Chữa bệnh háo danh của người nổi tiếng-Bài cuối:

Chấn chỉnh bằng chế tài, tạo môi trường nghệ thuật lành mạnh

0:00 / 0:00
0:00
TP - Báo Tiền Phong thực hiện loạt bài “Chữa bệnh háo danh của người nổi tiếng” nêu bật hiện trạng một bộ phận nghệ sĩ, người nổi tiếng có sức ảnh hưởng nhưng có phát ngôn, hành vi lệch chuẩn thậm chí đến mức “ngáo” danh, “ngáo” quyền lực. PGS.TS. Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội trao đổi với Tiền Phong về những đề xuất để chấn chỉnh hoạt động lệch chuẩn của nghệ sĩ, đồng thời kiến tạo môi trường nghệ thuật lành mạnh để đội ngũ văn nghệ sĩ sáng tạo, phát triển.

Ông đánh giá thế nào về vai trò của đội ngũ văn nghệ sĩ trong sự nghiệp phát triển văn hóa, đặc biệt là chủ trương đẩy mạnh công nghiệp văn hóa?

Trong sự nghiệp cách mạng đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng và Nhà nước luôn nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của văn hóa. Trong đó, văn học nghệ thuật được xem là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hoá, là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam. Đội ngũ văn nghệ sĩ là lực lượng nòng cốt trực tiếp tạo nên nền văn học nghệ thuật cách mạng của dân tộc trong thời kỳ mới.

Chấn chỉnh bằng chế tài, tạo môi trường nghệ thuật lành mạnh ảnh 1

Nhiều thế hệ văn nghệ sĩ kế thừa truyền thống tốt đẹp để sáng tạo, cống hiến cho nghệ thuật và công chúng

Trải qua muôn vàn gian khổ, trong mỗi thời kỳ cách mạng, đội ngũ văn nghệ sĩ luôn là lực lượng tin cậy, trung thành của đất nước, của Đảng và Nhân dân, có lòng yêu nước nồng nàn, tự hào dân tộc, tâm huyết với nghề nghiệp, xứng đáng với danh hiệu cao quý “nghệ sĩ - chiến sĩ” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành tặng: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”.

Bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Đảng và Nhà nước luôn nhấn mạnh quan điểm xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là “nền tảng tinh thần”, “động lực phát triển”, “soi đường cho quốc dân đi”. Đội ngũ văn nghệ sĩ thông qua sáng tạo nội dung và tạo giá trị tinh thần mới, từ âm nhạc, điện ảnh, sân khấu, truyền hình, hội họa, thời trang… cho đến các sản phẩm liên quan đến nghệ thuật đóng góp lớn vào việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của đất nước, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp văn hóa nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội nói chung.

Trong nhiều Nghị quyết, chính sách về phát triển văn hóa, Đảng và Nhà nước xác định con người là yếu tố đóng vai trò quan trọng để phát triển văn hóa, trong đó hướng tới “xây dựng con người có nhân cách”, xây dựng “môi trường văn hóa lành mạnh”. Vậy theo ông, nghệ sĩ - những người có tầm ảnh hưởng trong xã hội - có cần sửa mình, theo đuổi những tiêu chí, chuẩn mực cụ thể nào không?

Chấn chỉnh bằng chế tài, tạo môi trường nghệ thuật lành mạnh ảnh 2

“Văn nghệ sĩ cần đóng vai trò làm gương trong việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh bằng cách truyền cảm hứng, tạo ra những tác phẩm tích cực và thúc đẩy giá trị đạo đức. Văn nghệ sĩ nên đầu tư cho chất lượng và tính sáng tạo trong tác phẩm để đem lại tác phẩm đáng giá cho công chúng, xây dựng uy tín, thương hiệu cho nền nghệ thuật Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế”.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội - PGS.TS. Nguyễn Đắc Vinh

Như tôi đã nói, Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm đến vai trò của văn nghệ sĩ đến xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong Thư gửi các họa sĩ nhân dịp triển lãm hội họa 1951, đặt vấn đề về phẩm chất đối với văn nghệ sĩ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Cũng như các chiến sĩ khác, chiến sĩ nghệ thuật có nhiệm vụ nhất định, tức là phụng sự kháng chiến, phụng sự Tổ quốc, phụng sự Nhân dân”. Trong tư tưởng Người, nghệ sĩ - chiến sĩ có lý tưởng cách mạng đúng đắn, trong sáng về đạo đức, cao đẹp về tâm hồn và có tài năng nghệ thuật xuất sắc để dẫn dắt tinh thần dân tộc, hướng đến các giá trị cao đẹp góp phần thực hiện chức năng thẩm mỹ của văn hóa văn nghệ.

Chấn chỉnh bằng chế tài, tạo môi trường nghệ thuật lành mạnh ảnh 3

Hai đạo diễn trẻ Phạm Thiên Ân (trái) và Hà Lệ Diễm vừa đạt giải thưởng lớn tại các liên hoan điện ảnh quốc tế tầm cỡ

Tư tưởng ấy được Đảng, Nhà nước ta thể chế hóa bằng nhiều chính sách cụ thể, khẳng định sự quan tâm để đội ngũ văn nghệ sĩ trở thành những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, tư tưởng, giúp bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng sức mạnh của văn hóa, như trong Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong tình hình mới, Nghị quyết 33-NQ/TW của Ban Chấp hành T.Ư về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Từ vị trí, vai trò, tầm ảnh hưởng đặc biệt và sự kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân vào đội ngũ văn nghệ sĩ, tôi nghĩ rằng, văn nghệ sĩ cần phải có một số tiêu chí và chuẩn mực nhất định. Văn nghệ sĩ cần tuân thủ các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp, như tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... trong tác phẩm, luôn thể hiện trách nhiệm xã hội, góp phần vào việc nâng cao nhận thức và tính thiện trong cộng đồng.

