Tiến tới Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI

Cần xem mạng xã hội là không gian hoạt động của Đoàn

Tuổi trẻ Thái Bình với màu áo xanh tình nguyện ra quân dọn dẹp rác ven biển. Ảnh: T.Bình.
Tuổi trẻ Thái Bình với màu áo xanh tình nguyện ra quân dọn dẹp rác ven biển. Ảnh: T.Bình.
TP - “Một số hoạt động của Đoàn, thay vì tổ chức “offline” nên tổ chức “online”. Như vậy, sẽ góp phần làm cho các hoạt động của Đoàn không chỉ sôi nổi ở thực tiễn, mà lan tỏa nhanh, mạnh hơn đến đoàn viên, thanh niên”, anh Dương Văn An chia sẻ.

Nhiều năm hoạt động trong công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu niên, từng giữ trọng trách Bí thư T.Ư Đoàn (2009 – 2014), hiện ở cương vị Phó Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận, anh Dương Văn An vẫn luôn theo dõi các bước đi, hoạt động của Đoàn.

“Đi trước” cùng mạng xã hội

Thưa anh, anh từng làm công tác Đoàn một thời gian khá dài. Anh thấy hiện nay, công tác đoàn kết, tập hợp thanh niên thay đổi ra sao?

Khi làm cán bộ Đoàn chuyên trách, tôi hay nghe cán bộ Đoàn thế hệ trước nói, thời đó tuy khó khăn, thiếu thốn nhưng Đoàn hoạt động rất sôi nổi, thu hút nhiều đoàn viên thanh niên. Tinh thần, ý thức trách nhiệm, tính tự giác của đoàn viên rất cao. Ngày đó, vào Đoàn là một vinh dự lớn lao. Tôi cũng được biết, thời đó, Đoàn thực hiện nhiều phong trào, cuộc vận động, công trình ý nghĩa, có giá trị, sức sống đến giờ, như TNXP TPHCM xây dựng kinh tế mới, khắc phục hậu quả chiến tranh, thanh niên xây dựng Thủy điện Sông Đà… Khi là đoàn viên học sinh cấp ba, tôi cũng tham gia công trình thủy lợi Nam sông Hương (Thừa Thiên - Huế), trồng rừng phủ xanh đất trống, đồi trọc… Ngày đó đi xe đạp hàng chục cây số, ăn uống kham khổ nhưng lao động rất hăng say…

Tuy nhiên, mỗi thời kỳ mỗi khác. Ngày nay công tác vận động thanh niên khó hơn trước vì thanh niên chịu nhiều tác động KT-XH; có điều kiện để thỏa mãn nhu cầu hơn, nhất là từ hội nhập quốc tế, sự tiến bộ KHCN, sự phát triển của mạng xã hội... Tác động tốt cũng nhiều song ảnh hưởng xấu cũng không ít; cái tốt - xấu đan xen đang hàng ngày, hàng giờ tác động đến tư tưởng, tình cảm, nhận thức, hành động của thanh niên. Thanh niên ngày nay cũng đòi hỏi cao hơn đối với Đoàn. Nếu hoạt động Đoàn không phong phú, hấp dẫn thì họ sẽ đến với các nhu cầu khác. Cán bộ Đoàn không năng động, không sáng tạo, không giỏi thì nói thanh niên không nghe, vận động thanh niên không theo, Đoàn sẽ không thu hút được thanh niên.

Như anh nói, ngày nay, mạng xã hội có ảnh hưởng rất lớn đến thanh niên. Theo anh, Đoàn cần làm gì trong thời kỳ bùng nổ mạng xã hội, đặc biệt là định hướng thông tin, giáo dục đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ?

Ngày nay, hầu như bạn trẻ nào cũng có khả năng tiếp cận internet và sử dụng mạng xã hội. Nếu biết tận dụng tốt mạng xã hội, chúng ta sẽ phát huy được mặt tích cực vì rất dễ để kết nối với giới trẻ. Thời gian qua, tôi thấy dịp kỷ niệm Quốc khánh, ngày thành lập Đoàn, chào mừng đại hội Đoàn… nhiều thành viên mạng xã hội đưa hình đại diện cờ Tổ quốc, cờ Đoàn hoặc viết bài về sự kiện này. Khi đồng bào miền núi phía Bắc, miền Trung bị lũ lụt, có nhiều hình ảnh, lời chia sẻ, động viên hoặc kêu gọi ủng hộ… Khi có những hành động xấu nào đó được phát hiện thì có nhiều bình luận phê phán, phản đối… Đây là những phản ứng, thể hiện thái độ, quan điểm của thanh niên. Tuy nhiên, thông tin trên internet, mạng xã hội rất khó quản lý, rất dễ tác động đến tâm lý, suy nghĩ, hành động của đoàn viên, thanh niên. Nếu không có định hướng, dẫn dắt, thanh niên dễ bị lôi kéo vào những thông tin sai lạc, tiêu cực, kéo theo những hệ lụy khác.

