'Chết dần chết mòn' vì công việc

'Chết dần chết mòn' vì công việc
TPO – Với một công việc nhà nhã, mức lương 500 USD/tháng, nhưng M (sinh năm 1987) vẫn cảm thấy mệt mỏi với công việc và không tìm được lối thoát cho tương tai của mình.

Kính chào Chuyên mục Việc làm báo Tiền Phong,

Em đã tốt nghiệp trường Ngoại thương chuyên ngành Kinh tế đối ngoại năm 2009, đi làm từ tháng 8/09 đến nay cho một Văn phòng Đại diện (VPĐD) của nước ngoài, công việc liên quan đến lĩnh vực e học nhưng rất rất ít, môi trường chỉ có 3 người nhưng sếp em thường đi công tác nên thời gian em ở vp 1 mình là nhiều. Cv rất đơn giản, không thăng tiến, môi trường thì không năng động, thật sự làm gần 2 năm mà e thấy mình chẳng có tí kinh nghiệm gì cả nhưng bù lại sếp em là một người tốt, có than phiền la mắng trong công việc nhưng nhìn chung đối xử tốt với nhân viên.

Khi mới vào làm được 6 tháng thì e đã có ý định chuyển việc rồi nhưng cứ lần lữa tới giờ bởi nhiều lý do: thứ nhất là mức lương hiện tại của e là US$500, e có dò hỏi bạn bè xung quanh thì được biết là mức lương như vậy là cao, nếu bây giờ e bắt đầu lại ở 1 công ty mới thì mức lương sẽ không bằng vì thật tình kinh nghiệm của e chỉ là con số 0, e không đủ tự tin vì công việc e làm chỉ là xoay quanh các giấy tờ XNK, theo dõi tin tức thị trường rồi báo cáo, rất đơn giản mà một người trình độ trung cấp cũng làm được.

Thứ hai, công việc hiện tại nhàn rỗi nên e có thể tập trung cho việc học cao học (hiện tại e đang theo học cao học tại trường Kinh tế TpHCM).

Tuy nhiên thời điểm hiện tại thì thật sự em rất sợ đi làm, cứ sáng nào thức dậy cũng nghĩ tới việc đến công ty rồi lại một mình, có việc thì làm không thì cứ đọc báo suốt, e thấy mình rất vô dụng, có xen lẫn cảm giác xấu hổ vì không làm gì nhiều mà lại hưởng lương...nhưng nếu nghỉ việc lúc này thì em sẽ không có tiền để mà sống nếu thất nghiệp 2 tháng (hàng tháng e có gởi tiền phụ giúp gia đình nên sau 2 năm vẫn không có saving), còn đi xin việc trong lúc vẫn đang làm thì e toàn nhận được việc với mức lương thấp hơn, chưa kể nếu có công việc mới chắc chắn sẽ bận hơn việc hiện nay nên e không đầu tư hết cho việc học được…

Em có tâm sự hỏi han với bạn bè và các anh chị lớn hơn em, đa phần mọi người đều khuyên em cố gắng làm việc tại đây để có chi phí trang trải cho việc học và cuộc sống, vừa giúp được gia đình và vừa có thời gian để học tiếp, khoảng 2013 e mới tốt nghiệp CH, lúc đó nghỉ xin việc và sẽ có cơ hội cho em.

Nhưng thật tình em có cảm giác là mình đang “chết dần chết mòn” ở đây, suốt ngày thui thủi một mình, không hề có một môi trường làm việc gì cả, em thấy mình rất hèn nhát nhưng nghĩ tới gia đình đang cần em lúc này thì em lại không đủ can đảm để nghỉ việc…

Đọc xong trường hợp của em kính mong chuyên mục việc làm cho em lời khuyên tốt nhất chứ em đang cảm thấy bế tắc quá. Em xin chân thành cảm ơn.

M…1987@gmail.com

Trả lời:

Chào bạn!

Đầu tiên, tôi cảm ơn sự tin tưởng của bạn dành cho chương trình và trân trọng những chia sẻ về công việc cũng như sự lo lắng của bạn!

Đọc thư bạn, tôi thực sự thông cảm và hiểu được những bế tắc và chán nản đối với công việc của bạn. Tôi cho rằng, điều mà bạn đang vướng phải là môi trường làm việc quá ít người và không năng động. Do suốt ngày chỉ thui thủi một mình, các mối quan hệ nghề nghiệp hầu như không có nên khó tránh khỏi những suy nghĩ tiêu cực và buồn chán. Tôi hoàn toàn hiểu và hi vọng có thể chia sẻ cùng bạn!

