Trong một lần phỏng vấn, vì không biết, vô tình chúng tôi gọi nghệ sỹ Tố Uyên là “Nghệ sỹ ưu tú” (NSƯT), bà nói luôn với chúng tôi: “Mình đã bao giờ nhận được danh hiệu ấy đâu. Chẳng hiểu thế nào mà làm hồ sơ mãi rồi mà vẫn chưa được công nhận”.
Nghệ sỹ Tố Uyên sinh năm 1948. Hội viên các Hội Điện ảnh VN, Hội Nghệ sĩ múa VN và Hội Nhà văn Hà Nội. Năm 1961, Tố Uyên tham gia vai bé Nga trong phim Chim vành khuyên. Sau khi đóng phim này, Tố Uyên tiếp tục đi học tại trường múa đến năm 1966. Bà làm việc tại xưởng phim truyện VN từ đó cho đến năm 1988 thì chuyển sang làm việc tại Fafilm. Thời gian gần đây bà vẫn tham gia một số phim truyền hình. Hiện tại bà làm việc cho một tổ chức giáo dục dạy nghề từ thiện. |
Hóa ra, bà đã hoàn tất hồ sơ đề nghị phong tặng danh hiệu NSƯT từ năm 2001 nhưng có lẽ tập hồ sơ ấy đã rơi vào quên lãng.
Bà kể, vào thời điểm làm hồ sơ xin công nhận danh hiệu NSƯT, bà đang làm việc tại Fafilm. Việc lập hồ sơ được phía Xưởng phim truyện Việt Nam (là nơi bà từng công tác) đề xuất.
Lúc ấy, bà Hồng Ngát làm giám đốc. Bà Hồng Ngát đã trực tiếp thông báo với nghệ sỹ Tố Uyên về việc làm hồ sơ công nhận danh hiệu NSƯT để nộp lên Hội điện ảnh và trình lên Bộ Văn hóa Thông tin lúc bấy giờ.
Sau khi hoàn tất hồ sơ, Tố Uyên từng mừng hụt vì ông Lưu Trọng Hồng - Cục trưởng Cục Điện ảnh lúc đó nói: “Việc của Uyên đã xong rồi nhé!”.
Nhưng rồi nhiều người cùng đợt làm hồ sơ với bà đều nhanh chóng nhận được danh hiệu NSƯT, trong khi bà không nhận được hồi âm gì về việc này.
Có tiếng mà không có... giải
Tố Uyên không chỉ long đong lận đận đường tình duyên mà sự nghiệp cũng không suôn sẻ gì. 13 tuổi bà đã bén duyên với điện ảnh khi được chọn tham gia “Chim vành khuyên”.
Bộ phim này không chỉ gây tiếng vang trong nước mà còn đoạt giải đặc biệt tại Liên hoan phim quốc tế Karlovy Vary tại Tiệp Khắc. Sau “Chim vành khuyên”, Tố Uyên thực sự trở thành một tâm điểm và được mời tham gia nhiều bộ phim nổi tiếng khác như “Nổi gió”, “Biển gọi”, “Vợ chồng anh Lự”, “Dòng sông âm vang”, “Cô giáo vùng cao”...
Nghệ sỹ Tố Uyên trong Chim vành khuyên |
Tố Uyên cũng tham gia nhiều vở múa cổ điển của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch như “Cô Sao”, “Núi rừng lên tiếng”, “Chị Sứ”... Ở đâu, Tố Uyên cũng nhận được sự hoan nghênh của khán giả cả nước.
Chỉ tiếc rằng, vào thời ấy, các giải điện ảnh thường chỉ dành cho phim chứ chưa có giải cá nhân. Thế nên, phim bà tham gia đoạt giải rất nhiều nhưng cá nhân Tố Uyên thì không có giải. Chính vì vậy, Tố Uyên thừa thãi sự nổi tiếng nhưng đến giờ trong tay bà chẳng có lấy một tấm bằng khen nào cho các vai diễn.
