Cây sáo ở vị trí sô lô

Cây sáo ở vị trí sô lô
TP - Một hôm chúng tôi rủ nhau ra suối tắm, khi lên bờ tôi thiếu quần đùi để thay anh đã chạy về hầm tìm một chiếc mang ra cho tôi, Chu mặc tạm, anh nói ngọt ngào. Tôi đã mang chiếc quần đùi của anh tới bản Đông rồi quay về Hà Nội.

>> Kỳ trước

Cây sáo ở vị trí sô lô ảnh 1
Nhà thơ Phạm Tiến Duật và những người bạn lính

Lúc chia tay, anh Duật mới mang một lá thư nhỏ cho tôi xem, cầm lá thư tôi nhận ra ngay nét chữ mẹ mình. Bà cụ ngồi ở Bắc Ninh viết thư cho Duật gửi vào qua đường bưu điện.

Cuối thư bà đã tặng Duật hai câu thơ không hiểu là để động viên riêng anh hay lại muốn động viên cả toàn quân nữa: Còn nhiều bộ đội phất cờ/Cho nền độc lập bấy giờ mới xong. Mẹ tôi quý anh Duật cũng như mẹ anh Duật đã quý tôi. Bà thường nói mỗi khi nhắc đến anh, anh ấy có mười mày chả được một, người ta lẫy lừng mà vẫn lễ độ, còn mày rõ chán.

Các bà mẹ của chúng ta đều thế cả, không một đứa con nào đủ khôn đủ lớn trước các bà. Ấy là vì người mẹ nào cũng đều đặt nhiều mong muốn vào đứa con mình. Hôm ấy tôi đã trả lại anh bức thư mẹ tôi gửi vào, và bâng khuâng hỏi anh, lá cờ mà bà cụ viết trong này phải hiểu thế nào? Anh Duật đáp lại tắp lự, lá cờ là để nói đến những gì thiêng liêng và nồng cháy nhất, một khi muốn nói đến những điều đó mà chưa biết nói ra sao thì chỉ còn biết gọi đến lá cờ.

Trong Nhã ca của Kinh thánh cũng có một câu nhắc tới lá cờ: Em hãy về vườn xưa xem cây thạch lựu đã nở hoa chưa/Tình yêu của anh như lá cờ phất trên mình em/Phải chi em là em gái của anh, Để anh được gần em từ tấm bé.

Cây sáo ở vị trí sô lô ảnh 2

Áo của hôm nào người của hôm nay

1. Thấy áo

Áo thanh niên xung phong phơi ở nông trường
Cái túi chéo làm sao mà lẫn được,
Nhìn cái áo phơi thương thương như thuở trước
Trời sắp mưa rồi, người bỏ áo đi đâu.
Muốn kéo áo hộ người mà thấy ngỡ ngàng sao
Dẫu người cũ đất vẫn là đất lạ.
Không phải hoang vu cái vùng toàn núi đá
Và một con đường không ngớt tiếng bom rung.
Không phải thuở gặp nhau chưa vợ với chưa chồng
Áo ấy người này còn vô tư vô lự,
Giờ áo người phơi đã có người kéo hộ
Nhà ở đây kê giường, sạp nứa ở miền trong.
Áo có quen anh không, áo có nhớ anh không?
Dẫu có gặp rồi mà giờ nhìn chẳng biết
Cái hôm mưa bến phà cả đoàn người ướt hết,
Bao dáng áo làm đường ở đó có em không?
Cái hôm con đường chiến dịch mới làm xong
Bộ đội với thanh niên nhìn nhau cười mặt lấm,
Áo khét thuốc bom, áo nồng bụi bậm
Giờ áo giặt rồi, hơi cũ khó tìm ra.
Áo im phơi, trời lắc rắc mưa sa
Đã ướt hè ướt sân mà áo còn chưa ướt
Có tiếng ào ào như mưa vừa đến đợt
Tiếng phụ nữ cười và tiếng những bàn chân.

