Khu tái định cư có nhiều nhà tạm bợ không có người đến ở - Ảnh: Hoàng Nguyễn |
Từ năm 2007, Sở Khoa học & Công nghệ tỉnh Bắc Kạn phối hợp với Trường Đại học Mỏ - Địa chất thực hiện đề tài nghiên cứu “Điều tra, đánh giá sạt lở các khu vực trọng điểm trên địa bàn tỉnh”.
Đề tài nghiên cứu này phân bốn vùng nguy cơ sụt lở đất cao là thị xã Bắc Kạn, thị trấn Chợ Rã, Ngân Sơn và Ba Bể. Theo đó, hầu hết các điểm có nguy cơ sạt lở cao nằm dọc theo taluy các tuyến đường như QL3, tỉnh lộ 258…
Số liệu mới nhất của ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Bắc Kạn cho thấy, toàn tỉnh còn 1.359 hộ dân nằm trong vùng đe doạ của lũ quét và sạt lở núi. Để phòng tránh sự cố xảy ra, Tỉnh Bắc Kạn đang tiến hành bảy dự án di dời dân tại huyện Ngân Sơn, Ba Bể, Na Rì… với tổng số hộ phải di dời là 327 hộ.
Phó Chủ tịch UBND Tỉnh Bắc Kạn Hoàng Ngọc Đường, cho biết: “Khu Nam Đèo Gió dọc tuyến QL3 của thị trấn Nà Pặc (huyện Ngân Sơn) là vùng có 58 hộ dân đang sinh sống, trong đó có 11 hộ ở phía chân núi và bảy hộ phía lưng đèo có khả năng nguy cơ cao, nhiều vết nứt trên sườn núi đã bắt đầu nới rộng. Khu vực này còn có 36 hộ khác vẫn nằm trong diện có nguy cơ cần di dời”.
Tìm chỗ khác chứ không vào đó ở
Để phục vụ cho việc di dời dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở khu Nam Đèo Gió, ngày 20/5, UBND Tỉnh có quyết định điều chỉnh, bổ sung tổng mức đầu tư công trình từ 5.163 triệu đồng lên 5.829 triệu đồng. Tuy nhiên, có mặt tại khu vực Nam Đèo Gió mới đây mới thấy, hầu hết các hộ dân vẫn điềm nhiên sinh sống tại chính những ngôi nhà trong diện phải di dời.
Một trong nhiều ngôi nhà được xác định ở nơi dễ bị sạt lở đất |
Anh Hứa Văn Cường, ở bản Mạch, thị trấn Nà Pặc (Ngân Sơn), nói: “Được cấp 200 m2 đất nền trong khu tái định cư mới nhưng gia đình chưa vào. Sống tập trung như vậy chẳng biết làm gì. Khu tái định cư mới được xây dựng nhưng nền đất đã bị lở, sụt, thiếu nước sinh hoạt. Nếu chúng tôi có chuyển nhà thì cũng sẽ tìm chỗ khác ở chứ không vào đó”.
Cũng theo anh Cường, một số hộ dân trong bản đã đồng ý chuyển đến khu tái định cư nhưng, thực tế, họ vẫn ở lại nhà cũ, chỉ khi nào có mưa to thì mới vào khu để lánh nạn.
Tại khu vực Nam Đèo Gió, hơn chục ngôi nhà được dựng lên tạm bợ. Hầu hết không có người ở. Nhiều mảnh đất là mặt bằng được san ủi, do không được đầm, nén tốt và không có kè chắn nên đã bị xói lở.
Tìm hiểu, chúng tôi được biết, hầu hết những hộ dân thuộc diện di dời đều không muốn đến nơi ở mới do khu tái định cư heo hút, giao thông đi lại khó khăn, hạ tầng cơ sở gần như chưa có gì ngoài nền đất được san ủi.
Theo Chủ tịch UBND Huyện Ngân Sơn Đinh Quang Hiếu, toàn huyện hiện có hơn 100 hộ dân thuộc diện có nguy cơ sạt lở cao cần phải di dời khẩn cấp, trong đó khu vực Nam Đèo Gió có 57 hộ, Lũng Viềng có 27 hộ, Khuổi Coóc 9 hộ và Coóc Xả 9 hộ.
Những khu vực trên có cấu tạo địa chất mềm lún, dốc đá đã bị phong hoá nên có thể sạt lở bất cứ lúc nào. Nhiều dãy núi đã bị nứt, hở miệng. Từ năm 2007, huyện đã triển khai hai dự án di dời dân khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở là Nam Đèo Gió và Lũng Viềng nhưng đến nay tại Nam Đèo Gió vẫn còn một số hộ dân chưa di dời.
Còn tại Lũng Viềng, hiện việc san lấp mặt bằng khu tái định cư mới cơ bản đã hoàn thành nhưng dân chưa chịu đến ở. Lý do dân chưa chịu di dời chỉ là thói quen sống rải rác nên tập hợp lại rất khó khăn?