Điều dễ nhận thấy nhất trong thời gian vừa qua, là việc liên tiếp xuất hiện các thông tin bất lợi nhằm vào những ứng viên đã được điểm mặt sẽ nắm giữ những vị trí chủ chốt ở VPF. Từ hai Phó chủ tịch Lê Hùng Dũng, Phạm Ngọc Viễn, GĐĐH CLB ĐT.LA Phạm Phú Hòa, hay cả Nguyên Trưởng BTC giải, Phó chủ tịch VFF Trần Duy Ly.
Những sai lầm cũ của một số người kể trên tự nhiên bị khơi lại, như một cách đánh vào uy tín các ứng viên. Dĩ nhiên, đánh người này thì phải giới thiệu người khác, với các lập luận đưa ra có vẻ rất thuyết phục, như khả năng làm kinh tế giỏi, thực hiện nhiều biện pháp mới táo bạo.
Tự nhiên thấy rất cần nhắc lại về mục đích của VPF khi đề án thành lập Công ty cổ phần bóng đá VN được bầu Kiên đưa ra ở Hội nghị VFF với ông chủ 28 CLB.
Việc thành lập VPF, một bước ngoặt của bóng đá VN như khẳng định của Phó chủ tịch Lê Hùng Dũng, đầu tiên là hướng tới việc các giải đấu V.League, hạng Nhất được quản lý, điều hành công bằng hơn, đem lại cho người hâm mộ những trận đấu trung thực, hấp dẫn.
Người hâm mộ đến sân để xem bóng đá chứ không phải đi xem kịch. Chấp nhận rằng tài chính là yếu tố đóng vai trò quan trọng trong quá trình làm bóng đá chuyên nghiệp, nhưng chắc chắn đấy không phải mục tiêu hàng đầu khi VPF được thành lập.
Tin rằng cũng không có người hâm mộ nào lại quan tâm đến việc mỗi năm VPF lời bao nhiêu tiền, các CLB được chia phần bao nhiêu...
Với những diễn biến trong quá trình vận động thành lập VPF vừa qua, có thể thấy rõ sự giám sát từ ngành thể thao là cần thiết, ít nhất trong giai đoạn hiện nay để tránh công ty bị chia rẽ bởi các lợi ích nhóm.
VPF ra đời, trước hết phải vì bóng đá VN chứ không thể được nhìn như chú gà đẻ trứng vàng, để ai cũng muốn được chia phần.