2. Gặp người

Người của áo về rồi, các cô gái công nhân
Vẫn là những người làm đường độ ấy
Một câu trách làm tan bao áy náy
Tôi tìm ra khuôn mặt hôm nào.
Em bảo với tôi rằng: Nay nghề mới trồng dâu
Xưa ngụy trang cho đường, nay ngụy trang cho núi,
Xưa vội mở đường, nay khai hoang cũng vội
Lấp hố bom rồi nghe đất gọi lên đây.
Em nhìn tôi khuôn mặt vẫn hơi gầy
Tôi nhìn em, nước da như thuở trước,
Bếp tập thể đậu kho và rau luộc
Em gắp cho tôi bằng đũa cau rừng.
Cái hội trường ba phía vách chưa thưng
Em đứng hát những bài hát cũ,
(Bài ca mới về khai hoang chưa có
Em hát lại thôi khúc hát làm đường).
Theo bài ca tôi nhớ đến con đường
Con đường thanh niên nối dài ra tiền tuyến,
Có lẽ chẳng cũ đâu những bài ca kháng chiến
Khi em bảo nơi này là “mặt trận màu xanh”.
Và cái áo em, vẫn cái màu xanh
Tôi nhìn em lòng xốn xang biết mấy.
Hình áo thế nào thì hình người thế ấy
Cô gái nông trường - cô thanh niên xung phong.

1974

Ngày anh Duật lấy chị Vân, cô giáo người Hà Nội, mẹ anh từ Thanh Ba, Phú Thọ đã lặn lội về để lo việc cho con trai. Bà được xếp nghỉ tại nhà một anh bạn chúng tôi trên đường Ga Hàng Cỏ, đó là nhà nhạc sĩ Trần Tiến. Tính ra thì đúng hôm ăn hỏi tôi lại phải xuống đơn vị, do vậy tôi đành mò ra trước để chúc mừng hạnh phúc của anh. Tại đó tôi đã được gặp bà cụ, và cũng chỉ được gặp có một lần ấy.

Tóc bà trắng, vầng trán cao, dáng rất thanh nhã. Anh Duật giống mẹ. Bà cụ ngồi cùng tôi bên khung cửa mở rộng nhìn xuống con đường hẹp đang có những chuyến xe điện leng keng chạy đi chạy lại. Vầng trăng càng khuya càng sáng, trăng đang bay hay mây đang bay.

Đêm sương lạnh, những tán cành rụng hết lá của cây bàng cổ thụ hiện lên đen đúa, rối loạn. Bà cụ hỏi tôi đứng tuổi gì, tôi thưa cháu tuổi Giáp Thân, bà lại nói, Duật chính ra phải tính là tuổi Canh Thìn, đi học khai bớt một tuổi. Nó có lớn mà sợ chả có khôn, tính tình mơ mộng viển vông từ bé, cháu tuy ít tuổi hơn nhưng vẫn cứ là một lứa, cháu nhớ săn sóc Duật.

Tôi nắm bàn tay gầy guộc của bà, bàn tay của các bà mẹ chúng ta đều thế, lủng củng những đốt những ngón. Một bàn tay của bà mẹ đồng rừng, từ thượng du xuống phố lặng lẽ và rụt rè. Bàn tay một người đã sinh ra cho đất nước một nhà thơ lớn từ những năm anh mới ngoài hai mươi tuổi.

Giờ đây bà không cần biết đến những điều xa xôi đó, bà chỉ mong đứa con của mình đi suốt cuộc đời vẫn đừng có gặp những đắng cay mà chính mình đã gặp. Tôi nói với bà không một chút do dự, anh Duật là niềm tự hào của đất nước, bà chớ lo lắng gì cả. Chữ Nho có bộ duật, duật ở đây không phải con cò, duật là cây bút. Phạm Tiến Duật là cây bút quý của nhà họ Phạm.

Bà cụ vỗ vỗ vào tay tôi nhẹ nhàng cười, ông ấy nhà tôi đặt tên cho nó đấy, bố Duật đã có nhiều năm dạy học, làm Hương sư rồi làm Tổng sư, nhiều lần đã giải nghĩa cái tên của nó cho tôi nghe như anh nói hôm nay. Thuở con gái tôi đã theo người nhà mang sơn ta lên tàu hỏa về Hà Nội bán cho các hiệu buôn, sơn đựng trong những chiếc ghơ tre, chữ nghĩa nào có biết. Nuôi con thì được mà dạy dỗ con cái lại phải trông vào chồng, ông ấy nghiêm lắm, trẻ con gặp từ xa đã cung kính khoanh tay trước ngực.

Anh Duật không phải chỉ sống với Trường Sơn, đó là những năm đầu vào đời mà thôi, về sau anh còn nhiều dịp đi khắp mọi miền Tổ quốc, đến nhiều nơi trên thế giới, gặp gỡ nhiều người, thấy nhiều cảnh ngộ, và đến đâu anh cũng có thơ. Thơ với anh như một thứ nhật ký, thấy ngay, nghĩ ngay và viết ngay. Để làm được thế rất nhiều khi anh đã không cần đếm xỉa tới nghệ thuật nữa thì phải, âu đó cũng đang là cách tìm kiếm thể nghiệm, anh muốn thơ mình phải là tiếng nói hàng ngày trước những vấn đề thời sự nhất.

