Cảnh giác cao trước nguy cơ lây nhiễm COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
TP - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) nhận định, dịch COVID-19 có nguy cơ gia tăng sau kì nghỉ lễ, vì vậy các địa phương cần tăng cường giám sát.

GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, vừa có khuyến cáo về công tác phòng chống dịch COVID-19 với các tỉnh, thành phố, khi dịch đang tiếp tục gia tăng và chuẩn bị tới kì nghỉ lễ giỗ Tổ Hùng Vương, 30/4 - 1/5. Ông Lân đề nghị các địa phương tăng cường giám sát trong bối cảnh kì nghỉ lễ kéo dài. Đặc biệt, sau vài năm đại dịch COVID-19, nhu cầu đi lại của người dân giữa các địa phương cũng như du khách nước ngoài dự báo sẽ tăng, dẫn đến nguy cơ dịch bệnh lây lan. Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện 2K (khẩu trang - khử khuẩn) khi tập trung nơi đông người.

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, những ngày gần đây, cùng với tăng nhanh về số ca mắc mới, số ca COVID-19 nặng phải nhập viện điều trị và phải thở ô xy cũng tăng. Tuần qua, trung bình mỗi ngày có khoảng 100 bệnh nhân phải hỗ trợ thở ô xy, trong đó có hơn 20 ca phải thở máy xâm lấn.

Khi nghi ngờ mắc COVID-19, người bệnh cần chủ động cách li và điều trị theo khuyến cáo. Người già, có bệnh nền cần được theo dõi chặt chẽ, nhập viện khi có biến chứng để được chăm sóc y tế kịp thời.

Những tuần gần đây, số ca mắc COVID-19 có chiều hướng gia tăng trở lại và đã ghi nhận 2 ca tử vong sau gần 4 tháng không có trường hợp tử vong nào, trong đó có trường hợp bị bệnh nền nhưng không tiêm vắc xin phòng COVID-19. Bộ Y tế và các chuyên gia dịch tễ, truyền nhiễm… đề nghị các địa phương tiếp tục đẩy nhanh tiêm vắc xin cho người thuộc nhóm nguy cơ cao.

Cảnh giác cao trước nguy cơ lây nhiễm COVID-19 ảnh 1

Ngành Y tế khuyến cáo người dân đeo khẩu trang phòng dịch Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng

Lãnh đạo Cục Y tế dự phòng cũng đề nghị các Viện Pasteur, Viện Vệ sinh dịch tễ khu vực phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành phố đã được phân công tăng cường giám sát, đánh giá thêm các ca nhập viện, ca nặng. Từ đó tuyên truyền cho người dân về phòng chống dịch, tiêm vắc xin. Đồng thời tăng cường lấy mẫu, giải trình tự gien các mẫu ca bệnh để kịp thời có thông tin về biến thể.

Cảnh giác cao trước nguy cơ lây nhiễm COVID-19 ảnh 2

Điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) Ảnh: Hà Minh

Về tiêm vắc xin COVID-19, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nêu rõ, với những người chưa tiêm đủ mũi theo khuyến cáo, cần khẩn trương tiêm bổ sung. Các địa phương công bố cập nhật các địa điểm tiêm vắc xin để người dân dễ tiếp cận. Các tỉnh thành cần quản lí tốt bệnh, không để lây nhiễm tại cộng đồng và cơ sở khám chữa bệnh để giảm áp lực cho nhóm đối tượng nguy cơ cao, người có bệnh nền. Các tỉnh, khu vực biên giới cần tăng cường kiểm dịch y tế để phát hiện, xử lí kịp thời ca bệnh xâm nhập.

Nhằm đảm bảo công tác khám chữa trong dịp nghỉ lễ, Bộ Y tế vừa có văn bản yêu cầu các đơn vị đảm bảo trực đầy đủ theo 4 cấp. Đồng thời, tổ chức tốt việc cấp cứu, khám chữa bệnh, bảo đảm tất cả người bệnh cấp cứu được khám và điều trị, không được từ chối hoặc xử trí chậm trễ trường hợp cấp cứu. Nếu trái tuyến, trái chuyên khoa cần xử lí cấp cứu ban đầu ổn định, giải thích đầy đủ cho người bệnh, người nhà người bệnh trước khi chuyển đi cơ sở y tế khác.

Sau nghỉ lễ, các trường học bước vào kì thi, do đó ngành y tế các địa phương tiếp tục đẩy mạnh phối hợp với ngành giáo dục - đào tạo để đảm bảo an toàn phòng chống dịch trong nhà trường. Các tỉnh, thành phố kịp thời cập nhật, đánh giá cấp độ dịch để có những biện pháp phòng chống dịch phù hợp.

Cảnh giác cao trước nguy cơ lây nhiễm COVID-19 ảnh 3

Tiêm vắc xin giúp giảm nguy cơ bệnh tiến triển nặngẢnh: Hoàng Mạnh Thắng

Không chủ quan

GS.TS Phan Trọng Lân cho biết các biến thể XBB mới thường sẽ lây lan nhanh nhưng đến thời điểm hiện tại, các quan sát cho thấy mức độ nghiêm trọng đối với trẻ em là không nhiều. Các triệu chứng chủ yếu thường gặp ở trẻ giống như cảm cúm (sốt nhẹ, ho, sổ mũi...); các dấu hiệu như mất vị giác - khứu giác thì không thấy nhiều. Đa số trẻ mắc COVID-19 đều không phải nhập viện, sẽ khỏe lại sau 5-7 ngày.

