'Cậu bé tìm cha' xôn xao đất Thái

'Cậu bé tìm cha' xôn xao đất Thái
Việc cậu bé mang hai dòng máu Thái-Nhật tìm được người cha đang gây xôn xao dư luận Thái Lan.

Câu chuyện bắt đầu từ việc Keigo Zato - một cậu bé 9 tuổi mang hai dòng máu Thái-Nhật - cầm ảnh cha đứng trước chùa Tha Luang ở tỉnh lỵ Phichit, thuộc miền đông bắc Thái Lan.

Gặp bất cứ du khách nào em cũng đưa ảnh ra và hỏi xem có ai biết cha mình không. Mẹ em, cô Thipmontha, đã qua đời hồi đầu tháng 4 vì bệnh. Sau đó, em sống với dì và ông ngoại.

Cách đây 9 năm, Thipmontha đã gặp một người đàn ông Nhật tên Katzumi Zato ở Bangkok. Họ có với nhau một đứa con chính là Keigo bây giờ. Thipmontha sau đó gửi Keigo cho gia đình chăm sóc rồi quay lại Bangkok làm việc tại một khu vui chơi ban đêm.

Ba năm sau đó, Thipmontha và Katzumi về thăm con trai họ và đó là lần cuối cùng người cha thăm con. Trước khi qua đời vì bệnh, Thipmontha dặn Keigo rằng hãy đợi cha trước chùa Tha Luang và em sẽ gặp được cha mình.

Và rồi, chuyện em cầm ảnh cha đứng trước chùa đã được báo chí để mắt đến. Nhà chức trách Thái, trong đó có cả Bộ Ngoại giao, đã vào cuộc để tìm lại người cha cho cậu bé Keigo.

Nhiều nhà hảo tâm ra tay quyên góp và ủng hộ nhiều tiền của cho em. Cuối cùng, với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Nhật, em đã liên lạc và nói chuyện qua điện thoại được với cha mình, dù việc đoàn tụ dường như chưa thể diễn ra sớm.

"Hiện tượng" Keigo

Trường hợp của Keigo sẽ chỉ là một câu chuyện khơi gợi lòng trắc ẩn bình thường mà thỉnh thoảng người ta vẫn đọc thấy trên báo, nếu như nó không trở thành tin trang nhất của nhiều nhật báo tại Thái Lan trong suốt 2 tuần.

Keigo thậm chí còn được lên một chương trình truyền hình dành cho riêng em. Có nhà xuất bản còn gợi ý để sản xuất một bộ truyện tranh về cuộc đời của cậu bé. Một số công ty còn đưa ra gợi ý mời Keigo làm đại diện cho sản phẩm của họ như giày dép, quần áo, đồ ăn...

Dì của Keigo, Pattama Chatuphit, thì lo ngại rằng dư luận quá tập trung vào cậu bé sẽ khiến cuộc sống của em bị ảnh hưởng. Báo chí làm ầm ĩ vụ Keigo đã khiến nhiều trẻ em Thái lai Nhật khác cũng lên tiếng muốn tìm lại cha mình.

Có khoảng hơn 10 trường hợp như vậy đã được ghi nhận. Đây có thể được xem như một hiện tượng. Một số phóng viên làm việc cho báo và hãng tin Nhật ở Bangkok đã than vãn rằng họ không hiểu tại sao vụ Keigo lại quan trọng đối với truyền thông Thái Lan đến như thế.

Trong khi đó, các học giả và các chuyên gia truyền thông cảnh báo rằng việc báo chí tiếp tục đi sâu vào đời tư Keigo có thể làm tổn hại đến cậu bé.

Một bài báo trên Bangkok Post dẫn lời một học giả nói rằng truyền thông đã đóng vai trò quan trọng trong việc giúp cậu bé 9 tuổi tìm được cha mình nhưng giờ đã đến lúc báo chí lùi lại và để Keigo cùng gia đình sống cuộc sống riêng tư.

Một chuyên gia về truyền thông khác là Time Chuerstapanasiri thì chỉ trích báo chí đã thất bại trong việc tìm ra căn nguyên vấn đề xã hội của trường hợp Keigo trong hoàn cảnh nhiều trẻ em khác ở Thái Lan cũng có chung số phận.

Tổng giám đốc Cục Phúc lợi và Phát triển xã hội Panita Kamphu na Ayutthaya nêu quan điểm rằng câu chuyện của cậu bé Keigo nên được sử dụng để hướng dư luận chú ý đến những trẻ mồ côi và những em bị bỏ rơi khác ở Thái Lan.

Cũng theo Cục này, từ tháng 1 đến tháng 4 năm nay, đã có 75 trẻ em được đưa vào các trại hay viện trẻ mồ côi do Cục quản lý. Nhiều em lâm vào tình cảnh côi cút bởi nhiều lý do như người mẹ bỏ rơi con ngay sau khi sinh do nghèo khổ hoặc ly dị. Hầu hết trẻ bị bỏ rơi từ khi còn rất nhỏ. Chúng thường được tìm thấy ở những nơi công cộng, bệnh viện, nhà hộ sinh.

Một điều chắc chắn là Keigo được nhiều người biết đến và họ sẽ hỗ trợ em bằng nhiều cách khác nhau. Em đã nhận được rất nhiều quà, được cho đi chơi ở Bangkok. Em đáng nhận được điều đó, thậm chí nhiều hơn vậy nếu xét đến cuộc sống bất hạnh của em. Tuy nhiên, cả dư luận xã hội và báo chí không vì thế mà để những đứa trẻ mồ côi khác rơi vào lãng quên.

Theo Việt Phương
Thanh Niên

MỚI - NÓNG
Chuối Việt Nam 'nhảy vọt’ ở Trung Quốc
Chuối Việt Nam 'nhảy vọt’ ở Trung Quốc
TPO - Xuất khẩu rau quả của Việt Nam năm 2024 đạt hơn 7,2 tỷ USD - con số kỷ lục từ trước tới nay. Trong đó nhiều mặt hàng trái cây tăng trưởng 20-40%, đặc biệt chuối tươi chiếm tới 42% thị phần và vượt qua cả Philipine, Ecuado tại thị trường Trung Quốc.