> Những ngày châu Âu - Ngập tràn nghệ thuật
Andy Stanton ký tặng “Lão kẹo Gôm” ở Thư viện Quốc gia. Ảnh: T.Toan. |
Andy Stanton xuất hiện giản dị trong chiếc áo phông trẻ trung, mái tóc xoăn và bộ râu quai nón khiến một độc giả nhí tròn mắt liên tưởng đến nhân vật Lão kẹo Gôm.
Ngay khi xuất hiện trong lễ trao giải cuộc thi Viết và vẽ về Lão kẹo Gôm tối 11-5, rồi ra mắt tập 7 Lão kẹo Gôm và cây anh đào, Stanton không ngơi đón nhận sự nồng nhiệt của độc giả.
Không gian sảnh Thư viện Quốc gia được dành làm nơi tọa đàm hai chủ đề: Viết cho trẻ em và Dựng cầu nối sách: Đưa văn học nước ngoài đến Việt Nam.
Sau đây là một số chia sẻ của tác giả Lão kẹo Gôm:
Hơi đặc biệt, hơi kỳ dị,hơi ngốc nghếch
Thực sự tôi chẳng có gì gọi là bí quyết ghê gớm cả. Khi viết tôi cố gắng giữ cho bản thân thấy thích thú với câu chuyện.
Tôi tưởng tượng đang viết truyện cho bọn trẻ tầm 8, 9 tuổi. Điều cần làm là phác họa chân dung nhân vật hơi kỳ dị, hơi đặc biệt một chút, thậm chí có vẻ ngờ nghệch.
Nhưng nếu chỉ có thế thì rất buồn chán, nên khi viết cho trẻ tôi có gắng chuyển tải đằng sau những điều ngốc nghếch, kỳ dị ấy luôn là những bài học nhẹ nhàng.
Một điều nữa, không nên rao giảng đạo đức nhiều quá. Trẻ thường nhạy cảm, nếu chúng nhận ra điều đó thì tác phẩm mất tính hồn nhiên và chúng sẽ chán ngay.
Sêri Lão kẹo Gôm được dịch ra 22 thứ tiếng. Tiếc là tôi chỉ biết mỗi tiếng Anh, nên không thể đọc cuốn sách của mình khi dịch sang tiếng khác. Nhưng tôi có những cuốn sách dịch đó và lưu giữ. Giở những trang sách, tôi có khái niệm nhất định.
Ví dụ, tên nhân vật trong truyện của tôi ở một số quốc gia được địa phương hóa, để phù hợp với độc giả. Khi tôi cầm cuốn sách dịch ra tiếng Việt, tôi không hiểu ngôn ngữ của các bạn, nhưng tôi tin tưởng ở dịch giả. Niềm tin càng được củng cố thông qua thái độ của độc giả nhí, của những người bán sách của tôi.
Cần có nhân vật văn học thiếu nhi kinh điển
Với tôi việc đi xa ngàn dặm đến đất nước mới, để ngồi đây gặp độc giả yêu mến sách của tôi là điều rất hạnh phúc. Và đấy là minh chứng cho việc các nền văn hóa kết nối với nhau thông qua văn học.
Tình cảm, cảm xúc của độc giả Việt Nam đi vào tâm trí tôi, một lúc nào đó sẽ thể hiện trong tác phẩm. Trải nghiệm văn hóa ở Việt Nam chẳng hạn, chắc chắn thúc đẩy tôi thể hiện điều đó trong tác phẩm sau này.
Vương quốc Anh có truyền thống văn học thiếu nhi hơn 200 năm. Văn học viết cho giới trẻ Anh đương đại cũng có nhiều tác phẩm nổi tiếng, như Harry Potter của J.K.Rowling.
Có thể nói viết sách cho giới trẻ ở Anh khá phát triển, bây giờ được xem như thời điểm vàng. Và rất đa dạng: Truyện tranh dành cho trẻ nhỏ, truyện dành cho nhi đồng, thiếu niên và đặc biệt cho tuổi teen.
Các cuốn sách của tôi có vẻ trông khá đơn giản, nhưng ẩn sâu trong đó có những điều rất phức tạp. Đó là ý tưởng của tôi, và cũng dễ hiểu tại sao độc giả trẻ hồ hởi đón nhận.
Trong tác phẩm của tôi luôn có bài học, ví như luôn có cuộc chiến giữa cái thiện-ác, người chân thật bao giờ cũng thắng. Nhưng cách tôi để nhân vật thể hiện rất vui nhộn, đôi khi bằng cách chơi chữ, thái độ chế giễu thì bạn độc trẻ dễ tiếp nhận hơn.
Lịch sử văn học thiếu nhi đã có ở Anh hàng trăm năm, nên khi viết, tôi phải thoát ra khỏi cái bóng khá lớn ấy.
Và tôi có nhiều thứ để hồi tưởng và so sánh. Chính vì thế tôi luôn tham chiếu với những nhân vật trong Alice ở xứ sở diệu kỳ, Harry Potter hay tác phẩm của Charles Dicken.
Đây là nhận xét rất chủ quan của tôi thôi: Đối với các nền văn học chưa có bề dày, chưa có nhân vật kinh điển, nhiều ảnh hưởng tới thiếu nhi, nên chăng các bạn phải tạo nên các nhân vật như vậy.
Thời gian sẽ bồi đắp thêm. Điều quan trọng và thú vị là, nền văn học có thể bắt đầu từ một điểm, như hiện tượng sách bán chạy của Nguyễn Nhật Ánh mà các bạn vừa chia sẻ.
Toan Toan ghi