Biến ý tưởng thành hiện thực
Dẫn tôi đi quanh một vòng cơ sở sản xuất, chàng trai sinh năm 1990 này kể: Anh tốt nghiệp ĐH Kinh tế Quốc dân năm 2016. Không giống như bạn bè tìm cách bám trụ ở Thủ đô, anh khăn gói về quê với mong muốn khởi nghiệp ở chính nơi mình sinh ra để có thể mang lại một điều gì đó cho quê hương. Trở về địa phương, với những nỗ lực hoạt động trong công tác Đoàn- Hội, anh được bầu làm Bí thư Đoàn phường Xương Giang.
Cơ duyên đưa chàng cử nhân Nguyễn Văn Tiến đến với mô hình sản xuất rau mầm an toàn bắt nguồn từ việc anh tham dự và đạt giải Nhì (không có giải nhất) cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp trong nông nghiệp” do Đoàn thanh niên tỉnh Bắc Giang tổ chức vào năm 2016.
Ngay sau đó, Tiến bắt tay vào thực hiện ý tưởng. Trong quá trình khởi nghiệp từ nông nghiệp sạch, anh đã nhận được sự hỗ trợ tích cực từ tỉnh và Thành Đoàn Bắc Giang về hoạt động truyền thông, hỗ trợ vay vốn với số tiền 150 triệu đồng và tham gia các sự kiện giới thiệu sản phẩm.
Ngay từ đầu, Tiến đã xác định sản phẩm rau mần của mình phải là “đặc sản” đối với khách hàng. Loại rau anh trồng áp dụng quy tắc 5 không: không sử dụng thuốc trừ sâu, không sử dụng nước bẩn (dùng nước máy), không sử dụng đất (dùng sơ dừa sạch), không sử dụng hóa chất bảo quản, không sử dụng phân bón hóa học.
Doanh thu hơn 1 tỷ đồng/năm
Mọi thứ với chàng Bí thư Đoàn Nguyễn Văn Tiến không hề dễ dàng. Những ngày đầu, anh gặp không ít khó khăn, thách thức khi chưa có nhiều kiến thức thực tế và kinh nghiệm, trồng rau chết hàng loạt.Không bỏ cuộc, chàng trai trẻ tìm đến các cơ sở sản xuất rau mầm ở Hà Nội và các tỉnh khác để học hỏi. Rồi anh lại phải lo khâu tiêu thụ khi đã làm ra sản phẩm ưng ý. “Tôi phải gõ cửa từng nhà hàng ở thành phố Bắc Giang đưa sản phẩm để dùng thử miễn phí. Cứ thế dần dần, các nhà hàng, khách sạn tin tưởng và đơn đặt hàng anh nhận được ngày càng nhiều”, Tiến nhớ lại.
Hiện, sản phẩm rau mầm của Tiến đã có “thương hiệu” tại tỉnh Bắc Giang. Anh đã ký kết hợp đồng dài hạn và thường xuyên với nhiều nhà hàng, khách sạn, trường học và nhá máy ở trong tỉnh. Khi cung không đáp ứng được cầu, anh quyết định xây dựng thêm cơ sở 2 với các tiêu chuẩn trồng rau khắt khe hơn.
Ngoài bán rau mầm, anh còn mở rộng loại hình kinh doanh. Anh nhận cung cấp nguyên liệu và thiết kế mô hình trồng rau mầm sạch cho hộ gia đình. Mảng kinh doanh này của anh nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân. Trung bình, mỗi tháng, anh nhận làm hơn 10 mô hình trồng rau mầm có quy mô lớn nhỏ khác nhau cho các hộ gia đình trong thành phố Bắc Giang và các huyện lân cận.
Theo nhẩm tính của chàng cử nhân kinh tế, năm 2018 anh thu về tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng/năm từ các hoạt động kinh doanh rau mầm. Hai cơ sở của anh còn giải quyết việc làm ổn định cho 3 lao động địa phương. Tiến cho biết, thời gian tới sẽ trồng thử nghiệm các loại rau an toàn bằng phương pháp thủy canh để khách hàng có thêm nhiều sự lựa chọn.
Theo nhẩm tính của chàng cử nhân kinh tế, năm 2018 anh thu về tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng/năm từ các hoạt động kinh doanh rau mầm. Hai cơ sở của anh còn giải quyết việc làm ổn định cho 3 lao động địa phương.