Cao su Hoàng Anh Gia Lai và đường ống hai vòng quả đất

Cao su Hoàng Anh Gia Lai và đường ống hai vòng quả đất
Năm 2012 Công ty cao su Attapu-Tập đoàn HAGL bắt đầu khai thác những dòng nhựa trắng đầu tiên từ lứa cao su trồng năm 2008 trên đất Lào.

Cao su Hoàng Anh Gia Lai và đường ống hai vòng quả đất

Năm 2012 Công ty cao su Attapu-Tập đoàn HAGL bắt đầu khai thác những dòng nhựa trắng đầu tiên từ lứa cao su trồng năm 2008 trên đất Lào.

Dư luận đồn thổi khá nhiều: Cao su trên đất rừng khộp vài năm đầu xanh tốt chứ năm thứ 3 thứ 4 cây sẽ tàn úa chết do rễ gặp đá; cao su trồng trên đất sét úng nước chết mòn…

Những ngày đầu tháng 9-2012 được đi thăm cao su trên Đất Triệu Voi, chúng tôi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.

Hệ thống ống tưới cao su của HAGL
Hệ thống ống tưới cao su của HAGL.

Bạt ngàn cao su

Tranh thủ 2 ngày nghỉ thứ 7&CN chúng tôi nhận lời mời của ông chủ tập đoàn HAGL sang Lào xem ông “làm nông dân”. Ăn sáng và đủng đỉnh uống cà phê ở phố núi Pleiku, 8 giờ sáng bắt đầu rời đại bản doanh HAGL, nhằm hướng cửa khẩu quốc tế Bờ Y ( Kon Tum) thẳng tiến, 12 giờ trưa chúng tôi đã có mặt ở Văn phòng Công ty cao su Attapu-Lào.

Nghe nói tập đoàn HAGL trồng cao su ở Lào, Campuchia, cứ ngỡ xa xôi diệu vợi lắm, nào ngờ cái khoảng cách từ phố núi Pleiku đến vườn cây xa nhất ở Attapu này chỉ 250 km, một buổi đi xe.

“Bầu Đức” có thói quen mỗi tháng lội vườn cao su Attapu một lần, thời điểm bận rộn, ông chọn giải pháp sáng đi tối về. Đi sớm một tí, về muộn một tí, khoảng cách địa lý Việt- Lào, Lào-Việt không còn là vấn đề.

Cơm nước nghỉ ngơi xong, đầu giờ chiều cánh nhà báo chúng tôi được bầu Đức ôm vô lăng ô tô thân chinh đưa đi thăm vườn cao su. Những người cộng sự vô cùng nể phục ông ở khâu sâu sát này.

Từ thời còn làm gỗ, cho đến bất động sản rồi sang làm nông dân trồng cao su, mía, cọ dầu Ba Đức không chỉ nói chuyện công việc ở Văn phòng mà luôn lội bộ xem xét chỉ đạo việc ngoài công trường. Lái xe đưa ông đến rồi vào phòng …nghỉ; ông tự ôm xe đi thăm từng gốc cao su theo ý mình.

Những khe, những gợp, bờ lô xa đường rất dễ bị làm dối. Để đến được nơi này nhiều khi chiếc Land của ông bị đất đá giày vò, cỏ cây cào xước trông rất thảm hại. Nào hề hấn gì, vốn luyến bỏ ra nghìn tỷ không tiếc, tiếc gì vài vết mốp, tróc sơn. Đoạn nào xe không đi nổi thì ông lội bộ. Lính tráng phục lăn, không ai dám làm ẩu làm bừa. Mấy chục ngàn ha cao su đều đặn xanh thẳm ngút ngàn là thế.

Đường ống…2 vòng quả đất.

HAGL được Chính phủ Lào cho thuê 25.000 ha đất ở Attapu để trồng cao su. Mặt tiền đường nhựa trên trục quốc lộ nối Attapu với cửa khẩu quốc tế Bờ Y chiều dài đất cao su Hoàng Anh Attapu mỗi bên 15 cây số.

Du khách qua đường thấy ống nhựa bằng ngón tay bò ngoằn ngoèo dọc theo lô cao su. Đó là hệ thống tưới nước cao su hiếm thấy ai làm kiểu bầu Đức.

Bơm khí Etilen khiến mủ cao su chảy lâu gấp 3 thời gian bình thường
Bơm khí Etilen khiến mủ cao su chảy lâu gấp 3 thời gian bình thường.

