Từ lợi thế tiềm năng điểm đầu EWEC
Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ, duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, định hướng cho phát triển không gian kinh tế - xã hội, đặc biệt là liên kết vùng và cơ chế chính sách điều phối vùng để thực hiện liên kết nội vùng và thúc đẩy liên kết giữa các vùng, nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng nguồn lực hợp lý, hài hòa, bền vững giữa kinh tế, xã hội, môi trường.
Trong đó, tuyến EWEC chính là thành tố quan trọng để tăng cường hợp tác phát triển kinh tế ở Tiểu vùng sông Mê Kông. Với quá trình hình thành, phát triển và triển khai trên thực địa, EWEC đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển bền vững, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống của người dân các nước trong khu vực.
Phối cảnh dự án giao thông đường ven biển Quảng Trị |
Theo đó, Quảng Trị được coi là điểm đầu cầu về phía Việt Nam trên tuyến EWEC, là giao điểm huyết mạch về đường bộ, đường sắt, đường thủy, thuận lợi cho giao lưu hai miền Bắc - Nam, có tuyến đường xuyên Á gần và thuận lợi nhất để tỉnh có điều kiện mở rộng hợp tác kinh tế trong khu vực, giao thương hàng hóa, vận tải quốc tế, phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch.
Theo chia sẻ từ chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng, tuyến Hành lang Kinh tế Đông – Tây (EWEC) cũng được Chính phủ Nhật Bản và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) quan tâm đầu tư và đánh giá là một lợi thế nổi trội để các tỉnh trong khu vực mở rộng hợp tác, tăng cường liên kết kinh tế, phát triển giao thương, trao đổi hàng hóa với cả nước và các nước trong khu vực; đặc biệt là các tỉnh miền Trung nằm trên tuyến EWEC. Vì vậy, EWEC đã được xác định là một trong những tuyến hành lang chính trong Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị và Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Một góc Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị |
Nhận thức được tiềm năng, lợi thế mà EWEC mang lại, trong thời gian qua, các tỉnh miền Trung và Quảng Trị đã tích cực kêu gọi đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng nhằm khai tác tốt tiềm năng, lợi thế mà EWEC mang lại.
Nhờ đó, cơ sở hạ tầng trên tuyến hành lang đang từng bước đầu tư hoàn thiện hoặc quy hoạch để thực hiện đầu tư trong thời gian tới như: sân bay quốc tế Đà Nẵng, sân bay Phú Bài (Huế), sân bay Đồng Hới (Quảng Bình), Cảng hàng không Quảng Trị (đã chính thức khởi động); hệ thống cảng biển: Chân Mây (Thừa Thiên Huế), Tiên Sa, Liên Chiểu (Đà Nẵng), Kỳ Hà (Quảng Nam), Vũng Áng (Hà Tĩnh), Cửa Việt, Mỹ Thủy (Quảng Trị)…
Nhiều khu kinh tế, khu công nghiệp đã được hình thành như: Phú Bài, Liên Chiểu, Hoà Khánh, Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, các khu kinh tế: Lao Bảo, Vũng Áng, Chân Mây - Lăng Cô, Chu Lai,... Hệ thống cửa khẩu quốc tế được thành lập và phát huy hiệu quả như: Lao Bảo, La Lay, Cha Lo, Cầu Treo… Các hoạt động giao lưu văn hóa, xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch giữa các địa phương trên tuyến EWEC được quan tâm, tổ chức thường niên.
Đối với tỉnh Quảng Trị, thời gian qua, sự hợp tác, liên kết với EWEC cũng đã và đang được thúc đẩy mạnh mẽ. Từ năm 1998, tỉnh Quảng Trị đã chủ động tham gia Chương trình hợp tác Tiểu vùng Mê Kông mở rộng (GMS) và chương trình hợp tác phát triển hành lang này.
