'Cháo làng' xuất ngoại

0:00 / 0:00
0:00
TP - “Thuận ơi! Có cách nào ship giùm anh tô cháo bột cá lóc được không? Vợ anh đang có bầu, thèm điên cuồng mà giờ không biết làm sao cả”.

Cuộc gọi của vị khách đồng hương như lời cầu khẩn giữa bão dịch ở TPHCM năm 2021, khi cả thành phố đang giãn cách khiến Nguyễn Đức Nhật Thuận (32 tuổi, quê huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) vừa xót xa, vừa day dứt. Hàng ngàn gói cháo bột cá lóc từ vùng quê nghèo xứ gió Lào cát trắng ra đời từ đấy…

Từ “giải cơn thèm” cho đồng hương...

Năm 2009, Thuận vào TPHCM học đại học. Sau 3 năm đi làm, chàng trai vùng đất lửa chuyển hướng sang mở một quán ăn chuyên các món ngon của Quảng Trị với cái tên Cà Mèn. Ban đầu quán chỉ kê mấy bộ bàn ghế, nằm trong con hẻm nhỏ ở quận Tân Phú. Dần dần đông khách, quán chuyển qua quận Phú Nhuận, khang trang và gần trung tâm hơn. Quán bán từ cơm, tới bánh lọc, bánh ướt, cháo bò…đặc trưng của Quảng Trị. Nhưng hút khách nhất vẫn là món cháo bột cá lóc, hay còn gọi là bánh canh cá lóc của vùng quê Hải Lăng. Tất cả nguyên liệu cũng như cách nấu nướng đều bê nguyên từ miền đất cằn khô vào. “Những người con Quảng Trị sống xa quê hầu như ai cũng thèm món ăn như vị mạ (mẹ) nấu, nhất là cháo bột cá lóc. Bởi nó có mùi nồng thơm của nén, ớt tiêu cay xé lưỡi, cá lóc ngọt, sợi bột dai không nơi nào có được. Cũng rất đông khách hàng là người nơi khác, nghe món cháo bột trứ danh cũng tìm tới quán”, Thuận nói.

Cháo bột cá lóc, ở Quảng Trị còn gọi với cái tên khác là cháo vạt giường. Bởi sợi bột thẳng, dài trông như cái vạt giường. Nấu món này đòi hỏi sự kỳ công, chỉn chu. Cá lóc đồng, làm sạch, ướp thấm với các gia vị khử tanh như nén, tiêu. Nén được phi thơm trên đầu lửa mạnh rồi cho cá vào um thật lâu để thấm gia vị mới cho vào nồi nước dùng. Khi nước sôi, cho bột vào, canh chừng để sợi bột không nát. Cháo bột thường kết đôi với lá nén, phải phủ lá nén xanh ngập tô, thêm ớt phi, mắm ớt nữa ăn mới đúng bài.

Quán đang buôn bán thuận lợi thì dịch ập đến, cả thành phố tê liệt vì giãn cách, phong tỏa. Thuận nhớ lại lúc đó tầm tháng 8/2021, anh nhận được cuộc gọi từ vị khách đồng hương:“Thuận ơi! Có cách nào ship giùm anh tô cháo bột cá lóc được không? Vợ anh đang có bầu, thèm điên cuồng mà giờ không biết làm sao cả”. Những đêm liền sau đó, Thuận trằn trọc nghĩ ngay giữa lòng thành phố, mỗi lần thèm mà quay quắt đến vậy, huống hồ ở nước ngoài, kiếm đâu ra? Thế là Thuận quyết tâm phải đóng gói món cháo bột cá lóc, trước để “giải cơn thèm” cho những người con Quảng Trị sống xa nhà, sau là “tham vọng” quảng bá quê hương đến với bạn bè khắp năm châu.

