> Đường mưa
> Những kẻ đồng hành
Ông bố nhận nuôi cô là một người sống lang thang, không ai biết tên của ông. Vóc người ông không cao lớn, dung mạo cực kỳ xấu, râu rậm, song ông có một tấm lòng vàng. Có lẽ thấy ông đến tuổi trung niên, mà đời đáng thương, cô đơn, thế là ông Trời ban cho ông nhặt được Quyên Tử, lúc đó chưa đầy một trăm ngày, toàn thân bủng beo nhợt nhạt. Em bị người ta bỏ rơi, nằm trên một chiếc ghế đá cũ, bên ngoài cửa chợ rau đầy người chen lấn.
Minh họa: huỳnh ty. |
Khi ông già rậm râu nhặt lấy đứa bé, ông thấy nó còn bị bệnh bại liệt, cuộc sống vô cùng khó khăn, nhưng ông vẫn thu nhận nuôi dưỡng cô bé Quyên Tử đang có nguy cơ chết yểu.
Sau một thời gian tìm thầy kiếm thuốc, bệnh của Quyên Tử bỗng nhiên lành như một kỳ tích.
Sau đấy, do cô bé có thân hình xinh xắn, tính tình ngoan ngoãn, miệng nói ngọt ngào, cho nên, hàng ngày hai bố con xin được nhiều đồ ăn tại cổng chợ rau. Đặc biệt, bà còng bán bánh nướng ở đây, hàng ngày đều nhẹ nhàng dúi cho ông râu rậm những chiếc bánh rán bán ế:
“Ông anh, người lớn khổ bao nhiêu cũng chịu được, không thể để cho con trẻ phải khổ!”.
Ông già râu rậm ứa nước mắt cảm kích, gật gật đầu, nhân lúc mọi người không để ý, nhanh tay dúi bánh rán vào tay Quyên Tử.
“Hì hì, thơm, thơm quá!” - Quyên Tử vừa cười, vừa ăn ngấu nghiến bánh rán.
“Con ngố ơi! Ăn chầm chậm thôi, kẻo nghẹn đấy!” - Ông râu rậm cười ngất.
Từ ấy, gặp ai ông râu rậm cũng nói, sau khi có Quyên Tử, vận may đã đến với ông. Mọi người cũng thấy bệnh ho hen của ông nay đã khỏi, hơn nữa chân tay gầy đét của ông nay đã bắt đầu có thịt, cho nên, ông tràn đầy tin tưởng vào cuộc đời sau này.
Vì cuộc sống, họ sống dựa vào nhau, ông già lại cố gắng nhúc nhắc đôi chân kém linh hoạt, không ngừng tìm cái ăn cho cả hai cha con.
Thực ra, cha mẹ của ông râu rậm đã bị tai nạn xe cộ cướp mất sinh mạng từ nhiều năm trước, còn chân ông cũng bị tật, đành phải lưu lạc nơi đầu đường xó chợ. Ông thật sự không biết gia đình yên ấm là như thế nào? Ông cũng mãi mãi không biết, niềm vui của ông hiện nay, nên tìm ai để chia sẻ… Thế là, ban ngày ông vẫn dắt Quyên Tử đi ăn xin khắp nơi, tối đến, hai cha con lại ẩn náu trong một “ngôi nhà” tạm bợ ở dưới cầu vượt cách chợ rau không xa.
Khi tiếng xe hơi hỗn tạp trên đường đã hoàn toàn mất đi trong đêm tối, họ thường tựa vào nhau khi thân thể đã mệt nhoài, cùng nhau lắng nghe âm thanh thân thiết của thiên nhiên…
Cứ như vậy, ngày tiếp ngày, năm nối năm, cho tận đến một ngày, Quyên Tử đáng yêu đã lớn lên, với sự giúp đỡ của rất nhiều người hảo tâm ở chợ rau, Quyên Tử được đeo cặp sách do bà còng mua cho, đến trường tiểu học, và cuối cùng Quyên Tử xinh đẹp đã bước vào cổng trường đại học…
Điều khiến mọi người vui mừng là đến tết trung thu năm nay, Quyên Tử đã trở thành một cô dâu xinh đẹp.
