Thế nhưng, các doanh nghiệp đầu tư sản xuất điện “sạch” vẫn như ngồi trên đống lửa.
Bộ Công Thương nói EVN chủ động đàm phán giá căn cứ theo quy định tại Luật Điện lực, các nội dung phù hợp thực tế của nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp. Tuy nhiên, trong văn bản mới nhất EVN lại cho rằng, để EVN tự đàm phán giá là bất khả thi.
EVN dẫn Thông tư 01 của Bộ Công Thương hiện đã bãi bỏ thời hạn hợp đồng mua bán điện (PPA) trong 20 năm với điện mặt trời nhưng giữ nguyên thời hạn này với điện gió. Vậy nên, EVN và các chủ đầu tư rất khó thống nhất thời hạn PPA cho dự án điện mặt trời.
Theo văn bản của EVN, với các nhà máy điện truyền thống đều có hướng dẫn về phương pháp tính giá, nhưng với nhà máy điện chuyển tiếp thì đến nay Bộ Công Thương vẫn chưa có hướng dẫn; bao gồm các hướng dẫn liên quan đời sống kinh tế dự án, sản lượng điện dùng để tính toán giá điện, chi phí vận hành và bảo trì, tỉ lệ vốn chủ sở hữu, lãi vay, tỉ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu…Theo quy định hiện hành của Bộ Công Thương, với dự án truyền thống, đời dự án thủy điện là 40 năm, nhiệt điện than là 30 năm, nhưng với dự án điện gió, mặt trời chuyển tiếp, lại chưa có hướng dẫn nên chưa có cơ sở thực hiện. Chi phí vận hành bảo trì ở dự án truyền thống được quy định mức trần để hai bên đàm phán, nhưng với dự án điện gió, mặt trời chuyển tiếp lại chưa có hướng dẫn…
EVN cho rằng, còn nhiều nội dung chưa có cơ sở để cùng đàm phán với chủ đầu tư. Đó cũng là lý do mốc 31/3 mà Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu đã không thể hoàn thành.
Trong khi Bộ Công Thương và EVN “chuyền bóng” trách nhiệm, thì các chủ đầu tư dự án hằng ngày nhìn nhà máy phơi sương, phơi nắng không thể vận hành được.
Lãnh đạo một nhà máy tại Trà Vinh đã đầu tư 4.206 tỷ đồng, cho biết, nhà máy hiện có 15/18 trụ tua-bin chưa thể vận hành để hòa lưới do chưa có hướng dẫn áp dụng giá điện. Chậm một ngày, đồng nghĩa lãi vay và các chi phí khấu hao khác tăng theo. Lỡ “ngồi trên lưng cọp rồi” nên các nhà đầu tư chỉ còn biết kêu cứu khắp nơi.
Chủ đầu tư dự án Nhà máy điện gió Tân Ân 1 ở Cà Mau cũng cho biết, các vật tư, thiết bị, máy móc cỡ lớn phục vụ thi công trên biển đang phải dừng, dẫn đến phát sinh chi phí lưu kho, lưu bãi hằng tháng, lãi vay phải chi trả cho nguồn vốn vay khá cao trong khi chủ đầu tư chưa có nguồn để thu hồi vốn.
Chính sách chuyển dần sang “nâng đỡ” sản xuất năng lượng sạch là một cam kết mạnh mẽ của Chính phủ. Tuy nhiên, cách làm của Bộ Công Thương và EVN hiện nay đã tạo ra một môi trường đầu tư rủi ro cho các doanh nghiệp, địa phương kêu gọi đầu tư phát triển dự án năng lượng sạch. Tình trạng này tiếp tục kéo dài các chủ đầu tư sẽ thua lỗ, phá sản là điều khó tránh khỏi thì hàng nghìn tỷ đồng đầu tư tiếp tục “đắp chiếu”.