Cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành Tạo đột phá phát triển nhanh, bền vững

0:00 / 0:00
0:00
TP - Dự án cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) có vai trò hết sức quan trọng, kết nối vùng Tây Nguyên với các tỉnh vùng Đông Nam Bộ và TPHCM. Chính quyền và người dân trong tỉnh Đắk Nông đặt quyết tâm cao bằng sự đồng thuận thúc đẩy dự án sớm hoàn thành, nhằm tạo đòn bẩy giúp tỉnh nhà kết nối giao thương…

Đồng lòng, quyết tâm đón thời cơ

Đắk Nông những ngày này, nhiều cấp lãnh đạo tỉnh thực sự "trên từng cây sô" đảm đương với nhịp độ công việc. Từ một tỉnh nghèo, tách ra từ Đắk Lắk, Đắk Nông từng được ví như một người nông nhân cần cù, bền bỉ. Tuyến đường cao tốc Gia Nghĩa-Chơn Thành sẽ là điểm tựa để mảnh đất này “cất cánh”. Và để thúc đẩy dự án, thế hệ lãnh đạo hiện nay của tỉnh buộc phải bắt nhịp để đón thời cơ.

Cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành Tạo đột phá phát triển nhanh, bền vững ảnh 1

Ông Lê Trọng Yên – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cùng đoàn công tác kiểm tra thực địa nơi dự án cao tốc đi qua địa bàn tỉnh. Ảnh: Anh Phước

Dự án này được đầu tư xây dựng theo hình thức đối tác công tư (PPP), có chiều dài khoảng 127km, thuộc DA cao tốc Bắc Nam phía Tây, được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch mạng lưới đường bộ Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Dự án được thống nhất giao UBND tỉnh Bình Phước làm chủ đầu tư với tổng vốn dự kiến trên 26.000 tỷ đồng, quy mô 6 làn xe, thời gian đầu tư trước năm 2030. Điểm đầu từ phía Nam TP.Gia Nghĩa (Đắk Nông), điểm cuối tại huyện Chơn Thành (Bình Phước). Hướng tuyến đã được Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh cắm mốc tim tuyến trước đây, điều chỉnh cục bộ tim tuyến tại một số vị trí để tránh đi qua các khu vực có địa hình khó khăn.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông Ngô Thanh Danh, tuyến cao tốc sớm triển khai sẽ đáp ứng sự mong mỏi, kỳ vọng của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân 2 tỉnh. Ông Danh đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh phải chỉ đạo quyết liệt, nhất là huyện Đắp R’lấp và TP Gia Nghĩa kết nối để giải phóng mặt bằng, tạo thuận lợi khi dự án đi vào triển khai trong thời gian sớm nhất.

Ông Lê Trọng Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, Phó trưởng ban phụ trách công tác giải phóng mặt bằng cao tốc này liên tiếp họp bàn, dẫn đầu đoàn đi kiểm tra thực địa nơi dự án đoạn đi qua ở huyện Đắk R’lấp và TP.Gia Nghĩa.

Theo UBND tỉnh Đắk Nông, tổng diện tích đất phải thu hồi phục vụ dự án khoảng 451 ha, dự kiến kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng khoảng 1.400 tỷ đồng, ngân sách tỉnh đối ứng 1.000 tỷ đồng.

Trong đó, tuyến cao tốc đi qua địa bàn huyện Đắk R’lấp dài 31,2km. Diện tích thu hồi khoảng 383ha đất của 590 hộ dân. Tổng chi phí hỗ trợ, đền bù giải phóng mặt bằng khoảng hơn 1.000 tỷ đồng. Địa phương cũng đã triển khai công bố quy hoạch đến 6/6 xã có cao tốc đi qua, đồng thời tổ chức họp dân, đối thoại với người dân các xã bị ảnh hưởng nhằm tạo sự minh bạch và đồng thuận khi triển khai.

Tại TP Gia Nghĩa, tuyến cao tốc đi qua địa bàn xã Đắk R’moan với chiều dài khoảng 6,8km. Dự kiến đi qua 73 thửa đất của 69 hộ dân. Diện tích nằm trong vùng dự án khoảng 68ha. Tổng giá trị bồi thường, hỗ trợ khoảng hơn 200 tỷ đồng. Địa phương cũng đã hoàn tất công tác kiểm tra, rà soát hiện trạng, thống kê sẵn sàng cho việc triển khai dự án.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Lê Trọng Yên, đây là dự án cấp bách, là đòn bẩy phát triển 3 trụ cột kinh tế của tỉnh này, gồm Công nghiệp alumin – Nông nghiệp công nghệ cao – Du lịch. Đồng thời, góp phần liên kết thế mạnh vùng Tây Nguyên với khu vực, tạo đột phá để tỉnh phát triển nhanh và bền vững.

