Chiều 2/10, T.Ư Đoàn tổ chức Hội nghị tổng kết Chiến dịch Thanh niên tình nguyện (TNTN) hè năm 2022, bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, dưới sự điều hành của anh Bùi Quang Huy, Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn.
Chủ trì hội nghị tại điểm cầu Hà Nội có anh Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư thường trực T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam; anh Nguyễn Minh Triết, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội SVVN.
Thực hiện hơn 26.400 công trình phần việc thanh niên các cấp
Chiến dịch TNTN hè năm 2022 diễn ra trong bối cảnh hết sức đặc biệt. Đây là giai đoạn cao điểm tổ chức các hoạt động thi đua, chào mừng Đại hội Đoàn các tỉnh, thành phố; là giai đoạn phục hồi quan trọng sau những ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Đồng thời, 3 tháng qua tình hình kinh tế - xã hội trong và ngoài nước cũng có nhiều diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của thanh thiếu nhi và nhân dân. Trước bối cảnh đó, bằng quyết tâm chính trị và nhiệt huyết tuổi trẻ, các cấp bộ Đoàn trên cả nước đã triển khai nhiều mô hình, hoạt động hiệu quả, sáng tạo đạt được nhiều kết quả ấn tượng.
Chiến dịch năm nay có sự tăng rõ nét cả về số lượng đội hình và chiến sĩ tình nguyện. Tổng số đội hình được thành lập là gần 35.000 đội hình (tăng 40% so với năm 2021), thu hút gần 1.900.000 đoàn viên, thanh niên tham gia (tăng 87% so với năm 2021). Tổng số công trình thanh niên từ T.Ư đến cơ sở là hơn 26.400 (tăng 9,56% so với năm 2021, với tổng kinh phí là 444 tỉ đồng (tăng 61,96% so với năm 2021). Các công trình, phần việc được đầu tư về quy mô, chất lượng hơn so với những năm trước.
Tổng số công trình thanh niên từ T.Ư đến cơ sở là hơn 26.400 (tăng 9,56% so với năm 2021, với tổng kinh phí là 444 tỉ đồng (tăng 61,96% so với năm 2021). Các công trình, phần việc được đầu tư về quy mô, chất lượng hơn so với những năm trước.
Năm nay, Chiến dịch đặt trọng tâm hoạt động tại 74 huyện nghèo; 54 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển, hải đảo; làng thanh niên lập nghiệp; các thôn, bản gắn với sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh; đảo thanh niên; địa phương nơi sinh sống của 16 dân tộc thiểu số dưới 10 nghìn người.
Đáng chú ý, tại 54 xã đặc biệt khó khăn nêu trên, các cấp bộ Đoàn đã tổ chức hơn 300 đội hình với gần 75 nghìn ĐVTN tình nguyện trực tiếp tham gia. Trong đó, tiêu biểu có Tỉnh Đoàn Quảng Ngãi với mô hình tuyên truyền pháp luật cho học sinh, nạo vét kênh mương, trao xe lăn tặng hộ gia đình chính sách; Tỉnh Đoàn Quảng Bình xây dựng “Nhà nhân ái” tặng người dân có hoàn cảnh khó khăn, nhà vệ sinh cho trường học.
Đây là mùa hè đầu tiên, Chiến dịch hè triển khai 6 ngày tình nguyện cao điểm tạo sự lan tỏa rộng khắp mang đậm màu sắc của từng khối đối tượng.
Tại hội nghị, các tỉnh, thành đoàn giới thiệu các mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả trong chiến dịch tình nguyện hè.
Kết quả tổng thể, Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè có 11/13 chỉ tiêu đạt và vượt. Trong đó, nhiều chỉ tiêu vượt trội như: tư vấn tâm lý cho ít nhất 100.000 đoàn viên, thanh thiếu nhi (đạt 219,41%); xây mới ít nhất 700 nhà nhân ái, nhà tình nghĩa, nhà khăn quàng đỏ, nhà bán trú (đạt 204,42%); xây dựng mới ít nhất 500 tuyến phố khu vực đô thị (đường, hẻm) văn minh với các tiêu chí “Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp - Văn minh - An toàn” (đạt 191,6%). Đây chính là minh chứng rõ nét cho quyết tâm và sự nỗ lực chung của cán bộ đoàn, đoàn viên, thanh niên trên toàn quốc.
Chuyên sâu, chuyên nghiệp, lan tỏa
Phát biểu kết luận hội nghị, anh Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư thường trực T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam đánh giá Chiến dịch TNTN hè 2022 đạt được kết quả toàn diện, để lại dấu ấn tốt; chuyên sâu, chuyên nghiệp hơn, gắn với chuyên môn hơn; hiệu quả thiết thực và gắn kết, lan tỏa hơn.
Trong đó, ba nội dung mới được triển khai hoàn thành vượt chỉ tiêu, gồm: hoạt động khám sàng lọc bệnh lý hậu COVID-19; triển khai các tổ chuyển đổi số cộng đồng; xây dựng nhà vệ sinh trong trường họ.
Phương thức tổ chức cũng có nhiều sự đổi mới. Nhiều tỉnh, thành đoàn và cơ sở đoàn đang phát triển các mô hình tình nguyện theo dự án, có sự kết nối phát triển về kết quả qua nhiều năm, tăng cường tính bền vững. Tính chuyên môn của lực lượng sinh viên được đề cao.
Anh Lương đề nghị, các tỉnh, thành đoàn cần đặc biệt lưu ý đến yếu tố bền vững trong việc triển khai các mô hình, công trình tình nguyện. Đối với các dự án, công trình được khởi công thực hiện trong Chiến dịch nếu chưa hoàn thành cần tiếp tục quyết liệt chỉ đạo để hoàn thiện sớm nhất bàn giao lại cho người dân.
Anh Lương cũng đề nghị cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, đặc biệt là lan tỏa trên các nền tảng số, mạng xã hội. Trong đó, cần tăng cường hơn nữa các nội dung có tính câu chuyện lan tỏa, tạo được sự chia sẻ thấu hiểu trong cộng đồng về tinh thần nhiệt huyết, dấn thân của lực lượng thanh niên tình nguyện.
Anh Lương lưu ý, với chủ đề công tác năm 2023 là Năm chuyển đổi số các hoạt động của Đoàn. Vì vậy, chiến dịch TNTN hè 2023 và những năm tiếp theo cần tăng cường các giải pháp nhằm tối ưu hóa việc xây dựng và sử dụng được dữ liệu lớn trong công tác tình nguyện. Theo anh Lương, việc đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động tình nguyện sẽ là nền tảng quan trọng trong việc đổi mới phương thức tình nguyện của tổ chức Đoàn, đưa các hoạt động bám sát hơn với thực tiễn đời sống và tăng khả năng tham gia của khối đông thanh niên.
Báo Tiền Phong nhận Bằng khen của Trung ương Đoàn
Tại hội nghị, T.Ư Đoàn trao tặng Bằng khen cho 28 tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác triển khai và tuyên truyền Chiến dịch thanh niên tình nguyện hè 2022, trong đó, có Báo Tiền Phong.