Nếu như Tố Uyên không nhận được danh hiệu NSƯT thì thực sự đáng tiếc bởi bà còn tham gia phục vụ chiến trường để động viên, khích lệ tinh thần các chiến sỹ và thương binh trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước.
Bà cũng từng thuyết minh phim trong những buổi chiếu cho lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước xem. Ngoài ra, Tố Uyên còn nhiều lần tham gia biểu diễn các tiết mục múa cho Hồ Chủ tịch lúc sinh thời thưởng thức.
Bà vẫn nhớ như in, có lần bà vắng mặt trong một buổi diễn, Bác lập tức hỏi những người cùng đoàn: “Thế sao hôm nay Tố Uyên đi đâu mà không tham gia?”.
Tố Uyên cũng không bao giờ quên lời Bác dặn: “Lớn lên cháu hãy là một nhà văn hóa”. Bà hiểu “văn hoá” trong lời Bác có nghĩa là phải đóng góp tích cực trong sự nghiệp cũng như trong cuộc đời, phải biết sống có tâm…
Người đời vẫn nói “hồng nhan bạc phận”. Có lẽ điều này cũng đúng với Tố Uyên. Cái sự “bạc” dường như muốn đeo đuổi bà tới cùng. Hồ sơ không được duyệt, nhiều lần bà đã hỏi phía Bộ VHTT cũng như ngành điện ảnh nhưng tất cả những người bà gặp đều chỉ trả lời chung chung mà không có bất cứ giải thích rõ ràng nào.
Chán không buồn khiếu nại?!
Việc không thành, bạn bè vẫn thường động viên Tố Uyên bởi quan trọng nhất vẫn là cái “thực” chứ không phải là “danh”. Ai cũng nói rằng thành công của người nghệ sỹ chính là sống được trong lòng khán giả.
Hiểu điều đó nên Tố Uyên cũng chỉ ấm ức thắc mắc trong các cuộc nói chuyện chứ bà chưa một lần làm đơn chính thức về việc này. Việc không được công nhận danh hiệu kia lâu quá khiến bà cũng không còn quá thiết tha với danh hiệu ấy nữa.
Bà không muốn khiếu nại bởi nhiều lý do: “Tôi không kiện vì mình đã quá vất vả và mệt mỏi với cuộc đời này rồi. Tôi không muốn tự hành hạ đời mình nữa! Hơn nữa, nếu kiện tụng thì lại phải đơn từ, dấu má phiền phức lắm!”.
Bà cho biết mình đã phải chịu nhiều thiệt thòi, từng bị chèn ép. Thời còn đi làm bà cũng từng bị cắt lương mà không rõ lý do gì. Tất cả những chuyện như thế bà đều….nhịn.
Bà tâm sự: “Mình học được đức tính bao dung và chấp nhận thiệt thòi về bản thân cũng nhờ những lời Bác dặn”.
Nói chuyện với chúng tôi, Tố Uyên tâm sự bà luôn tâm niệm trong lòng câu “hữu xạ tự nhiên hương”.
Bà tâm sự: “Nếu xét về phim đạt giải tôi tham gia và sự cống hiến của tôi với điện ảnh thì tôi có thừa điều kiện để trở thành NSƯT. Vấn đề là có những người không tốt, thiếu trách nhiệm nên việc của tôi mới thế này”.
Mặc dù Tố Uyên không nhiều bức xúc về chuyện danh hiệu nhưng chúng tôi lại không khỏi buồn về chuyện ấy. Các nghệ sỹ khác cùng thế hệ với bà như Thuý Vinh, Trà Giang.... đều đã được công nhận từ rất lâu; nhiều nghệ sỹ thế hệ sau, có người trở thành NSƯT khá dễ dàng, thế nhưng bà vẫn ngồi lại đây với những câu hỏi không lời đáp.