Đơn cử, hàng loạt dự án động lực được tỉnh này triển khai trong thời gian qua hứa hẹn sẽ giúp địa phương lấy lại đà tăng trưởng. Có thể kể đến như: Dự án đường ven biển kết nối hành lang kinh tế đông tây, tỉnh Quảng Trị giai đoạn 1 (gọi tắt dự án đường ven biển Quảng Trị) đi qua địa bàn các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong và thành phố Đông Hà, có tổng chiều dài gần 55 km. Dự án này có tổng mức đầu tư là 2.060 tỷ đồng, sau khi hoàn thành sẽ tạo ra quỹ đất lớn để từng bước hình thành các khu đô thị ven biển; kết nối thành phố Đông Hà trở thành đô thị động lực của hành lang kinh tế này.
Cầu Thạch Hãn |
Cùng với đó, tuyến đường sẽ tạo nguồn lực mới để tỉnh Quảng Trị phát triển kinh tế biển, phù hợp với chiến lược quốc gia về kinh tế biển Việt Nam; tạo điểm nhấn để thu hút khách du lịch từ các nước Thái Lan, Lào, Campuchia, Myanmar về với du lịch biển Quảng Trị và miền trung.
Nỗ lực hội nhập kinh tế
Ngoài việc ban hành nhiều nghị quyết, chính sách phát triển KT-XH gắn với EWEC, tỉnh đã làm tốt công tác quy hoạch hệ thống giao thông đa dạng về hình thức: về đường bộ (theo hướng Bắc Nam là các trục chính như Quốc lộ 1, cao tốc Bắc - Nam, đường ven biển, đường Hồ Chí Minh,… và theo hướng Đông Tây có Quốc lộ 9, cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo, Quốc lộ 15D …); về đường sắt (theo hướng Bắc Nam có đường sắt Bắc Nam, đường sắt tốc độ cao; theo hướng Đông Tây có đường sắt Cam Lộ - Lao Bảo); về đường thủy có: cảng nước sâu Mỹ Thủy, cảng Cửa Việt; về hàng không có Cảng hàng không Quảng Trị.
Bên cạnh đó, nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của EWEC, tỉnh Quảng Trị đang triển khai xây dựng đề án “Hợp tác triển khai hành lang kinh tế Quảng Trị (Việt Nam) - Salavan (Lào) - Ubon Ratchathani (Thái Lan)”. Đây là tuyến hành lang giao thông mới rất thuận lợi kết nối từ cực Nam của nước bạn Lào với Biển Đông của Việt Nam có chiều dài hơn 420 km.
Bản đồ hướng tuyến đường ven biển kết nối đến trung tâm TP Đông Hà, Quảng Trị |
Việc hình thành thêm tuyến hành lang này là hành lang kết nối ngắn nhất từ Ấn Độ Dương sang Thái Bình Dương đi qua các quốc gia Myanmar, Đông Bắc Thái Lan, Lào, Việt Nam và ra cảng nước sâu Mỹ Thủy (tỉnh Quảng Trị). Với vị trí địa lý chiến lược, cùng việc nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của kinh tế, thời gian qua Quảng Trị không ngừng nỗ lực hội nhập kinh tế để đưa tỉnh nhà đi lên. Từ năm 2013 đến nay, tỉnh Quảng Trị kêu gọi được 18 dự án ODA và vốn vay ưu đãi với tổng mức đầu tư hơn 7.000 tỷ đồng.
Không chỉ vậy, Quảng Trị tích cực tổ chức, tham gia các Hội nghị, diễn đàn để tăng cường quảng bá tiềm năng và cơ hội đầu tư vào Quảng Trị đến các nhà đầu tư trên thế giới. Có thể kể đến: Hội nghị Hợp tác về thương mại, đầu tư, du lịch, lao động và truyền thông giữa 3 tỉnh Quảng Trị (Việt Nam) - Savannakhet (Lào) - Mukdahan (Thái Lan); Hội chợ Thương mại quốc tế khu vực Tiểu vùng Mê-kông mở rộng; nghiên cứu xây dựng Đề án “Hợp tác triển khai Hành lang kinh tế Quảng Trị - Salavan - Ubon Ratchathani”; Hội nghị thúc đẩy hợp tác đầu tư về thương mại, du lịch và nông nghiệp giữa các địa phương của Việt Nam với 4 tỉnh Nam Lào; phối hợp với tỉnh Savannakhet nghiên cứu xây dựng Đề án Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Đensavan trên Hành lang kinh tế Đông – Tây…