Những vùng đất trồng cao su ở Việt Nam hiện nay cũng như Attapu-Lào mỗi năm có 2 mùa mưa nắng rõ rệt, 6 tháng nắng 6 tháng mưa. Cây cối, kể cả cây cao su mùa nắng nóng thiếu nước, khô gầy trơ trụi kém sinh trưởng. Giải quyết bài toán này bầu Đức nghĩ ra việc tưới nước cây cao su.

Ông đi lùng nhiều nơi, chọn công nghệ tưới nước của Ixraen cho 50.000 ha cây trồng của mình. Nước từ sông suối bơm lên các bể chứa lớn, bể lớn về bể nhỏ, rồi bơm trực tiếp đến các gốc cao su. Đường ống nối với gốc cao su là đầu van nhỏ xíu, mỗi ngày đêm rỉ rích nhỏ giọt 60 lít nước.

Toàn tuyến ống từ “đầu ruồi” số 1 đến số cuối cùng rỉ ra đều đặn lượng nước như thế. Phân thuốc, dinh dưỡng cho cây bỏ vô nước bơm thẳng đến bộ rễ chúng, hạn chế tối đa thất thoát, bốc hơi. Rừng cao su mùa nắng có nước khác nào người đói được cho ăn, mượt mà xanh tốt.

Mỗi ha cao su cần 1600m ống để tưới 550 cây, với diện tích cao su của HAGL ổn định 50.000 ha đã và đang trồng, tính ra chiều dài 80.000 cây số. Bầu Đức dí dỏm liên tưởng đủ quấn 2 vòng quả đất này!

Vườn cao su đang thời kỳ khai thác
Vườn cao su đang thời kỳ khai thác.

Không chỉ đột phá ở khâu tưới nước cho rừng cao su, HAGL còn áp dụng công nghệ mới trong việc khai thác mủ cao su. Việc dùng khí Etilen bơm vào miệng cạo khiến thời gian mủ cao su chảy ra tăng gấp 3 lần cách cạo truyền thống.

Chủ tịch HĐQT tập đoàn HAGL giải thích là nhằm tiết kiệm phân nửa lượng lao động cạo mủ. Cách cạo mủ cao su truyền thống, mỗi công nhân thường chỉ đảm đương 2 ha, với thời gian giữa 2 lần cạo thường chỉ 2-3 ngày, thì cách kích thích cho mủ ra liên tục 12 giờ/lần cạo khi bơm khí Etilen, thời gian giữa 2 lần cạo giãn ra từ 4-5 ngày.

50.000 ha cao su, thay vì phải cần khoảng 25.000 công nhân cạo mủ như các doanh nghiệp ở Việt Nam đang làm, ông Đức tính với cách làm mới này, lượng lao động chỉ cần từ 12.500 đến 13.000 người, mỗi năm không chỉ tiết kiệm gần 100 tỷ đồng tiền lương mà còn giải quyết được vấn đề lao động nông nghiệp ngày một nan giải.

5 năm trở lại đây tôi có điều kiện đi lại vùng đất Nam Lào, có dịp chứng kiến sự thay da đổi thịt vùng cực nam nước bạn. Năm ba năm trước, con đường từ cửa khẩu quốc tế Bờ Y đến thị xã Attapu cây cối xác xơ những dịp chuyển mùa.

Vài mảnh ruộng trồng tỉa sơ sài tranh nước ngày mưa. Đôi ba căn lều lơ thơ giữa rừng…Sức vóc của con người quả là nhỏ nhoi, lạc lõng trước thiên nhiên hùng vĩ bao la. Bây giờ Attapu khởi sắc, thay da đổi thịt nhanh chóng bởi …sự đầu tư khổng lồ vào đây của HAGL.

Ông Đoàn Nguyên Đức-Chủ tịch HĐQT tập đoàn HAGL cho biết: Năm 2013 lợi nhuận từ cao su, mía đường của HAGL ở Lào ước tính khoảng 1500 tỷ đồng. Ngay từ năm khai thác đầu tiên, năng suất mủ cao su của HAGL ở Lào từ 2-2,5 tấn/ha. Bình quân mỗi ha cao su tốn 6000 USD đầu tư giai đoạn kiến thiết; chi phí 900 USD/năm khai thác.

Công nghệ chế biến mủ cao su của HAGL hướng đến thị trường Châu Âu chứ không phải khách hàng Trung Quốc như thị trường cao su truyền thống ở Việt Nam.

Mỗi ha cao su theo cách định giá của các nhà đầu tư trị giá 600 triệu đồng; trong tay ông chủ HAGL đang có 50.000 ha cao su đồng nghĩa với 30.000 tỷ đồng …tài sản vô hình.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG