong (giữa) giành Quán quân trong cuộc thi Startup Việt 2020 với Tép Bạc Ảnh: PV
Chàng trai 9X Trần Duy Phong (giữa) giành Quán quân trong cuộc thi Startup Việt 2020 với Tép Bạc Ảnh: PV
Hậu COVID-19, nhiều doanh nghiệp nhỏ, startup quyết tâm tăng tốc trở lại bằng cách tham gia các cuộc thi dự án khởi nghiệp để tìm lại giá trị, vị thế, chinh phục mục tiêu trở thành “kỳ lân” trên bản đồ khởi nghiệp Việt Nam. 

Hỗ trợ nâng cao giá trị sản phẩm 

 Đầu tháng 12/2020, Tép Bạc - giải pháp công nghệ cho ngành thủy sản đã vượt qua nhiều startup khác để trở thành quán quân Startup Việt 2020. Người sáng lập và điều hành Tép Bạc là chàng trai 9X Trần Duy Phong. 


Duy Phong chia sẻ, năm 2017, anh cùng các cộng sự có ý tưởng muốn chia sẻ thông tin nuôi trồng thủy sản để người dân nâng cao kiến thức và phòng tránh những rủi ro. “Ngành nuôi trồng thủy hải sản Việt Nam rất tiềm năng, xuất khẩu ra nhiều nước, mang về nhiều tỷ đô la. Tuy nhiên thủy sản trong nước lại không có cơ sở dữ liệu gì để chứng minh với khách hàng khó tính nên rất khó thâm nhập thị trường lớn. Thêm nữa, việc nuôi trồng thủy sản hiện phụ thuộc nhiều vào thời tiết, đặc biệt là nông dân không có người tham vấn về sự cố trong quá trình nuôi trồng. Do vậy, Tép Bạc sẽ làm tất cả để góp phần cùng người dân đưa thủy hải sản Việt Nam đến mọi thị trường trên thế giới với giá trị mang lại cho người nuôi cao hơn hiện tại”, Phong chia sẻ.
Tép Bạc đã phát triển nền tảng quản lý trại nuôi thủy sản từ xa (Farmext). Ứng dụng là sự kết hợp giữa phần mềm quản lý trại nuôi từ xa và thiết bị IoT (internet vạn vật) quan trắc môi trường nước có phân quyền quản lý giúp cho việc điều hành thuận lợi, đạt hiệu quả cao và giảm thiểu rủi ro, đồng thời thúc đẩy ngành thủy sản phát triển bền vững, giảm tác động môi trường, truy xuất được nguồn gốc thủy sản, giúp người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm an toàn. “Tính đến tháng 10/2020, Farmext có 3.000 người dùng tự nhiên, tỷ lệ quay lại 10%, điều này chứng tỏ người dân của mình đã sẵn sàng cho sự thay đổi”, Phong cho biết.


Gặp khó khăn về vốn

 Nhằm giúp các giáo viên đổi mới phương pháp giảng dạy truyền thống và lan toả tri thức ở các nước đang phát triển, anh Thái Chương đã sáng lập Cohota (cổng học tập). Theo anh Thái Chương, trung tâm là mảng yếu thế nhất trong hệ thống các cơ sở giáo dục. Cohota hỗ trợ các trung tâm tìm được mô hình mới, thay đổi phương pháp giảng dạy trên online, tạo môi trường cho học viên thuyết trình. 


“Các ý tưởng dạy học đều khác biệt, do đó giao diện nếu cứng nhắc sẽ không phù hợp nhu cầu đa dạng của các lớp học, chương trình học. Với xu hướng Open App, Cohota có thể tích hợp các ứng dụng, tiện ích mở rộng”, anh Thái Chương chia sẻ.


Anh Thái Chương đang kỳ vọng sẽ gọi vốn được 1,5 triệu USD nhằm phát triển dự án. Trong 9 tháng qua, Cohota đã chi 50.000 USD để phát triển nền tảng, đồng hành cùng trung tâm dữ liệu của Đại học Quốc gia TPHCM. “Hiện Cohota gặp khó khăn về vốn, trong khi đà tăng trưởng của startup đang rất nhanh”, anh Chương cho biết thêm.

Chuyên gia hiến kế

 Chia sẻ về cách tận dụng cơ hội trong khó khăn, bà Ngô Tường Vy, Phó giám đốc Công ty TNHH XNK trái cây Chánh Thu cho biết, trong đại dịch COVID-19, thị trường nông sản ùn ứ vì không thể xuất khẩu. Để vượt qua, trái cây Chánh Thu đã có những chiến lược để đi xa hơn, tự tạo thuận lợi cho chính mình. Một số thị trường gặp khó khăn với trái cây tươi Việt Nam như thị trường Trung Quốc, nhưng lại mở ra cơ hội cho trái cây đông lạnh. Doanh nghiệp này đầu tư đúng thời điểm nên doanh số tăng 30-40% ngay trong mùa dịch.

 “Các bạn trẻ đừng bao giờ ngừng đam mê. Có thể doanh nghiệp sẽ thất bại lần thứ nhất, lần thứ hai, lần thứ “n” nhưng tôi vẫn muốn các startup hãy đứng dậy trên chính nơi các bạn ngã, đừng bao giờ mất niềm tin vào chính mình. Đừng để mất khát vọng. Hãy sống với khát vọng và đam mê”. 
Chủ tịch FPT Trương Gia Bình


Theo ông Phạm Phú Trường, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TPHCM, startup cần hiểu đối thủ, hiểu thị trường, chuỗi giá trị, để đối phó và tận dụng những cơ hội mới. Những công cụ công nghệ cao như Big Data sẽ phục vụ hữu hiệu cho doanh nghiệp để nắm bắt và thấu hiểu khách hàng tốt hơn trong tương lai. Kế đến, cần có sự minh bạch, rõ ràng để đối phó với tính phức tạp của thời cuộc.


“Để thích ứng trong mọi hoàn cảnh, doanh nghiệp phải có tầm nhìn rõ ràng, giá trị hấp dẫn cho tổ chức để cán bộ công nhân viên đi theo. Khi có tầm nhìn đúng, phản ứng của tổ chức với sự biến động cũng sẽ nhẹ nhàng và ổn định. Doanh nghiệp cần tập trung tối đa vào khách hàng, khách hàng như thế nào thì chúng ta cố gắng phục vụ đúng nhu cầu như thế”, ông Phạm Phú Trường nhấn mạnh.


Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT, cho rằng công nghệ vô cùng quan trọng trong thời đại 4.0. Startup có thể hiểu về IoT (Internet vạn vật), Cloud (đám mây), AI (trí tuệ nhân tạo), Big Data (kho dữ liệu)... nhưng quan trọng là phải hiểu con người, mang lại giá trị cho con người. 

MỚI - NÓNG