“Cà mèn là vật dụng quen thuộc với hầu hết các gia đình ở quê. Ngày xưa Thuận thường bới cơm bằng cà mèn ra đồng cho ba mẹ. Từ lúc đi học xa nhà, Thuận ước mơ có thể dùng cà mèn để mang món ăn Quảng Trị vào thành phố. Đó là lý do Thuận lấy Cà Mèn làm tên quán cũng như tên thương hiệu gói cháo bột cá lóc đầy tâm huyết của mình”

Thuận trải lòng

Nghĩ là làm, Thuận cùng đội ngũ nhân viên tìm tòi, học hỏi cách đóng gói, đảm bảo an toàn thực phẩm, tiếp cận khách hàng… Mặc dù vẫn biết mì gói, phở gói, hủ tiếu gói…đã chiếm lĩnh thị trường, đem cháo bột đương đầu sẽ lắm gian truân. Nhưng với Thuận, khó không có nghĩa là không có cơ hội. Đến tháng 6 năm nay, gói cháo bột cá lóc đã trình làng. Gói cháo đẹp mắt, to hơn gói mì tôm, bên trong gồm gói bột gạo hút chân không, gói rau hành, gói nước sốt và gói cá lóc đồng nguyên miếng đã được nêm nếm gia vị nấu chín. Cháo bột cá lóc đóng gói được sử dụng trong thời hạn 90 ngày, với điều kiện bảo quản cấp đông.

'Cháo làng' xuất ngoại ảnh 1

Cháo bột đóng gói theo chân thực khách “check-in” ở nhiều nước trên thế giới

Ngay khi bung ra thị trường, những khách hàng đồng hương mừng chảy nước mắt vì sự tiện lợi và hương vị cũng chẳng khác tô cháo ăn trực tiếp tại quán là mấy. Vượt cả kỳ vọng, tiếng thơm của cháo bột cá lóc đóng gói còn hấp dẫn cả những khách hàng không gốc gác Quảng Trị. Đến nay, đã có hàng chục ngàn gói cháo đến tay khách hàng. Chị Lê Nữ Yên Thường (28 tuổi, một người dân Quảng Trị sinh sống ở Quảng Ngãi) chia sẻ: “Thật sự rất mừng vì bây giờ sống ở đâu cũng có thể ăn cháo bột cá lóc quê nhà. Hương vị gói cháo bột ngon như nấu ăn liền. Từ khi biết đặc sản quê hương đã đóng gói, tôi thường xuyên mua để sẵn trong nhà, cứ thèm là ăn, quá tiện lợi!”.

Đến sang Nhật Bản, Singapore…

Cũng có người băn khoăn, tại sao lại chọn tên cháo bột cá lóc mà không phải bánh canh cá lóc cho phổ thông hơn? Thuận lý giải, ngoài mục tiêu kinh doanh kiếm lợi nhuận, anh khát khao quảng bá món ngon, đặc sản của quê hương Quảng Trị nên luôn cố gắng làm sao để giữ được những giá trị truyền thống.

Hình ảnh gói cháo bột đặc trưng của Quảng Trị bỗng “viral” trong các hội nhóm đồng hương, kiều bào…Những người ở Úc, Mỹ, Anh…xa xôi thấy gói cháo bột tiện lợi đã liên tục tìm cách gửi sang. Với họ, còn gì hơn khi được thưởng thức món ngon quê nhà sau bao năm xa xứ. Sản phẩm hiện đã đến với thị trường nước ngoài, chủ yếu qua con đường tiểu ngạch. Ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore… cháo bột cá lóc đã có mặt trong các đại lý bán lẻ. Mục tiêu của anh là có thể xuất khẩu cháo bột cá lóc qua những thị trường lớn, có nhiều kiều bào Việt Nam sinh sống. “Nhớ có lần một cô khách ở Mỹ nhờ người mua mang sang. Nửa đêm cô gọi về cho mình bảo đang nấu cháo, rồi khóc vì quá nhớ mạ. Ba mạ cô mất lâu rồi nhưng hôm nay được ngửi lại hương vị này, mùi ném, mùi ớt, tiêu, thực sự không kìm được cảm xúc. Đó chính là giá trị mà mình hằng mong ước”, anh Thuận tâm tình.

'Cháo làng' xuất ngoại ảnh 2

Đóng gói cháo bột là sản phẩm đầy tâm huyết của chàng trai quê hương Quảng Trị

Sau nhiều tháng cháo bột đóng gói có mặt trên thị trường, nhận được nhiều đánh giá, góp ý cũng như khích lệ, anh Thuận tiếp tục cho ra phiên bản cháo bột cá lóc không cay, để mọi đối tượng khách hàng từ trẻ em đến người già đều có thể thưởng thức. “Mình cũng đang lên kế hoạch để một ngày sớm nhất có thể về Quảng Trị mở nhà máy sản xuất, không chỉ cháo bột cá lóc mà còn nhiều món đặc sản của quê hương”, anh dự định.

MỚI - NÓNG