Trong ngày đại hỉ, một cảnh tượng khiến mọi người vô cùng cảm động đã xẩy ra.
Quyên Tử đã lặng lẽ đón ông già râu rậm đến nhà mới cũng là nơi tổ chức hôn lễ của mình, cô cũng mời bà già lưng còng bán bánh ở chợ đã rụng hết răng đến dự hôn lễ. Nhưng, bố già râu rậm đã mắc bệnh lẫn cẫn, chân vẫn bước tập tễnh khó nhọc, hơn nữa, do ông lâu ngày thiếu ăn, cho nên khuôn mặt ông tiều tuỵ, trên chòm râu dài hoa râm của ông đã có những sợi râu úa vàng… Còn bà già, lưng còn gù hơn một chút.
Trong tiệc cưới, mọi người đều nói bà già lưng còng là một người tốt bụng đích thực. Mọi người cũng không quên tán dương, Quyên Tử là một cô gái lòng dạ cực tốt, biết hiếu thuận…
Đột nhiên, ông già râu rậm nhanh tay móc từ trong túi quần cũ vá víu, lấy ra một nửa tờ báo cũ, lót tay cầm một chiếc bánh rán bóng mỡ bày trên bàn… Ông kéo mạnh cánh tay trắng hồng thon thả của Quyên Tử, kéo con đi đến một góc của phòng tiệc, hạ giọng nói nhỏ:
“Con ngố ơi! Ăn chầm chậm thôi, kẻo nghẹn đấy, vừa rồi không có ai phát hiện ra đâu…” - Ông già ngây ngất cười.
Quyên Tử đón nhận chiếc bánh rán, há rộng miệng ăn. Cô ngắm nhìn cha nuôi, mặt cô tươi rói, nụ cười ngọt ngào, như hệt hồi nhỏ…Nhưng, phía sau nụ cười rạng rỡ của cô, mọi người phát hiện mắt cô và của cả cha nuôi, đều ứa ra những giọt nước mắt long lanh…
Bà già lưng còng vội đứng dậy, cầm lấy hai tờ giấy ăn màu hồng phấn, chạy nhanh đến, đưa một tờ cho Quyên Tử, giành lại cho mình một tờ.
Quyên Tử lau nước mắt xong, lại cười ngay…Bởi vì cô trông thấy ông già râu rậm ngô nghê, đang nhiều lần dùng ống tay áo quệt ngang, lau những giọt lệ ứa ra từ hai khoé mắt…
Cộng tác viên thân thiết của Tiền Phong Chủ nhật, nhà văn, dịch giả Vũ Phong Tạo tên khai sinh là Đinh Văn Tạo, sinh năm 1940 tại Quê Tổ ca trù Lỗ Khê (Liên Hà, Đông Anh, Hà Nội). Ông có các bút danh khác: Phong Vũ, Lỗ Khê, Vũ Đông Anh, Vũ Công, Hồng Văn… Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam. Do tuổi cao, sức yếu, nhà văn, dịch giả Vũ Phong Tạo đã từ trần vào hồi 14h 36 phút ngày 29/11/2013. Lễ truy điệu và đưa tang được cử hành vào hồi 6h30 sáng 1/12/2013 tại quê nhà. Chúng tôi trân trọng giới thiệu chùm truyện cực ngắn Trung Quốc do Vũ Phong Tạo dịch và gửi cho Tiền Phong Chủ nhật vừa mới đây, như một nén hương tưởng nhớ đến một con người cần mẫn sống với con chữ đến tận những ngày cuối cùng. |
Vũ Phong Tạo
chọn dịch và giới thiệu (theo www.xiaoxiaoshuo.com, 26-7-2013)
Truyện ngắn của
BÂN CHI BÂN (Trung Quốc)