Cody Gakpo, Jamal Musiala, Georges Mikautadze và Ivan Schranz đang là những cầu thủ ghi bàn nhiều nhất tại EURO 2024 với 3 bàn cho mỗi người. Trong số này, Mikautadze và Schranz đã rời cuộc chơi cùng Georgia và Slovakia.
Như vậy hai cái tên đầu tiên sẽ cạnh tranh với 7 người khác đã ghi được 2 bàn (ngoại trừ Razvan Marin vì Romania đã dừng bước) để giành lấy Chiếc giày Vàng. Cuộc đua đang rất mở bởi khoảng cách không lớn và vẫn còn tối đa 3 trận nữa.
Antoine Griezmann (Pháp) ăn mừng sau pha phản lưới của Jan Vertonghen (Bỉ). Ảnh: Getty Images |
Tuy nhiên đến thời điểm này, có thể khẳng định khó ai vượt qua được số bàn đã ghi bởi cầu thủ mang tên “phản lưới”. Thật đáng kinh ngạc, trong số 100 bàn sau 44 trận có tới 9 là phản lưới nhà, nhiều gấp 3 lần số bàn được ghi bởi một cầu thủ thực thụ. Mặc dù giải đấu vẫn còn 9 ngày nữa mới hạ màn, nhưng con số hiện tại đã bằng với tổng số bàn ghi vào lưới nhà của 15 kỳ đầu tiên (từ 1960 đến 2016).
Lưu ý rằng cho đến tận kỳ thứ 5 (1976) mới xuất hiện tội đồ đầu tiên, là đội trưởng Tiệp Khắc (cũ) Anton Ondrus trong trận bán kết gặp Hà Lan. Và trong 15 kỳ kéo dài 56 năm ấy, bình quân cứ 30 trận mới có một bàn phản lưới. Riêng EURO 2024, sau mỗi 4,8 trận người hâm mộ lại chứng kiến một pha đưa bóng về lưới đội nhà.
Thật ra không phải đợi đến giải lần này, từ EURO 2020 đã có sự gia tăng đột biến về bàn phản lưới. Ở giải đấu xuyên châu Âu diễn ra cách đây 3 năm đã thiết lập kỷ lục 11 bàn phản lưới. Với 7 trận còn lại, EURO 2024 hoàn toàn có thể xô đổ cột mốc này.
Vậy tại sao xu hướng phản lưới nhà lại trở nên phổ biến ở EURO trong 2 kỳ trở lại đây (tổng 20 bàn, chiếm 68,9% trong toàn bộ lịch sử giải đấu)? Lý do đầu tiên đến từ sự điều chỉnh về luật, được khởi xướng bởi cựu Chủ tịch UEFA Michel Platini vào năm 2008.
Những tình huống chạm người khiến bóng đổi hướng, từ không hướng về cầu môn thành đi vào lưới, sẽ được tính là phản lưới nhà. Các quy định chặt chẽ hơn, và ít thiên vị các tiền đạo hơn, đã tạo nên nhiều “tội đồ” hơn.
Một nguyên nhân khác đến từ phong cách phản công đang rất được ưa chuộng, đồng thời các đội bóng cũng sẽ lùi rất sâu khi mất bóng. Trong số 9 bàn phản lưới, có tới 8 đến từ các pha phản kích, và hầu hết là những cú sút được thực hiện trong bối cảnh hàng thủ đông đúc.
Trận đấu giữa Bỉ và Pháp, đã có 8 cầu thủ Bỉ hiện diện trong khu cấm địa khi Jan Vertonghen đưa bóng về lưới nhà. Tương tự, Riccardo Calafiori là một trong 10 cầu thủ Italia đứng trong vòng cấm, sau đó gây ra bàn thua ở trận đấu với Tây Ban Nha. Kỳ này các cầu thủ rất tích cực sút xa, bất chấp đông đảo vật cản trước mặt. Trong trường hợp đen đủi, bất cứ ai cũng trở thành tác nhân khiến bóng bay vào lưới.
Một chi tiết cũng không thể bỏ qua chính là sức nóng trên các khán đài. Trái với một số màn trình diễn nhàm chán dưới sân, người hâm mộ ở EURO 2024 vẫn hết sức cuồng nhiệt và tạo nên tiếng ồn không thể tin được. Điều này gây ra sức ép rất lớn cho các cầu thủ, khiến những người vốn đã mệt mỏi sau mùa bóng dài, dễ mất tập trung. Thế nên mới có chuyện hậu vệ Semet Akaydin của Thổ Nhĩ Kỳ chuyền về không quan sát, đưa bóng thẳng vào lưới nhà ở trận thua Bồ Đào Nha.
“Sai lầm rất phổ biến trong bóng đá, chỉ không may khi nó xảy ra với chúng tôi. Nhưng lần tới có thể rơi vào đối thủ”, HLV Vincenzo Montella của Thổ Nhĩ Kỳ phân bua. Những lời này cũng nhấn mạnh sự may rủi luôn thường trực trong bóng đá. Và “cầu thủ phản lưới” sẽ còn cất tiếng ở phần cuối của EURO 2024 khi mức độ khốc liệt, tính căng thẳng được đẩy lên tận cùng giới hạn.
Pháp và Bồ Đào Nha đang là hai đội hưởng lợi nhiều nhất EURO 2024, khi mỗi đội có 2 bàn từ các tình huống đối phương phản lưới. Tại kỳ trước, Tây Ban Nha may mắn nhất với 3 lần đối thủ tự đưa bóng về lưới nhà.