Giai đoạn này mới bắt đầu nhưng đã thể hiện rõ những đặc điểm của cuộc “chiến tranh lạnh”, chủ yếu là giữa Nga và Mỹ.
Bằng chứng nóng hổi nhất là mới đây, Cơ quan vũ trụ Nga ROSKOSMOS đã ra tuyên bố lên án Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ NASA không chịu hợp tác trong đề án chung nghiên cứu Mặt Trăng.
Mới đây ít lâu, ai cũng tưởng đã đến kỷ nguyên mới của việc hợp tác quốc tế trong lĩnh vực chinh phục vũ trụ, khi Mỹ, Nga và một loạt cường quốc khác tuyên bố có ý định đưa người lên Mặt Trăng lần đầu tiên kể từ năm 1972.
Tuy nhiên, trong khi NASA nhận được sự ủng hộ và hợp tác của Cơ quan vũ trụ Anh và Cộng đồng châu Âu thì Nga lại than phiền là những đề nghị của họ không được ai để ý đến.
Giám đốc ROSKOSMOS Anatoli Perminov cho biết: “Chúng tôi luôn luôn sẵn sàng hợp tác nhưng không hiểu sao NASA lại tuyên bố sẽ theo đuổi một chương trình riêng. Đó là điều thật lạ lùng bởi vì Mỹ không đủ chuyên gia để thực hiện Chương trình chinh phục Mặt Trăng”.
Hồi tháng 12 năm ngoái, NASA đã công bố kế hoạch xây dựng một căn cứ quốc tế tại một trong những cực của Mặt Trăng. Theo dự định, căn cứ này sẽ hoàn tất vào năm 2024.
Trước đó, vào tháng 8 năm ngoái, phía Nga công bố một chương trình còn nhiều tham vọng hơn – xây dựng xong căn cứ thường trực trên Mặt Trăng vào năm 2015.
Tại sao Nga và Mỹ lại đua tranh với nhau ráo riết đến như vậy? Hay nói cách khác: Mục đích của cả Nga và Mỹ là gì? Trong lúc Mỹ luôn luôn tránh trả lời trực diện hoặc không chịu trả lời thì Nga nói thẳng: Mục đích chủ yếu của Chương trình Mặt Trăng là khai thác chất heli-3 bằng phương pháp công nghiệp.
Chất heli-3 (chất đồng vị phi phóng xạ của chất heli) được nhiều nhà khoa học đánh giá rất cao. Họ cho rằng chất này có thể trở thành giải pháp cho nhiều vấn đề của nhân loại trong lĩnh vực năng lượng.
Cụ thể, nó là loại nhiên liệu hữu hiệu cho việc tổng hợp hạt nhân, hữu hiệu tới mức chỉ cần 6 tấn chất này là đã có thể bảo đảm cho một quốc gia có dân số trung bình ở châu Âu đủ năng lượng trong suốt một năm trời.
Hơn nữa, chất heli-3 lại không làm ô nhiễm môi trường, bởi vậy, chất này đang trở thành mối quan tâm hàng đầu của nhiều nước như Đức, Ấn Độ, Trung Quốc.
Riêng Trung Quốc dự định vào tháng 9 năm nay sẽ phóng một thiết bị thăm dò lên Mặt Trăng để nghiên cứu công nghệ khai thác chất heli-3. Giám đốc Chương trình Mặt Trăng của Trung Quốc tuyên bố: “Ai chinh phục được Mặt Trăng đầu tiên thì cũng thu được lợi nhuận đầu tiên”.
Nhưng dĩ nhiên, những đối thủ cạnh tranh chính trong việc khai thác chất heli-3 trên Mặt Trăng vẫn là Nga và Mỹ. Nga dự định chậm nhất là vào năm 2020 sẽ thoả mãn các đơn đặt hàng chất heli-3, sẽ dùng các con tàu vận tải vũ trụ để chuyên chở chất heli-3 từ Mặt Trăng về Trái Đất.
Phía Mỹ tỏ ra thận trọng hơn nhiều. Các chuyên gia Nga tin rằng mục đích sâu xa của Mỹ là chiếm độc quyền việc khai thác chất heli-3 trên Mặt Trăng để kiểm soát thị trường năng lượng trong tương lai và buộc cả thế giới phải khuất phục.
Họ khẳng định rằng Tổng thống Bush đã cử các chuyên gia về heli-3 vào những chức vụ chủ chốt trong Hội đồng tư vấn của NASA.
Vũ Việt
Theo Daily Telegraph