Đến Campuchia anh có Bức tường thứ năm của Ăng Co.
Đến Lào anh có Ngủ ở Ăng Khăm nghe tiếng vượn
Đến Nga anh có Tuyên bố chung với những hàng cây Matxcơva
Đến Bắc Âu anh có Yên tĩnh Côpenhaghen
Đến Mỹ anh có Lạm tóc của gia đình Hakin

Sau tất cả anh vẫn không thể không trở về với chính mình. Đã có câu, người ta không ai có thể nhảy ra khỏi cái bóng của mình được. Một lần tới Hải Phòng nghe người thủy thủ già kể về những con tàu mang tên các dòng sông quê nhà, anh chợt ngẫm thân phận thật của mình và anh viết: Và lúc ấy tôi giật mình bỗng thấy/ Tôi một dòng sông không có tên tàu.

Càng sống càng nhiều trăn trở, thơ cứ ít dần, anh quay ra cày xới mảnh đất văn xuôi và ngày ngày lấy việc hoạt động trong giới báo chí làm vui. Cũng không sao cả, ở đời không nhất thiết cứ phải làm thơ, thơ dù rất cao quý cũng chưa phải là tất cả, thơ dẫu sao cũng vẫn chỉ là một trong ngàn vạn vẻ đẹp vốn có của loài người mà thôi. Đến một lúc nếu cả nước mà cùng làm thơ thì cũng phải giật mình không biết nên nhìn đó là phúc hay là họa. Chế Lan Viên trong một ngày vắng của Hà Nội năm ấy đã có những câu thơ dự báo, ông viết: Chưa bao giờ đất nước lắm dị tặc, dị hình đến thế!

Nhưng chừng như thơ với đời anh vẫn là chuyện sống còn, như một định mệnh. Sau một lần vào thăm Văn Miếu đứng thơ thẩn cả buổi, lang thang ngắm hồ Văn, chuyện trò cùng những dãy bia đá, anh Duật ra về đã cầm bút làm một bài thơ văn xuôi mang khẩu khí của một bản tuyên ngôn, như một cam kết với chính mình:

Tôi muốn trở về những thôi thúc ngỡ như vô thức của thuở ban đầu.
Ấy là chiếc áo mới phát sáng của những tháng năm bần hàn ở thôn làng tôi.
Tôi muốn trở về những thôi thúc tưởng như vô thức của thuở ban đầu.
Ấy là sự ngỡ ngàng kinh dị của bầu vú thứ nhất và nỗi nhớ thứ một nghìn lẻ một ngỡ như không thể chịu đựng nổi.
Ấy là khúc hát đầu tiên ngây ngô và thật thà mà anh chiến sĩ của Đại đoàn 308 dạy tôi trên cánh tay cha chú của anh.
Ấy cũng là cảm xúc đầu tiên, bài thơ đầu đời được in trên báo. Phút hóa thân đầu tiên của những con chữ viết tay hóa rồng thành tipô đã làm trái tim ta sung sướng, hồi hộp biết nhường nào.
Ấy cũng là những lời chửi mắng thứ nhất mà ta được nghe về chính thơ ta viết thốt lên từ miệng người không quen ta gặp lần đầu.
Tôi muốn trở về những thôi thúc ban đầu.
Và như thế, những háo hức nào là hướng nội và những háo hức nào là hướng ngoại, tôi không cần biết tới.
Và như thế, thơ cần gắn với chính sách hay ở ngoài chính sách tôi không cần biết tới nữa.
Và như thế, thơ cần khuôn thước như Bắc Hà hay cần xô bồ như Nam Kỳ tôi không cần biết tới nữa.
Và cuối cùng, thơ có cần bán được hay không và có lãi hay không, tôi không cần biết tới nữa.

Hóa ra thơ là không dễ dàng. Thì chúng ta vẫn đang chờ đợi ở anh một lần nữa sẽ phát sáng như quầng sáng của cây đèn hắt lên trước lúc cạn dầu. Đó là ánh hồi quang của những tài năng. Vậy mà buồn thay bỗng một ngày anh lâm bệnh. Bỗng một ngày những đứa con anh báo tin bố cháu vào nằm trong khoa Quốc tế, Quân y viện 108.

