Hủ tục lâu đời
Bangladesh là một quốc gia vùng châu thổ châu Á, nơi đa số dân là người Hồi giáo Bengali. Bộ tộc Mandi ở đây có khoảng 25.000 người sống quanh khu vực Modhupur, cách khá xa thủ đô Dhaka.
Philip Gain - một nhà nghiên cứu về môi trường nổi tiếng của Bangladesh có thâm niên hơn 20 năm nghiên cứu về khu vực này cho biết, phụ nữ Mandi là người sở hữu tài sản gia đình. Những góa phụ muốn tái hôn phải chọn người đàn ông cùng gia tộc của chồng để bảo vệ liên minh gia tộc.
Tuy nhiên, những người đàn ông mà phụ nữ chọn để tái hôn thường trẻ hơn nhiều so với họ. Chính vì vậy, góa phụ này sẽ dâng hiến một trong những con gái của mình như cô dâu thứ hai để tiếp nhận hôn nhân, bao gồm cả việc quan hệ tình dục và sinh sản khi cô gái đến tuổi trưởng thành. "Đây không phải là vấn đề phổ biến trong thời đại ngày nay nhưng vẫn tồn tại trong các gia đình Mandi", ông Philip Gain nói.
Orola Dalbot, 30 tuổi, lớn lên cùng mẹ và cha dượng Noten. Cha Orola Dalbot qua đời khi cô còn nhỏ, mẹ cô tái hôn sau đó. Noten là một người đàn ông đẹp trai, năng động với mái tóc đen, xoăn và nụ cười rộng. "Tôi nghĩ mẹ mình thật may mắn và tôi từng hy vọng sẽ tìm được một người chồng như ông ấy", Orola nói. Bước vào tuổi dậy thì, Orola mới biết được một sự thật mà cô chưa bao giờ nghĩ tới: Cô đã là vợ của Noten. Hôn lễ của Orola diễn ra khi cô 3 tuổi cùng buổi lễ với mẹ. "Tôi đã muốn chạy trốn khi phát hiện sự việc", Orola nói.
Các thành viên trong gia đình Orola hiện có mẹ Mittamoni, 51 tuổi, cha dượng - chồng Noten, 42 tuổi, bà ngoại và mấy đứa trẻ ở nhiều độ tuổi khác nhau, từ trẻ sơ sinh đến thanh thiếu niên đều là con của Noten với hai người vợ.
Mất tình mẹ con
"Tôi muốn có một người chồng của riêng mình. Tôi cảm thấy bị mắc kẹt, như một con vật. Những mâu thuẫn trong gia đình bắt đầu lớn lên, khi Noten ngủ với tôi, mặc dù mẹ tôi biết đó là điều không thể tránh khỏi. Bà ấy đã đẩy tôi vào giường Noten khi tôi 15 tuổi để hoàn tất các thủ tục hôn nhân. Noten nhanh chóng thích tôi hơn bà ấy", Orola nói.
Orola kể rằng, mẹ cô đã cho thảo dược tự nhiên vào thức ăn khiến cô gặp một số rắc rối liên quan đến dạ dày. "Khi tôi ốm, bà đã có cơ hội qua đêm với Noten", Orola cho hay.
Mối quan hệ “tay 3” đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình cảm giữa mẹ và con gái. "Bà ấy không còn là mẹ của tôi”, Orola nói. Bây giờ, Orola có 3 đứa con với Noten: một cậu bé 14 tuổi, một bé gái 7 tuổi và một bé gái mới lên 2. Mittamoni (mẹ của Orola) có hai người con với Noten, một cậu con trai 17 tuổi và một cô con gái đã bỏ nhà đi.
Khi được hỏi “Bà có cảm thấy tội lỗi khi nghe những lời nói của con gái mình?”, Mittamoni, mẹ của Orola, nói: "Không, tôi không biết. Cuộc hôn nhân là cần thiết cho sự sống còn của gia đình chúng tôi. Đó là quyết định của trưởng lão bộ tộc, không phải của tôi". Mittamoni khẳng định rằng bà đã bảo vệ Orola cho đến khi trưởng thành "đủ để làm một người vợ" và việc chia sẻ chồng không phải dễ dàng. "Tôi đã phải bước sang một bên khi Noten trở nên thân thiết với Orola. Đó là thời điểm khó khăn", bà nói.
Bà Shulekha Mrong - người đứng đầu tổ chức phụ nữ ở địa phương cho hay, gần đây nhiều phụ nữ trẻ đã chạy trốn các cuộc hôn nhân sắp đặt bằng cách đến Dhaka để giúp việc cho các gia đình hoặc trung tâm chăm sóc sắc đẹp.
Phụ nữ Mandi hiện đại không chấp nhận bạo lực gia đình, ngoại tình và muốn có hình thức phạt phù hợp với người đàn ông đánh vợ. Để tránh làm ảnh hưởng đến quyền lợi của con gái, góa phụ được khuyên nên tìm chồng mới thuộc thế hệ của mình và có sự bù đắp cho gia tộc người chồng đã chết.