Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết như vậy tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31, khai mạc sáng 15/12 tại Hà Nội. Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Trong phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nói rằng ngành ngoại giao và đất nước đang bước vào giai đoạn phát triển mới, phấn đấu với quyết tâm cao thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng XIII, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm từ 2021-2030, và Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2025. Đặc biệt, Hội nghị ngoại giao được tổ chức ngay sau Hội nghị Đối ngoại toàn quốc.
Thủ tướng Phạm Minh Chính xem tài liệu bên lề hội nghị. (Ảnh: Như Ý) |
Điều này khẳng định quyết tâm của toàn ngành ngoại giao trong việc quán triệt và đưa các chỉ đạo toàn diện, sâu sắc của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với công tác đối ngoại sớm đi vào triển khai, thực hiện.
Bộ trưởng cho biết, nhìn lại từ Hội nghị ngoại giao 30 năm 2018 đến nay, tình hình thế giới và khu vực chuyển động hết sức nhanh chóng, phức tạp. Bên cạnh những thuận lợi đã nảy sinh nhiều diễn biến mới vượt khỏi dự báo thông thường, trong đó nổi lên là đại dịch COVID-19 kéo dài gần 2 năm qua đã và đang ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống chính trị, kinh tế - xã hội và giao lưu quốc tế.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các lãnh đạo Bộ Ngoại giao xem những hình ảnh đáng nhớ của ngoại giao Việt Nam. (Ảnh: Như Ý) |
Ngành ngoại giao đã kiên trì về nguyên tắc, kiên định về mục tiêu, chủ động, linh hoạt, sáng tạo khắc phục khó khăn, vượt qua thử thách để triển khai đồng bộ các nhiệm vụ trọng yếu về đối ngoại. Nhờ đó đã đạt được nhiều kết quả quan trọng và toàn diện. Đó là: Giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; tiếp tục mở rộng và làm sâu sắc hơn quan hệ với nhiều đối tác, nhất là các nước láng giềng, các đối tác quan trọng và bạn bè truyền thống, từ đó tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài để phát triển kinh tế - xã hội.
Trong lúc gian nan thử thách của đại dịch COVID-19, dưới sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng, ngành ngoại giao đã đi đầu trong thực hiện ngoại giao kinh tế, ngoại giao vắc xin, tranh thủ sự ủng hộ kịp thời, hiệu quả của cộng đồng quốc tế về vắc xin, vật phẩm y tế trong phòng chống và thích ứng an toàn với dịch bệnh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính xem lại những hình ảnh đi vào lịch sử ngoại giao Việt Nam. (Ảnh: Như Ý) |
Bên cạnh đó, ngành ngoại giao tiếp tục quảng bá ra thế giới hình ảnh Việt Nam độc lập, tự chủ, giàu bản sắc văn hoá, thuỷ chung, tin cậy và đang quyết tâm đổi mới, đóng góp trách nhiệm vào các diễn đàn quốc tế quan trọng, đặc biệt là hoàn thành tốt trọng trách Chủ tịch ASEAN 2020, Ủy viên Không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc 2020-2021, qua đó nâng cao vị thế, uy tín của nước ta trên trường quốc tế.
Những thành tựu quan trọng này đã đóng góp vào thành công của 35 năm đổi mới, với cơ đồ, tiềm lực và vị thế, uy tín quốc tế của nước ta chưa bao giờ được như hiện nay.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh và các lãnh đạo Bộ Ngoại giao. (Ảnh: Như Ý) |
Bên cạnh những kết quả rất quan trọng, ngành ngoại giao còn nhiều việc có thể làm tốt hơn, nhất là cần tranh thủ những cơ hội, thời cơ, yếu tố quốc tế thuận lợi, các khuôn khổ hợp tác và đối tác rộng mở để đóng góp hiệu quả hơn cho công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Bộ trưởng nhận định, thế giới đang trải qua những biến động lớn, diễn biến nhanh, phức tạp và khó dự báo. Hoà bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, toàn cầu hoá tiếp tục nhưng gặp nhiều khó khăn. Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tạo ra thời cơ lớn cho phát triển đất nước, dựa vào đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, chuyển đổi số, nhưng nguy cơ tụt hậu còn rất lớn. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng phức tạp, quyết liệt. Dịch COVID-19 tiếp tục kéo dài, làm thay đổi sâu sắc cơ cấu kinh tế, mô hình phát triển, mô hình quản trị và đời sống xã hội trên thế giới.
Bối cảnh quốc tế này tác động mạnh mẽ, sâu sắc và nhiều mặt tới môi trường an ninh, phát triển và đối ngoại của nước ta, mở ra cơ hội nhưng cũng đặt ra nhiều vấn đề mới phức tạp hơn đối với sự nghiệp bảo vệ và phát triển đất nước.
Ngành ngoại giao phải đóng vai trò tiên phong trong giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, bảo vệ đất nước từ sớm, từ xa, tranh thủ nguồn lực bên ngoài để phục vụ kinh tế xã hội và nâng cao vị thế, uy tín của đất nước, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu khai mạc hội nghị. (Ảnh: Như Ý) |