Cây sáo ở vị trí sô lô ảnh 3

Một đời anh đã quá quen với cái chết, đã từng nằm kề nó, thế thì đối với anh chuyện này cũng chưa lấy gì làm lớn, tôi vẫn tin ở bản lĩnh của anh và tôi đang thầm cầu trời khấn phật xin cho anh được ở lại thêm lấy vài năm nữa rồi có đi hãy đi. Thế mới biết một ngày sống quý báu biết nhường nào. Dẫu sao vẫn phải hỏi ở đời liệu có ai không đi? Cũng đã là quá đủ để chúng ta có thể nhận chân ra một lần cái biến cái hiện. Cái còn cái mất.

Cái còn mãi chính là khuôn mặt tinh thần của mỗi con người mà nhà Phật gọi nó là Kim cương bất hoại. Tôi biết anh từ lâu đã đọc Thủ lăng nghiêm kinh, Nước chết thì đất sống, Đất chết thì đá sống, Đá chết thì lửa sống, Lửa chết thì khí sống, Khí chết thì nước lại sinh ra.

Mùa này quê anh nước sông Hồng đang tràn lên xô đẩy khắp các bờ bãi. Đường về nơi mẹ sinh anh có qua một con đò, xa xa trên những ngọn đồi là những bãi cọ xanh um tán lá, những cây cọ thân thẳng đứng như một rừng bút soi mình xuống dòng sông đỏ nặng phù sa, sự thực đấy cũng là nói cho văn vẻ chứ tôi từ nhỏ vẫn chỉ thấy nó, dòng sông ấy là một dòng sông bùn, quanh năm bùn.

Những năm tháng này, những con đường này, những đồng tiền ta đang cầm trong tay đây và những trang sách ta đọc và những trang sách ta viết, hết thảy đều ướt đẫm hơi bùn của dòng sông muôn thuở ấy.

Hình như giữa thuật làm thơ và thuật lên đồng có đôi chỗ rất gần nhau. Những năng lượng mang nhiều yếu tố tâm linh được giải phóng triệt để, cảm xúc được đẩy lên tới cao trào, sự tỉnh táo bị dìm lấp, con mắt đảo lên, khoa chân múa tay cười nói huyên thuyên, rồi xiên lình qua má, nuốt lửa vào bụng, ngậm than trong mồm, cờ quạt hò hét tưởng như sắp bay cả lên với nhau.

Nhưng rồi cô Bơ, cô Thoải, ông Hoàng Mười, bà Liễu Hạnh, bà chúa Thượng Ngàn, tất cả đều cũng đến lúc phải tỉnh lại, phải về với gia đình, với chồng với con. Phải biết sống được như mọi người đang sống. Phải biết gồng gánh chợ búa, lam lũ đồng áng, tưới tắm rau cỏ, chăm sóc lợn gà.

Thực tiễn đã dạy cho chúng ta những bài học để sống được như mọi người, có thể chua chát một chút nhưng rất cần thiết. Trong đám các bà các chị đội bát nhang, có người một đêm theo năm ba giá, lại có người ở độ số cao thì theo liền mấy chục giá. Ốp đồng đến bảnh sáng cũng vẫn phải tính chuyện ra về. Đã biết lên thì cũng phải biết xuống.

Vừa rồi làng tôi có anh vác ở đâu về chiếc xe máy, đặt thằng con ngồi lên cứ thế nổ máy phóng tít mù. Đi vòng đi vèo từ sáng sớm đến quá trưa, qua cửa đình cửa chùa, chui vào đủ các ngõ, rồi lại lượn ra đình ra chùa. Chỉ có người vợ đang nhóm bếp thổi cơm là nhìn ra sự nguy hiểm đó, chị dụi lửa bếp, cầm cái que cời lếch thếch đuổi theo chồng con, vừa thở vừa chạy, vừa chạy vừa khóc. Lại có người ở làng bên đi qua thoáng trông đã hiểu ra ngay, anh ta nhảy tới xô chiếc xe lao xuống dệ ao, thế là nhà ấy thoát nạn. Cho nên cánh lái xe thường dặn nhau: lùi còn khó hơn tiến, khi đi phải nghĩ đến lúc dừng.

Cuộc đời anh Duật lại có thể phải dừng lại một cách vô lí đến thế này sao, không phải chỉ mình tôi nghĩ thế, rất nhiều người đang nghĩ thế, những ông thầy thuốc Tây y, Đông y đang xem đây như một thách thức lớn với họ. Hàng trăm bức thư từ khắp nơi đã gửi về gia đình nhà thơ mách bảo chỉ dẫn nhiều cách điều trị, nhiều thứ thuốc lạ, nhiều địa chỉ đáng tin cậy. Có nằm ốm thế này, anh Duật mới thấy cái tình người là rất nặng và anh tủm tỉm nghĩ, sao mà lắm thầy thuốc giỏi ở nước ta.