Ông Yên chỉ đạo UBND huyện Đắk R’lấp căn cứ vào tình hình thực tế, lấy ý kiến người dân, tính toán hợp lý để xây dựng phương án giải phóng mặt bằng, xây dựng các khu tái định cư phù hợp với văn hóa, tập quán sản xuất của người dân.

Để dự án Đường cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) sớm triển khai, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông yêu cầu các sở, ngành phối hợp tích cực với huyện Đắk R’lấp, TP.Gia Nghĩa, nhà đầu tư thường xuyên trao đổi, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Định kỳ hàng tháng, Ban Chỉ đạo sẽ họp, kiểm tra, đánh giá các phần việc có liên quan, tạo mọi điều kiện tốt nhất để dự án sớm khởi công, chậm nhất vào cuối năm nay.

Quyết tâm quý III/2025 đưa vào sử dụng

Cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành Tạo đột phá phát triển nhanh, bền vững ảnh 2
Cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành Tạo đột phá phát triển nhanh, bền vững ảnh 3

Cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành sẽ tạo đột phá để thành phố trẻ nhất Tây Nguyên - Gia Nghĩa phát triển nhanh và bền vững. Ảnh: Ngô Minh Phương

Để đầy đủ căn cứ pháp lý thực hiện dự án cao tốc này, UBND tỉnh Đắk Nông chỉ đạo UBND huyện Đắk R’lấp hoàn thành bản đồ đo đạc địa chính ngay trong khu vực tim tuyến đã được bàn giao, xác định chủ sử dụng đất, mục đích sử dụng đất, phạm vi ảnh hưởng, bổ sung quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2030 và kế hoạch sử dụng đất 2022.

Theo ông Nguyễn Quang Tứ, Chủ tịch UBND huyện Đắk R’lấp, địa phương xác định khoảng 250 hộ đủ điều kiện tái định cư. Huyện Đắk R’lấp đã khảo sát và chọn được 3 khu vực để xây dựng 3 khu tái định cư tại xã Nhân Cơ, Nghĩa Thắng và Đắk Sin, 8 vị trí mỏ vật liệu, 8 bãi thải để phục vụ dự án.

Trước đó, tại cuộc họp cuối tháng 9 ở TP.Gia Nghĩa, UBND tỉnh Đắk Nông và Bình Phước cùng lắng nghe đơn vị tư vấn báo cáo nghiên cứu tiền khả thi - báo cáo cuối kỳ.

Sau khi nghe ý kiến trao đổi từ phía 2 tỉnh và đơn vị tư vấn, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười thống nhất cao các nội dung 2 tỉnh đã triển khai. Tỉnh Đắk Nông sẽ quy hoạch 3 điểm kết nối với cao tốc, trong đó thực hiện trước 2 điểm kết nối tại TP.Gia Nghĩa và huyện Đắk R’lấp. Tỉnh này đề nghị tư vấn tính toán lại chi phí dự phòng, lãi suất… để 2 tỉnh có căn cứ xin ý kiến của Trung ương.

Lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Nông yêu cầu Sở GTVT rà soát, đưa vào quy hoạch điểm dừng nghỉ đối với cao tốc đi qua địa bàn tỉnh. Đắk Nông sẽ tích cực phối hợp cùng Bình Phước bàn bạc, thống nhất các ý kiến góp ý vào báo cáo cuối kỳ. Hai tỉnh thống nhất sẽ tập hợp các nội dung, tham mưu trình Trung ương xin cơ chế đặc thù triển khai cao tốc như một số dự án khác.

Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười cho rằng, nếu theo tiến độ kế hoạch đã tính toán, đến quý III/2025 tuyến cao tốc hoàn thành và đưa vào sử dụng. Với sự quan tâm của Thủ tướng, sự quan tâm của Tây Nguyên, 2 tỉnh Đắk Nông và Bình Phước sẽ quyết tâm, nỗ lực đến cùng để thực hiện dự án.

MỚI - NÓNG