Công Ty Cổ phần Thương mại xuất nhập khẩu Dũng Thái Sơn:

Chất lượng quyết định thành công

0:00 / 0:00
0:00
TP - “Sầu riêng Đắk Lắk nói riêng và sầu riêng của Việt Nam nói chung là những sản phẩm chất lượng, được làm nên bởi những người nông dân chất phác, cần cù lao động, rất sáng tạo và đầy khát vọng chinh phục thị trường quốc tế”. Khẳng định của doanh nhân Vũ Ngọc Huy, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại xuất nhập khẩu Dũng Thái Sơn.

Xây dựng thương hiệu

Công ty Cổ phần Thương mại xuất nhập khẩu Dũng Thái Sơn được thành lập từ tháng 9 năm 2020. Đến nay, doanh nghiệp này là một trong những đơn vị đi đầu của tỉnh Đắk Lắk trong việc tổ chức, triển khai liên kết sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap. Công ty đã thiết lập hồ sơ đăng ký mã vùng trồng do Cục Bảo vệ thực vật Việt Nam cấp từ năm 2020. Doanh nghiệp đã có 33 mã vùng trồng được cấp giấy chứng nhận được phép xuất khẩu sang Trung Quốc. Vừa qua, Công ty Cổ phần Thương mại xuất nhập khẩu Dũng Thái Sơn là một trong 5 doanh nghiệp có lô hàng sầu riêng đầu tiên được cấp phép xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Ông Vũ Ngọc Huy, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ Phần Thương mại xuất nhập khẩu Dũng Thái Sơn cho biết, sau nhiều năm chuẩn bị, công ty đã thành công khi được phía đối tác ở Trung Quốc đánh giá cao về chất lượng quả sầu riêng.

Chất lượng quyết định thành công  ảnh 1

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cùng đoàn công tác kiểm tra cơ sở thu mua, đóng gói của Công ty Cổ phần Thương mại xuất nhập khẩu Dũng Thái Sơn

Anh Huy nhận thấy nếu sầu riêng Việt Nam vẫn duy trì cách làm cũ, xuất khẩu sẽ rất khó cạnh tranh với hàng các nước. Anh phải nghiên cứu, hoàn thiện dần các khâu để trái sầu riêng của Việt Nam được nâng cao giá trị. “Chúng tôi quán triệt người nông dân, quá trình canh tác cây sầu riêng phải ghi chép vào nhật ký sản xuất. Việc quản lý tất cả sinh vật gây hại trên sầu riêng, các loại bệnh, thời gian cách ly thuốc, biện pháp sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, việc kiểm dịch thực vật phải đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng chống Covid-19… theo quy định của Trung Quốc”, Huy nhắc lại quy định của công ty.

“Muốn xuất khẩu sầu riêng bền vững, doanh nghiệp cần phải làm đúng quy định, kiểm soát chất lượng, dư lượng hóa chất của sầu riêng, bao bì, nhãn mác…”.

Ông Vũ Ngọc Huy, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại xuất nhập khẩu Dũng Thái Sơn

Đến nay, Công ty Cổ phần Thương mại xuất nhập khẩu Dũng Thái Sơn đầu tư 17 nhà xưởng thu mua, đóng gói sản xuất tại Đắk Lắk và Tiền Giang với quy mô hơn 200 công nhân. Sản lượng sầu riêng chế biến xuất khẩu duy trì khoảng 50 tấn/ngày. Doanh nghiệp đang có kế hoạch mở rộng mã vùng trồng, quy mô chế biến với mục tiêu có nguồn sầu riêng xuất khẩu quanh năm chứ không chỉ làm theo mùa vụ như hiện nay.

Hợp tác để phát triển

Người tiêu dùng ở nước ngoài ngày càng yêu cầu khắt khe về chất lượng đối với trái sầu riêng “Người nông dân, doanh nghiệp xuất khẩu và cơ quan chức năng cần hỗ trợ nhau. Trái sầu riêng hay bất kỳ một loại nông sản nào khác muốn tạo thị trường bền vững, thì mọi cá nhân trong chuỗi giá trị nông sản cần phải hợp tác để cùng đi xa”, Huy chia sẻ.

Công ty Cổ phần Thương mại xuất nhập khẩu Dũng Thái Sơn thường xuyên có những buổi trò chuyện với các doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng trên cả nước để hỗ nhau những khâu còn thiếu sót. Các doanh nghiệp thống nhất quan điểm đưa thương hiệu sầu riêng Việt Nam trở nên nổi bật trên thị trường quốc tế. Anh Huy khẳng định, để xây dựng được thương hiệu sầu riêng Việt Nam, yếu tố then chốt chính là tạo dựng từ niềm tin của người tiêu dùng, và niềm tin ấy phải được kiểm nghiệm xuyên suốt thời gian dài.

MỚI - NÓNG