Chàng trai tự gửi mình về nhà bằng thùng hàng

0:00 / 0:00
0:00
Brian Robson khập khiễng trở về London sau khi bị FBI thẩm vấn
Brian Robson khập khiễng trở về London sau khi bị FBI thẩm vấn
Năm 1965, không thể chi trả vé máy bay, Brian Robson tự chui vào một thùng hàng để bỏ trốn về Wales. Gần 60 năm sau, ông muốn tìm hai người đàn ông đã đóng đinh thùng hàng giúp mình để nói lời cảm ơn.

Brian Robson, 75 tuổi từ thủ đô Cardiff, đang nhờ công chúng giúp ông tìm hai người đàn ông Ireland đã giúp ông trở về nhà năm 1965 bằng cách đóng gói ông vào một thùng hàng và gửi qua đường bưu điện.

Chàng trai tự gửi mình về nhà bằng thùng hàng ảnh 1

Brian Robson trong một cuộc phỏng vấn gần đây

Từng là một thanh niên 19 tuổi làm việc cho công ty đường sắt Victorian, một hôm Robson cảm thấy nhớ nhà da diết. Nhưng vé máy bay hồi đó có giá 700 Euro (khoảng 19,2 triệu VND) và Robson chỉ làm ra có 40 Euro (1 triệu VND) một tháng. Vì thế, ông đã nảy ra một ý tưởng “điên rồ”, đó là mua một thùng gỗ nhỏ và tự gửi mình đi như hàng hóa. Robson cho biết “trải nghiệm kinh hoàng” ấy kéo dài bốn ngày, và trong khoảng thời gian đó ông nhiều lúc bị đặt lật ngược.

Gần 60 năm sau, Robson muốn liên lạc lại với hai người đàn ông, mà ông chỉ biết có tên là Paul và John, để cảm ơn họ và mời họ một ly.

“Tôi chắc đến 99% họ tên là Paul và John”, ông nói. “Paul rất phản đối chuyện này… nhưng John nói là “Đừng lo, tôi sẽ thuyết phục anh ta”. Và thế là cả hai người họ giúp tôi”.

Robson mua một cái thùng có kích cỡ “như một tủ lạnh mini” và cho vào đó gối, một chiếc vali, một cái đèn pin và hai chai nước – một để uống và một để đi vệ sinh. Những người bạn ông đóng đinh nó thật chặt, khai Robson là “một cái máy tính” rồi cho lên một chuyến bay từ Melbourne tới London.

Nhưng rồi kế hoạch của họ gặp sự cố. Chuyến bay đó hết chỗ, nên Robson được chuyển tới một máy bay khác đưa ông tới Los Angeles.

Tại sân bay, Robson bật đèn pin lên, thu hút thành công sự chú ý của một nhân viên, người này đã nhòm vào cái lỗ ở bên thùng. Lúc đó, ông đã quá kiệt sức và thiếu nước để có thể nói hay cử động. Ông chỉ nghe được tiếng náo loạn bên ngoài vì mọi người tưởng ông đã chết.

“Chỉ trong thời gian rất ngắn, khoảng 20-40 người đã xuất hiện, trong đó có FBI, CIA – chao ôi, tất cả mọi người”.

Sau khi các nhà chức trách Mỹ tuyên bố Robson không phải một mối nguy hại, ông được thả về nhà. Hãng hàng không Pan American Airlines đã cho ông ngồi vé hạng nhất.

“Người Mỹ, FBI, CIA, và mọi thứ khác, đều tuyệt vời. Tôi đã đem lòng yêu nước Mỹ bởi vì tôi chưa bao giờ được đối xử tốt như vậy”, ông nói. “Mọi người ở đó đều chăm lo cho tôi. Họ nghĩ đây chỉ là một thằng nhóc ngớ ngẩn tự tìm đến rắc rối”.

Hành trình kì lạ của ông trở thành hiện tượng hồi bấy giờ, nhưng Robson không bao giờ nhắc đến hai người bạn vì ông sợ họ sẽ bị bắt. Theo ông, hai chàng trai trẻ ấy đã không hề biết việc họ làm là bất hợp pháp.

Giờ quyển sách của ông kể lại sự kiện này - “Bỏ trốn bằng thùng” – sẽ xuất bản tháng tới, ông hy vọng có thể tìm lại được họ.

“Dù chỉ trong khoảng ba tháng, nhưng chúng tôi đã là bạn tốt. Chúng tôi từng gặp nhau mỗi tối và nói về những chuyện xưa và về việc chúng tôi đều muốn rời Úc như thế nào”.

“Gặp lại họ sẽ làm tôi rất vui”.

MỚI - NÓNG