Trước trận gặp Leicester City trong ngày Lễ tình yêu hôm qua, lần cuối cùng Danny Welbeck ra sân trong màu áo Arsenal là ngày 26/4/2015. Tức là sau gần một năm quên lãng, anh trở lại, như một món quà từ trên trời rơi xuống và đặt dấu chấm hết cho một trận đấu điên rồ đúng chất của Arsenal lẫn Ngoại hạng Anh.
Giây phút ấy, thời gian như ngừng trôi. Một quả rót bóng vào khu cấm, Welbeck bật lên như có độ dừng trên không, rồi làm nổ tung cầu trường Emirates. Các CĐV Arsenal vẫn nói đùa với nhau: "Có ba thứ bất biến trên đời. Cái chết, tiền thuế phải đóng và những pha kiến tạo của Ozil". Lần này, đường kiến tạo ấy đã bẻ lái cuộc đua Ngoại hạng Anh. Leicester đang băng băng đã bị ghìm lại, và khoảng cách giữa Arsenal với đội đầu bảng ấy chỉ còn là hai điểm.
Ở thế đường cùng, Arsenal một lần nữa thể hiện bản lĩnh. Bởi nếu không thể hạ được Leicester, mười năm đau khổ đã qua của Wenger một lần nữa sẽ bị đặt dưới kính hiển vi. Trước trận đấu này, tờ Guardian đã có một bài viết, trong đó họ gọi các CĐV Arsenal là "tù nhân của Wenger". Tức là họ phải sống và đặt niềm tin vào ông thầy người Pháp, chứng kiến ông biến một đội bóng luôn cạnh tranh chức vô địch trở thành một đội bóng cạnh tranh vào... top 4.
Nhưng nếu đặt vào cương vị của một CĐV Arsenal, có thể nói họ là tù nhân của ái tình, sống bởi những khoảnh khắc điên rồ và mãnh liệt như trận đấu vừa qua. Thật dễ dàng để chuyển tình yêu sang một đội bóng khác, nhiều tiền hơn, nhiều ngôi sao hơn, khả năng tranh chức vô địch cao hơn. Nhưng tình yêu còn có ý nghĩa gì nếu người ta đặt lý trí vào đó để cân, đo, đong, đếm.
Không có tình yêu vĩnh cửu, nhưng lại có những khoảnh khắc vĩnh cửu trong tình yêu. Và cú đánh đầu của Welbeck đích thị là một khoảnh khắc như thế. Nó giúp cho những khổ đau đã qua xóa nhà trong chớp mắt. Arsenal quả là một người tình độc ác. Họ bỏ rơi kẻ yêu mình, rồi thỉnh thoảng xuất hiện và để lại những khoảnh khắc khiến người tình như điên dại. Cú đánh đầu của Welbeck vừa qua đã là bàn thứ 100 của Arsenal ghi trong những phút bù giờ tại Ngoại hạng Anh, nhiều hơn bất kỳ đội bóng nào khác. Họ có thói quen đẩy sự chịu đựng của người hâm mộ đến giới hạn rồi tiêm vào một liều thuốc cho trái tim.
Các CĐV Arsenal khổ như thế đấy. Hơn mười năm qua, họ chẳng bao giờ sung sướng đến tận cùng, nhưng cũng chẳng bao giờ khổ đau đến tuyệt vọng. Cứ khi họ gần nản thì lại có một khoảnh khắc để đời kéo họ lên, nhưng gần đến thiên đường thì lại có bàn tay nào đó kéo xuống. Lâu ngày nó hình thành lên một thứ... bản sắc, rất Arsenal, khiến họ không giống với bất kỳ CĐV của đội bóng nào khác trên đời.
Fan Arsenal luôn trải qua những khoảnh khắc khổ đau như thế này hơn 10 năm qua, khi đội bóng con cưng gục ngã ở những ngưỡng cửa vinh quang.
Nhưng tình yêu vốn không bao giờ giải thích được bởi logic thông thường. Như các CĐV Inter, định mệnh buộc họ phải đau khổ - thậm chí còn đau đớn gấp nhiều lần Arsenal. Các tifosi của đội bóng này thường kể nhau nghe câu chuyện khi vợ của Massimo Moratti hỏi chồng vì sao không mang tiền cho những người nghèo đau khổ ngoài kia mà cứ đầu tư mãi vào Inter, ông đã đáp: "Còn ai đau khổ hơn các CĐV Inter nữa?".
Đau khổ, nhưng vẫn yêu. Có những CĐV chỉ thật sự sung sướng khi đội nhà đứng trên ngôi vô địch, ta gọi họ là tù nhân của danh hiệu. CĐV của Arsenal không thuộc nhóm này. Chức vô địch thì hiển nhiên rất tuyệt, nhưng nếu không có, cũng... chẳng sao. Với họ hạnh phúc là có ai đó để yêu, có việc gì đó để làm và có điều gì đó để hy vọng.
Các CĐV vẫn luôn tồn tại bởi những hy vọng. Sau trận đấu này, trước mặt Arsenal là muôn vàn gian khó. Lịch thi đấu của Leicester giờ đã nhẹ đi rất nhiều, họ lại không phải dự Cup châu Âu. Trong khi đó, Arsenal sẽ phải đá hai trận Champions League với đội bóng mạnh nhất lịch sử đương đại là Barcelona. Lịch trình Ngoại hạng Anh của họ thời gian tới có bốn chuyến hành quân đến sân các đội Man Utd, Tottenham, Everton và West Ham, tất cả đều là những hiểm địa.
Arsenal đã vượt qua được ải Leicester, nhưng đường đến vinh quang phía trước họ vẫn còn rất nhiều thác gềnh. Ảnh: Reuters.
Chiến thắng nghẹt thở trước Leicester, kỳ thực, chỉ là một thác ghềnh nhỏ, trong cả một hành trình dài vượt thác phía trước của Arsenal. Nhưng CĐV của họ vẫn coi đó là hạnh phúc. Có người lên Twitter khoe đã xem lại pha ghi bàn của Welbeck 300 lần, có người dụng công đi tìm lời bình luận bàn thắng ấy bằng... 10 thứ tiếng khác nhau. Họ sống bởi những khoảnh khắc như thế. Như nhà thơ Xuân Diệu năm nào đã khởi đầu bài "Muộn màng" với bốn câu thơ sau
"Anh biết yêu em đã muộn màng
Nhưng mà ai cưỡng được tình thương!
Ngậm ngùi tặng trái tim lưu lạc
Anh chỉ xin về một chút thương".
Các CĐV Arsenal, hay cũng như chính Arsene Wenger, đã và đang sống để chờ đợi "một chút thương" ấy!