Bây giờ thầy thuốc sau cùng vẫn đang kiên gan chiến đấu để giành lấy sự sống cho anh Duật là tiến sĩ Ba, những năm vừa qua ở bên Mỹ người ta gọi anh một cách thán phục là “Ông Ba”, “Ngài Ba”. Giờ đây ông Ba mang nhiều thuốc quý từ Mỹ về và cùng với thuốc là những bí quyết hiếm có, ông Ba nói, tôi về nước chữa bệnh cho anh Duật như chữa cho một người thân trong nhà.

Việc anh Duật gặp được ông Ba là một cái duyên, ai dám bảo ở đời không có cơ duyên. Có câu, còn nước còn tát. Chí ít thì đây cũng là một niềm an ủi lớn, không phải chỉ cho anh Duật mà còn là cho mỗi chúng ta.

Mấy tuần nay nhà văn Nguyễn Khắc Phục và cháu Tường Hương con dâu thứ của anh Duật đã lao vào chuẩn bị gấp cho việc sớm ra đời Toàn tập Phạm Tiến Duật. Anh Phục và anh Thỉnh, anh Huân định sẽ tổ chức một buổi ra mắt thật hoành tráng cho bộ sách này. Và đó cũng là cuộc gặp mặt mang nhiều ý nghĩa của đông đủ bạn bè anh em quanh Duật.

Nhiều năm vừa qua, Phạm Tiến Duật là một hiện tượng không dễ gặp trong đời sống thi ca cũng như trong đời sống xã hội. Với tất cả sự trang nghiêm của vấn đề, tôi muốn nói thơ anh, cuộc đời anh là những câu hỏi lớn, những câu trả lời lớn. Những năm tới đây rất có thể nó sẽ trở thành một đề tài để các nhà học thuật nghiên cứu, các nhà lý luận phê bình văn học phải tốn nhiều giấy mực. Chúng ta đã quen nhìn nhau giữa đám đông, chỗ nào cũng thấy đông. Nhìn nhau chỗ đông dễ chịu cho cả người nhìn lẫn người được nhìn, trong đám đông mặt người nhạt nhòa lẫn lộn, nhưng một khi cần phải điểm danh đến từng người là y như rằng ai nấy đều ái ngại.

Xưa có ông vua rất thích nghe cả dàn sáo cùng thổi như thế mới thật vang lừng, mỗi lần có “đại khánh đại hỉ” là sân rồng lại một phen chật cứng những nhạc công là nhạc công. Ấy vậy mà ngoài cổng thành người ôm sáo tìm tới vẫn ngày một nhiều, họ chầu chực để đến lượt mình được gọi vào cái dàn nhạc vĩ đại kia.

Đến lúc nhà vua băng hà, vua con lên nối ngôi ra lệnh từ nay chỉ nghe từng người thổi sáo, không nghe cả dàn cùng thổi nữa. Thế thôi vậy mà lệnh vừa mới ban ra đã thấy cánh nhạc công tản mát bỏ đi, sau vài ngày còn lại mươi bóng. Bếp ăn trước mỗi bữa phải mấy nồi ba mươi cơm, nay là một nồi nhỏ. Đám đông ngoài cổng cũng vãn nhiều lắm.

Nếu Hội Nhà văn chúng ta một hôm nào đó cũng nhận được một cái lệnh tương tự thì liệu tình hình sẽ ra sao đây? Có một điều chắc chắn là trong số những người còn ngồi lại nhất định vẫn có anh Duật. Phạm Tiến Duật sẽ còn ngồi đó lâu lâu bởi chính anh trong mấy thập kỷ vừa qua, nhất là những năm khói lửa, đã làm một cây sáo đứng ở vị trí sô lô.

Hà Nội tháng 11 năm 2007

MỚI - NÓNG
Sàn thương mại điện tử 1688 của Trung Quốc ra bản tiếng Việt và ồ ạt quảng cáo bán hàng vào Việt Nam Ảnh: Ngọc Linh
1688 ồ ạt quảng cáo bán hàng vào Việt Nam
TP - Chỉ một thời gian ngắn sau khi xuất hiện bản tiếng Việt, sàn thương mại điện tử bán buôn 1688 của Trung Quốc liên tiếp tung ra các chương trình khuyến mại, tiếp thị nhằm vào người tiêu dùng Việt Nam với mức giá khá rẻ so với các sàn thương mại điện tử trong nước.