Toàn cảnh hội nghị |
Hai tỉnh đứng trước là Quảng Ninh (48.811 điểm) và tỉnh Đồng Tháp (46.961 điểm). Có 6/8 chỉ số nội dung PAPI của tỉnh Thái Nguyên nằm trong nhóm đạt điểm cao nhất.
Cụ thể, chỉ số Thủ tục hành chính công đạt 7.656 điểm; Chỉ số kiểm soát tham nhũng trong khu vực công đạt 7.278 điểm; Chỉ số công khai, minh bạch trong việc ra quyết định đạt 6.322 điểm; Chỉ số tham gia của người dân cấp cơ sở đạt 6.216 điểm; Chỉ số trách nhiệm giải trình với người dân đạt 5.335 và Chỉ số quản trị điện tử đạt 3.463 điểm. Thái Nguyên cũng là tỉnh duy nhất có tới 6 chỉ số nội dung tăng điểm phần trăm so với năm 2019.
So với năm trước, năm nay Thái Nguyên có sự cải thiện vượt bậc về điểm số PAPI (năm 2019, PAPI của tỉnh đạt 43.2 điểm, nằm trong số 15 tỉnh nhóm trung bình thấp). Chỉ số năm nay thể hiện nỗ lực của các cấp, ngành trong chỉ đạo, điều hành, sự hài lòng của người dân đối với chính quyền.
Trong Báo cáo PAPI năm 2020 và phát biểu của các chuyên gia, cố vấn, nhà quản lý tại buổi Công bố, kết quả tổng hợp PAPI và sự tăng điểm ấn tượng nhiều chỉ số nội dung của tỉnh Thái Nguyên được nhắc đến nhiều lần.
Theo thông tin tại buổi công bố, phần lớn các tỉnh trong nhóm đạt điểm cao nhất ở Chỉ số PAPI năm 2020 tập trung ở khu vực Đông Bắc, Bắc Trung Bộ và đồng bằng sông Cửu Long. Tại khu vực Đông Bắc, ngoài tỉnh Quảng Ninh và tỉnh Thái Nguyên có điểm số cao còn có tỉnh Hòa Bình, Bắc Giang và tỉnh Tuyên Quang.
Trong khi đó, phần lớn các tỉnh trong nhóm thấp nhất tập trung ở khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ; tỉnh đạt điểm số thấp nhất là Lâm Đồng với 38.623; xếp kế trên là tỉnh Khánh Hòa với 39.141 điểm. Thủ đô Hà Nội đạt 41.629 điểm, nằm trong nhóm đạt điểm thấp nhất.
Đại diện UNDP Việt Nam báo cáo Chỉ số hiệu quả và hành chính công cấp tỉnh Papi năm 2020 |
Chỉ số PAPI bao gồm 8 chỉ số nội dung, là sản phẩm hợp tác nghiên cứu giữa Trung tâm Nghiên cứu Phát triển - Hỗ trợ cộng đồng (CECODES) thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật Việt Nam và Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam từ năm 2009 và Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ, Nghiên cứu khoa học Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Tính đến hết 2020, Chương trình nghiên cứu PAPI đã khảo sát, thu thập ý kiến của trên 146.000 người dân được lựa chọn ngẫu nhiên trên cả nước. Dữ liệu và thông tin từ Chương trình nghiên cứu PAPI được coi như “bức tranh” thực tế về hiệu quả của chính quyền trong việc đáp ứng yêu cầu của người dân, giúp các cấp soi chiếu lại hoạt động trong một năm, đồng thời tạo sự cạnh tranh lành mạnh, thúc đẩy học hỏi kinh nghiệm giữa chính quyền các địa phương. PAPI cũng là diễn đàn mở để người dân tham gia đánh giá hiệu quả hoạt động của chính quyền.