Cha được cứu sống nhờ gan của con trai 18 tuổi
> Bức thư lay động cư dân mạng của học trò về tiền trường
> Bé gái 3 tuổi người Trung Quốc nói tiếng Anh trôi chảy
Trước tình trạng nguy hiểm của cha, cậu con trai 18 tuổi nhận hiến gan. Đây là trường hợp người lớn thứ hai được ghép gan từ người cho gan còn sống ở Việt Nam.
Bệnh nhân (bên trái) đã có thể đi lại và ăn uống tốt nhưng vẫn phải đề phòng bị nhiễm trùng. Ảnh: Thiên Chương. |
Bệnh nhân 50 tuổi nhà ở quận Tân Phú, TP HCM, nhập viện đầu tháng 8 trong tình trạng tri giác lơ mơ do lên cơn viêm gan cấp. Ông Dũng bị mắc viêm gan từ năm 2008 do uống bia rượu kéo dài. Sau hai tuần cấp cứu, lọc máu liên tục, các bác sĩ khẳng định ghép gan là cách duy nhất giúp bệnh nhân sống. Trong tình huống khẩn cấp, cậu con trai 18 tuổi của người bệnh chấp nhận hiến gan cho bố.
Tiến sĩ Phạm Hữu Thiện Chí, Phó khoa Ngoại - Gan mật tụy, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, sau khi làm hàng loạt xét nghiệm, thanh niên này có nhóm máu và các chỉ số phù hợp với bố. Ngày 15/8, ca phẫu thuật ghép gan được bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy và Trung tâm Asan (Hàn Quốc) thực hiện.
"Ca mổ kéo dài khoảng 14 tiếng. 750 gram gan của người con đã được lấy thành công để ghép vào cơ thể người bố. Trong ca mổ, các bác sĩ Hàn Quốc chuyển giao cho Bệnh viện Chợ Rẫy một số công đoạn, thuốc men, dụng cụ và một đoạn mạch máu lớn trữ lạnh để ghép vào cho bệnh nhân thay vì phải dùng mạch máu nhân tạo", bác sĩ Chí nói.
Sau mổ, sức khỏe của người con hồi phục nhanh và xuất viện sau 12 ngày. Riêng người bố được dùng thuốc ức chế miễn dịch và nằm phòng cách ly đặc biệt trong 2 tuần để theo dõi các chỉ số huyết học, hô hấp và tập đi đứng. Bệnh nhân sau đó được chuyển ra phòng nửa cách ly nhằm chống nhiễm trùng.
"Đến sáng 18/9, sau một tháng phẫu thuật, ảnh chụp cho thấy mảnh gan ghép hòa hợp tốt với cơ thể, hiện tượng vàng da giảm. Bệnh nhân ăn uống tốt và có thể xuất viện trong vài ngày tới", ông Chí cho biết.
Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Tấn Cường, Chủ nhiệm Bộ môn Ngoại ĐH Y dược TP HCM, nguyên trưởng khoa Ngoại - Gan mật tụy Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, đây là trường hợp người lớn thứ hai được ghép gan từ người cho gan còn sống được Chợ Rẫy thực hiện. Tại Việt Nam, ngoài Chợ Rẫy, trước đó Bệnh viện Việt Đức ở Hà Nội thực hiện việc ghép gan tương tự.
So với ghép gan trẻ em, việc ghép gan người lớn khó hơn bởi người cho bị lấy một phần gan khá lớn (khoảng hai phần ba thể tích gan). Muốn hiến thì gan người cho phải khỏe và bản thân người này cũng khỏe để có thể hồi phục sau hiến gan. Ngoài ghép gan từ gan người cho còn sống, còn có thể ghép gan lấy từ gan của người chết não, tuy nhiên lượng gan từ người chết não hiến tặng vẫn rất hiếm.
Cũng theo tiến sĩ Cường, hiện nhu cầu ghép gan của bệnh nhân rất lớn nhưng hầu hết đều vướng phải 2 "cửa ải". Một là chi phí ghép khá cao (khoảng 1,5 tỷ đồng), hai là nguồn cho gan không có. "Trong 10 người muốn hiến gan thì may ra chỉ một đáp ứng được những yêu cầu theo chỉ định. Tính đến nay, cả nước chỉ có khoảng 30 trường hợp ghép gan cả người lớn lẫn trẻ em", ông Cường nói.
Theo Thiên Chương
Vnexpress