Quả thật, môi trường làm việc rất quan trọng, đặc biệt là đối với bạn – một lao động trẻ đang muốn cống hiến và ứng dụng nhiều hơn nữa những kiến thức đã được học ở trường; cũng như ước mong có được một con đường nghề nghiệp rõ ràng, thăng tiến trong tương lai và một mức thu nhập phù hợp. Bởi chức năng và nhiệm vụ là một văn phòng đại diện nên tôi không ngạc nhiên khi công ty của bạn rất ít nhân sự. Song, công việc của các văn phòng đại diện đòi hỏi nhân viên phải có khả năng đảm đương được nhiều vai trò như: tổng hợp thông tin, thực hiện và báo cáo tốt. Bạn đừng nghĩ rằng ai cũng có thể đảm trách được công việc như vậy! Bởi do bạn đã quá thành thạo nên công việc luôn được hoàn thành nhanh chóng. Đây chính là lí do công ty trả bạn một mức lương khá cao như vậy. Bạn hãy dập tắt ngay suy nghĩ không làm gì mà vẫn hưởng lương ra khỏi đầu mình. Bạn xứng đáng và có quyền hài lòng với mức lương nhận được. Bạn tin tôi chứ?

Do đã quen việc nên bạn mới cảm thấy thời gian rảnh quá nhiều. Viêc thực hiện một công việc lặp đi lặp lại trong 2 năm khiến bạn bạn cảm thấy chán nản là điều không thể tránh khỏi. Rất nhiều bạn trẻ đã chia sẻ với tôi những điều tương tự. Và tôi hiểu cảm giác mỗi ngày thức dậy với tâm trạng mệt mỏi là như thế nào. Để chấm dứt tình trạng này, bạn hãy sắp xếp một cuộc gặp gỡ với sếp và trao đổi về công việc cũng như trình bày những nguyện vọng của bạn để sếp hiểu và giao thêm việc cho bạn. Như vậy bạn sẽ có sự hứng khởi, mới mẻ và động lực làm việc.

Nếu bạn đã nói chuyện rồi mà sếp vẫn không giao thêm việc và muốn thay đổi một công việc khác thì bạn cần xác định mục tiêu nghề nghiệp của bạn là gì (ngoài mức lương) để định hướng lại con đường nghề nghiệp của mình. Từ đó bạn hãy tìm cơ hội mới, phù hợp với hoàn cảnh cá nhân hiện tại. Trong trường hợp lo ngại về lương, bạn nên xét đến những phúc lợi ngoài lương (đào tạo, thưởng, hoa hồng, trợ cấp, phụ cấp,…) cũng như sự phát triển nghề nghiệp.

Theo tôi, bạn cần thực hiện bảng so sánh những điểm được và mất, lợi và bất lợi trong hoàn cảnh hiện nay với một cơ hội mới (xác thực) để đưa ra những nhận định rõ ràng. Từ đó bạn có thể đánh giá, cân nhắc lựa chọn giữa công việc hiện tại và cơ hội mới. Bên cạnh đó bạn cũng cần xác định lại nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu hiện nay là gì? Điều này sẽ giúp bạn dễ dàng quyết định sự chọn lựa của mình. Nếu bạn muốn có một công việc lý thú hơn, thử thách và cạnh tranh hơn, mặc dù mức lương thấp hơn và với mức lương đó bạn không thể phụ cấp cho gia đình; tôi chắc rằng gia đình bạn sẽ hiểu và sẽ giúp bạn thực hiện mong ước.

Một việc nữa, khi đọc thư bạn, tôi hiểu rõ bạn đang bế tắc như thế nào và điều khiến tôi muốn nói với bạn nhất là bạn phải thư giãn đi, xả stress đi! Hãy thay đổi một chút trong cuộc sống (như đi du lịch, sắp lại lại nơi ở…) để giúp tinh thần phấn chấn hơn. Từ đó bạn sẽ có những quyết định sáng suốt trong việc có nên thay đổi công việc hay không.

Chúc bạn nhanh chóng tìm lại trạng thái cân bằng để mọi lựa chọn được tốt nhất!

Thân!

Mọi thắc mắc liên quan đến vấn đề lương bổng, kỹ năng nghề nghiệp, phỏng vấn xin việc... bạn đọc gửi về chương trình "Tư vấn việc làm" tại địa chỉ: vieclamtienphong@gmail.com.

Để chính xác về nội dung, vấn đề cần hỏi, bạn đọc vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Vũ Thùy Như Linh
Trưởng nhóm tư vấn nghề nghiệp Kiemviec.com

Theo Viết
MỚI - NÓNG