Được ban tổ chức ưu ái xếp phát sóng cuối tập 2, rõ ràng phần trình diễn của cậu bé Nguyễn Đức Vĩnh là điểm nhấn nổi bật nhất của tập này. Dù cả nhà không có ai làm nghệ thuật nhưng bằng niềm yêu thích riêng của bản thân và tự tập luyện qua mạng, cậu bé 8 tuổi đến từ Bắc Ninh đã khiến cả 4 giám khảo (NSƯT Thành Lộc, Hoài Linh, Thúy Hạnh, Huy Tuấn) hết sức thích thú với giọng hát chèo độc đáo và điệu bộ “lẳng lơ” rất đúng chất nhân vật Thị Mầu trong trích đoạn Thị Mầu lên chùa của vở chèo "Quan âm Thị Kính".
Điều thú vị là giám khảo và khán giả vẫn ngỡ người dự thi là một cô bé, cho tới khi Đức Vĩnh giới thiệu họ tên mới biết đó là một bé trai. Ngoài khả năng hát chèo tự tập luyện, Đức Vĩnh còn thể hiện khả năng hát quan họ không cần nhạc và làm tất cả phải bất ngờ với câu nói “con thích nghệ thuật truyền thống”, do vậy cậu bé đã có 4 sự đồng ý để đi tiếp vào vòng trong một cách xứng đáng.
Cũng gây ấn tượng với niềm đam mê những làn điệu truyền thống dân tộc là nhóm quan họ 3 thành viên ở độ tuổi 16-18 tuổi cũng đến từ Bắc Ninh. Khác với bạn bè đồng trang lứa yêu thích nhạc trẻ, hai chàng trai và cô gái duy nhất của nhóm lại mong muốn gìn giữ và mở rộng giá trị truyền thống của nghệ thuật quan họ, thế nên tiết mục thi trong trang phục áo dài năm thân, áo “mớ ba mớ bảy” khăn mỏ quạ, trầu têm cánh phượng đã được cả giám khảo và khán giả hoan nghênh.
Tập 2 cũng mang đến một số phần thi khá đặc sắc của khu vực phía Bắc, trong đó đáng chú ý của tiết mục múa hiphop – dancesport – đương đại của cặp đôi Thục Nhi (10 tuổi) và Đức Huy (9 tuổi), tiết mục nhảy hiphop của đội phụ nữ người cao tuổi Hà Nội…
Các tiết mục thảm họa vẫn xuất hiện nhiều trong tập này, chủ yếu tập trung ở những thí sinh thi hát. Riêng phần trình diễn của thí sinh Trịnh Minh Đức (26 tuổi- làm nghề bán vịt nướng) đã làm các giám khảo phải cười nghiêng ngả vì phong cách “nhái” y hệt nam ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, từ cách luyến láy đến điệu bộ, quần áo, kiểu tóc… , tuy nhiên bản sao “thần tượng” kém chất lượng này đã bị giám khảo từ chối thẳng.