Văn nghệ sĩ cần đóng vai trò tích cực, mang tính làm gương trong việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh bằng cách truyền cảm hứng, tạo ra những tác phẩm tích cực và thúc đẩy giá trị đạo đức. Văn nghệ sĩ nên đầu tư cho chất lượng và tính sáng tạo trong tác phẩm để đem lại những tác phẩm đáng giá cho công chúng, xây dựng uy tín, thương hiệu cho nền nghệ thuật Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay.

Thực tế, Bộ quy tắc ứng xử do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) ban hành bước đầu đưa ra những khuyến cáo để chấn chỉnh các hoạt động của người làm nghệ thuật, tuy nhiên lại thiếu chế tài xử lý trường hợp vi phạm. Cơ quan quản lý có nên tính đến những chính sách, hình thức điều tiết hành vi, ứng xử của nghệ sĩ mạnh mẽ hơn không thưa ông?

Qua các giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cũng như lắng nghe ý kiến của cử tri cả nước, tôi nhận thấy rằng các bộ, ngành rất nỗ lực trong việc đảm bảo hoạt động của văn nghệ sĩ đúng chuẩn mực về pháp luật, như việc Bộ VHTTDL tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định 144/2020/NĐ-CP quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn, Bộ VHTTDL ban hành Bộ quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng...

Tuy nhiên, các bộ quy tắc ứng xử có tính chế tài chưa cao, nhiều hành vi lệch chuẩn, không phù hợp trên mạng xã hội dù nhận được rất nhiều chê trách, phản ứng từ phía dư luận xã hội, nhưng vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Vì thế, tôi nghĩ rằng, chúng ta cần tiếp tục hoàn thiện chính sách, quy định pháp luật chặt chẽ hơn để điều tiết hành vi, ứng xử của nghệ sĩ.

Chương trình phối hợp liên bộ giữa Bộ VHTTDL và Bộ TT&TT đang xây dựng thể hiện rõ tính nghiêm minh của pháp luật. Tuy nhiên, do đây là một lĩnh vực đặc biệt “tinh tế”, sự quản lý đối với văn hóa nghệ thuật và nghệ sĩ luôn cần đề cao tính giáo dục, sự nhân văn, hài hòa nhằm nâng cao nhận thức của văn nghệ sĩ về trách nhiệm xã hội và đạo đức đối với công chúng và với đất nước.

Nhiều nghệ sĩ đang khó khăn để sống được bằng nghề, cho nên họ sẽ phải mưu sinh bằng những thứ ngoài nghệ thuật. Ông đánh giá như thế nào về những chính sách đãi ngộ, khuyến khích sự sáng tạo của nghệ sĩ? Làm thế nào để chính sách thực sự khuyến khích nghệ sĩ sáng tạo, tạo ra sản phẩm chất lượng đỉnh cao?

Quốc hội và Chính phủ rất nỗ lực trong việc thể chế hóa, cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng về văn hóa nói chung và trong chính sách đãi ngộ, khuyến khích sự sáng tạo của nghệ sĩ. Những nỗ lực này giúp cải thiện đời sống văn nghệ sĩ, tạo điều kiện phát triển nền văn học nghệ thuật nước ta đa dạng, phong phú, đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Tuy nhiên, để văn nghệ sĩ có thể toàn tâm, toàn ý cống hiến cho nghệ thuật, góp phần phát triển bền vững đất nước, tôi nghĩ rằng, chúng ta cần quan tâm nhiều hơn đến các chính sách đãi ngộ, khuyến khích sự sáng tạo của văn nghệ sĩ.

Theo ý kiến của nhiều nhà quản lý, chuyên gia tại Hội thảo Văn hóa năm 2022 thống nhất rằng, trong các loại nguồn lực phát triển văn hóa, nguồn lực con người có ý nghĩa quan trọng nhất, là trung tâm của quá trình phát triển văn hóa. Phát triển nguồn nhân lực văn hóa là “khâu đột phá” trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Việc hoàn thiện đồng bộ hệ thống chính sách nhằm tạo ra các đột phá để phát triển nguồn nhân lực văn hóa, nghệ thuật cả về chất lượng, số lượng, với cơ cấu hợp lý là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng.

Chính vì thế, cần sớm xây dựng chiến lược và cơ chế, chính sách đầu tư để phát triển toàn diện cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa, nhất là văn học nghệ thuật, các ngành công nghiệp văn hóa, kết hợp đào tạo trong nước và ngoài nước. Có chính sách đặc thù đầu tư phát triển các ngành đào tạo trong lĩnh vực văn hóa, nhất là những môn nghệ thuật truyền thống như: kịch hát dân tộc, tuồng, chèo, cải lương, dân ca các dân tộc ít người... Bảo đảm cơ chế, chính sách thuận lợi cho hợp tác đào tạo trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Bổ sung, hoàn thiện chính sách sử dụng, đãi ngộ, tôn vinh một cách xứng đáng cả về vật chất và tinh thần đối với cống hiến thực tế của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, nghệ nhân, cán bộ ngành văn hóa.

Điều quan trọng nhất, chúng ta cần tạo môi trường thuận lợi cho các văn nghệ sĩ cống hiến nhiều hơn cho đất nước, hình thành nên bản lĩnh và sự tự tin dân tộc trong kỷ nguyên mà văn hóa có vai trò quan trọng trong việc khơi dậy khát vọng phát triển bền vững đất nước.

Cảm ơn PGS.TS. Nguyễn Đắc Vinh!

MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.