Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước (KBNN) đến năm 2020

Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước (KBNN) đến năm 2020
Mục tiêu Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước (KBNN) đến năm 2020 là xây dựng KBNN hiện đại, hoạt động an toàn, hiệu quả và phát triển ổn định vững chắc trên cơ sở cải cách thể chế, chính sách, hoàn thiện tổ chức bộ máy, gắn với hiện đại hoá công nghệ và phát triển nguồn nhân lực. 

Đến năm 2020, các hoạt động KBNN được thực hiện trên nền tảng công nghệ thông tin hiện đại và hình thành Kho bạc điện tử.

Trong những năm vừa qua, hệ thống KBNN đã triển khai nhiều chương trình, đề án cải cách sâu sắc và toàn diện trên các lĩnh vực: Cơ chế chính sách và quy trình nghiệp vụ; công nghệ quản lý; tổ chức bộ máy và phát triển nguồn nhân lực.

Kiện toàn, tinh gọn bộ máy

Trong lĩnh vực hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy, KBNN đã tập trung kiện toàn bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả.

Ngay từ tháng 10/2015, thực hiện Quyết định số 26/2015/QĐ-TTg ngày 08/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của KBNN trực thuộc Bộ Tài chính, hệ thống KBNN đã rà soát, cắt giảm 122 cấp phòng thuộc KBNN cấp tỉnh và xóa bỏ gần 600 cấp tổ, đội thuộc KBNN cấp huyện.

Triển khai Nghị quyết số 18-NQ/TƯ ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả được ban hành, hệ thống KBNN tiếp tục rà soát, xây dựng Đề án báo cáo Ban Cán sự Đảng và Lãnh đạo Bộ Tài chính xem xét, phê duyệt chủ trương tinh gọn bộ máy và cắt giảm thêm 43 Phòng giao dịch tại KBNN cấp tỉnh và xóa bỏ gần 1.300 cấp tổ đội tại KBNN cấp huyện.

Như vậy, trong thời gian gần 03 năm qua, kể từ tháng 10/2015 hệ thống KBNN đã kiện toàn, sắp xếp cắt giảm được 165 phòng tại KBNN cấp tỉnh và xóa bỏ trên 1.900 mô hình cấp tổ, đội tại KBNN cấp huyện, cùng với đó là gần 2.500 công chức lãnh đạo cấp tổ, đội không còn giữ chức danh lãnh đạo; bố trí, sắp xếp 162 công chức lãnh đạo cấp phòng giữ chức vụ thấp hơn hoặc cắt giảm chức danh lãnh đạo để bố trí công việc khác do sắp xếp tổ chức bộ máy.

Cùng với việc tinh gọn bộ máy, cải cách và hiện đại hóa các quy trình nghiệp vụ trong quản lý, công tác quản lý biên chế và tinh gọn đội ngũ công chức hệ thống KBNN cũng được rà soát và tổ chức thực hiện đồng bộ. Theo đó, KBNN rà soát đưa ra khỏi biên chế những công chức dôi dư do sắp xếp tổ chức bộ máy, được đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ hoặc hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực theo quy định. Tăng cường công tác đào tạo, đào tạo lại, đặc biệt ưu tiên đối với việc đào tạo, bồi dưỡng để cập nhất kiến thức mới, nâng cao nghiệp vụ và đạo tạo đội ngũ công chức trẻ, công chức hoạch định chính sách và thực hiện chiến lược. So với năm 2015, biên chế công chức của hệ thống KBNN đã cắt giảm được 843 chỉ tiêu (đạt 53% kế hoạch đến 2021) và hệ thống KBNN quyết tâm thực hiện thành công việc cắt giảm tối thiểu 10% chỉ tiêu biên chế được giao so với năm 2015 theo đúng tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Đảm bảo công khai, minh bạch

Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp như tinh gọn bộ máy và biên chế, cải cách quy trình nghiệp vụ, hiện đại hóa công nghệ quản lý; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động nghiệp vụ cũng như quản lý, điều hành, bảo đảm công khai, minh bạch đã tạo thuận lợi cho các đơn vị, cá nhân trong quá trình giao dịch với KBNN, thay vì giao dịch với nhiều đầu mối thì nay chỉ có một giao dịch viên; thời gian xử lý công việc cũng được cắt giảm; việc cắt giảm các đầu mối đi đôi với việc cắt giảm các chức danh lãnh đạo, theo đó chế độ chính sách liên quan đến phụ cấp các chức vụ lãnh đạo cũng sẽ không còn, tiết kiệm đáng kể cho NSNN trong việc chi trả đối với con người; và hơn hết đó là đội ngũ công chức hệ thống KBNN từng bước nhận thức và thay đổi tư duy làm việc từ thủ công sang quản lý theo hướng chuyên nghiệp và tự động hóa.

Từ những kết quả thực tiễn đạt được nêu trên của KBNN đã khẳng định rằng việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy phù hợp với các Nghị quyết của Đảng, xu hướng cải cách tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả trong khu vực công của Việt Nam cũng như trên thế giới và định hướng chiến lược phát triển hệ thống KBNN đến 2020.

Bên cạnh đó, KBNN cũng thường xuyên nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính, cấp ủy và chính quyền địa phương các cấp. Sự quyết tâm thực hiện cải cách của cả hệ thống KBNN, đặc biệt là người đứng đầu các đơn vị từ trung ương đến các địa phương.

Ngoài ra, việc triển khai một loạt các đề án, dự án cải cách của hệ thống KBNN trong thời gian qua cũng hỗ trợ, tạo điều kiện cho hệ thống KBNN trong quá trình triển khai sắp xếp, tinh gọn bộ máy.

Một số chỉ tiêu đặt ra

Trong thời gian tới, bám sát tinh thần Nghị quyết số 18 của Trung ương, hệ thống KBNN tiếp tục rà soát, kiện toàn tổ chức bộ máy theo hướng:

Giảm từ 10 đến 15 KBNN cấp huyện (trên cơ sở sắp xếp lại KBNN thành phố thuộc tỉnh và hình thành một số Kho bạc khu vực liên huyện); tiếp tục cắt giảm từ 100 – 150 phòng thuộc KBNN cấp tỉnh; cắt giảm 48 phòng thuộc KBNN quận tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Theo đó, sẽ cắt giảm được khoảng hơn 400 công chức lãnh đạo cấp phòng và tương đương.

Về biên chế, Hệ thống KBNN quyết tâm đến năm 2021 sẽ thực hiện thành công việc cắt giảm khoảng 2.000 biên chế (đạt trên mức tối thiểu 10% chỉ tiêu biên chế được giao so với năm 2015) theo đúng tinh thần Nghị quyết số 39 ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị.

Song song với việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy, KBNN sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa công nghệ quản lý nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống và phục vụ ngày một tốt hơn khách hàng giao dịch với KBNN.

MỚI - NÓNG