Theo các chuyên gia dịch tễ, SARS-CoV-2 có thể tồn tại vài giờ đến vài ngày trong môi trường tự nhiên và không thể tự nhân lên, chỉ khi xâm nhập vào đường hô hấp thì virus mới nhân lên. “Thường sau 6-7 ngày mắc bệnh, cơ thể bắt đầu tạo ra kháng thể. Kháng thể này sẽ giảm dần theo thời gian (6 tháng). Còn với kháng thể sau tiêm vắc xin, khi tiêm mũi 1 thì cơ thể tạo ra kháng thể nhưng tỉ lệ thấp. Do đó, cần tiêm mũi nhắc lại (mũi 2, 3) để tăng nồng độ kháng thể. Sau 6 tháng kể từ khi tiêm mũi 3 thì nồng độ kháng thể sẽ suy giảm nên cần tiêm nhắc các mũi kế tiếp theo khuyến cáo”, thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Công Khanh, Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, cho hay.

Giải thích về việc một số người mắc COVID-19 lần 3, triệu chứng rất mệt mỏi, nặng hơn 2 lần đầu, bác sĩ Khanh giải thích: “Có nhiều nguyên nhân gây mệt mỏi ở người đã từng mắc COVID-19. Một trong những nguyên nhân đó là triệu chứng của “hậu COVID-19”, không phải virus biến đổi độc lực”.

PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Việt Nam, nhìn nhận, cả nước đã trải qua ba năm chống chọi với đại dịch và hiện COVID-19 đã được kiểm soát. Trên thế giới, nhiều quốc gia chuyển trạng thái coi căn bệnh là đặc hữu, chấm dứt tình trạng y tế khẩn cấp. Do đó, hầu hết người dân không còn sợ và thấy loại virus này gần như vô hại với sinh hoạt, lao động và sức khỏe. Song, điều này không đồng nghĩa với không còn COVID-19. Dịch bệnh đang tiếp diễn, dù không nguy hiểm như trước và nó vẫn gây biến chứng nặng với nhóm người già, người có bệnh nền, suy giảm miễn dịch.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá 90% dân số thế giới đã có miễn dịch do vắc xin hoặc do mắc phải. Nhờ yếu tố này mà các trường hợp khi mắc phải có biểu hiện nhẹ hơn, ít hoặc không có triệu chứng. Nếu miễn dịch giảm thì các đối tượng nguy cơ cao như người lớn tuổi, người có bệnh nền, suy giảm miễn dịch, phụ nữ mang thai sẽ có nguy cơ cao dễ dẫn đến nặng, nhập viện, thậm chí tử vong.

Khó xảy ra giãn cách xã hội

TS Ngũ Duy Nghĩa, Trưởng khoa Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm (Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương), cho biết, các biến thể của SARS-CoV-2 mà TPHCM và Hà Nội mới phát hiện đều là các biến thể phụ của chủng Omicron. Những biến thể phụ này đã được phát hiện trước đây và lưu hành tại nhiều nước trên thế giới. Đến nay WHO đều đưa các biến thể phụ này vào nhóm đáng theo dõi và quan tâm. “Những biến thể phụ này cũng không có gì mới lạ. Hiện nay, chưa có thông tin hay bằng chứng rõ ràng là biến thể phụ này làm tăng mức độ nặng của bệnh”, TS Nghĩa nói.

Ông Nghĩa nhận định, hiện đang có sự gia tăng số ca mắc COVID-19, tuy nhiên với nền tảng miễn dịch trong cộng đồng do tiêm vắc xin với tỉ lệ rất cao nên việc bùng phát dịch lớn rất khó xảy ra và thực tế chúng ta đang kiểm soát được dịch. “Chúng ta cũng đang thực hiện việc thích ứng an toàn, linh hoạt kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 nên việc giãn cách xã hội sẽ khó xảy ra”, ông nhận định.

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự cố y tế công cộng, nói: “Mặc dù, chúng ta vẫn đang kiểm soát được tình hình dịch COVID-19, nhưng không vì thế mà chủ quan bởi vì với những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương như người già, người có bệnh nền sẽ có những triệu chứng nặng hơn. Vì vậy, ngành y tế cần phải liên tục cập nhật, giám sát, đánh giá nguy cơ… để có cảnh báo cho người dân. Đồng thời đưa ra các phản ứng phù hợp để không bị bất ngờ và chủ động hơn trong phòng, chống dịch”. Theo ông Phu, việc đánh giá chính xác tình hình là rất quan trọng, nếu đánh giá không đúng nguy cơ thì không kiểm soát được dịch bệnh. Nhưng nếu đánh giá nguy cơ cao quá sẽ dẫn tới tình trạng đáp ứng thái quá lại gây tổn hại đến sự phát triển kinh tế - xã hội, nguồn lực tài chính đầu tư cho phòng, chống các dịch bệnh khác, nhất là ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của người dân.

MỚI - NÓNG