Do vậy, theo tôi, Đoàn cần xem không gian mạng (ảo) là một không gian hoạt động thực của Đoàn. Trước những vấn đề xã hội quan tâm, tổ chức Đoàn – thông qua những cá nhân cụ thể có uy tín, có ảnh hưởng trong cộng đồng mạng - cần “đi trước”, để định hướng dư luận, tư tưởng cho thanh niên, hướng thanh niên vào những giá trị tốt đẹp, đồng thời lên án, phê phán cái xấu…Bên cạnh đó, một số hoạt động của Đoàn thay vì tổ chức “offline” thì nên tổ chức “online”. Như vậy, sẽ góp phần làm cho các hoạt động của Đoàn không chỉ sôi nổi trên thực tiễn, mà sẽ lan tỏa nhanh hơn, mạnh hơn đến đông đảo đoàn viên, thanh niên.

Cần xem mạng xã hội là không gian hoạt động của Đoàn ảnh 1 Anh Dương Văn An.

 Kỳ vọng vào khởi nghiệp

Hiện nay, chúng ta đang bước vào cách mạng công nghiệp 4.0, theo anh, Đoàn cần làm gì để khuyến khích thanh niên vươn lên khởi nghiệp, làm giàu cho đất nước?

Tôi được biết T.Ư Đoàn đã rất chủ động, phát động phong trào thanh niên, sinh viên khởi nghiệp, hưởng ứng kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ về năm quốc gia khởi nghiệp. Theo tôi, phong trào khởi nghiệp cần được tập trung chỉ đạo và xem như một xu hướng chủ đạo của phong trào thanh niên hiện nay. Tuy nhiên, ở giai đoạn đầu của cuộc cạch mạng công nghiệp lần thứ tư hiện nay, Đoàn cần đổi mới phương thức và nội dung hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp và lập nghiệp.

Trước đây, nói đến lập nghiệp thì nghĩ đến tiền đầu tiên, nhưng khởi nghiệp hiện nay, theo tôi phải là ý tưởng, thông tin, cơ chế, liên kết… rồi mới đến tiền. Đoàn cần cổ vũ, động viên, tiếp sức cho thanh niên khởi nghiệp, xây dựng một “hệ sinh thái khởi nghiệp” sáng tạo để các bạn trẻ khởi nghiệp có thông tin, có cơ chế, có điều kiện liên kết, có môi trường phát triển; xây dựng Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp, Vườn ươm doanh nghiệp, chương trình đào tạo khởi nghiệp, tạo diễn đàn khích lệ khởi nghiệp, chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi lẫn nhau cả câu chuyện thành công lẫn bài học thất bại…

Cần cổ vũ thanh niên khởi nghiệp ở những lĩnh vực mới, những giải pháp sản xuất, kinh doanh, quảng bá sản phẩm sáng tạo, có ứng dụng khoa học công nghệ cao. Đoàn cần phát huy vai trò của Hội Doanh nhân trẻ, phối hợp với các Hiệp hội doanh nghiệp trong việc thúc đẩy sự tham gia, ủng hộ của các doanh nhân thành đạt để truyền cảm hứng, kinh nghiệm cho các bạn trẻ khởi nghiệp, hoặc cả sự tài trợ bằng tiền, cơ sở vật chất của doanh nghiệp cho những ý tưởng khởi nghiệp.

Trên thực tế, hoạt động khởi nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, kể cả khi có ý tưởng tốt. Nếu Đoàn luôn đồng hành với thanh niên trên con đường khởi nghiệp, sẽ giúp cho thanh niên tự tin và vững vàng hơn. Tôi hy vọng, đại hội lần này sẽ quyết định đưa khởi nghiệp thành một phong trào lớn trong thời gian tới.

Xin cảm ơn anh!

Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn TNCS Hồ Chí Minh lần thứ XI là sự kiện chính trị quan trọng của tuổi trẻ Việt Nam, đánh dấu bước phát triển mới của tổ chức Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi. Với mong muốn xin ý kiến đóng góp của đoàn viên, thanh niên, tuổi trẻ cả nước và các tầng lớp nhân dân làm cho dự thảo được hoàn thiện hơn, báo Tiền Phong đã giới thiệu toàn văn của dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn khóa X trên: www.tienphong.vn. Mời bạn đọc đóng góp ý kiến gửi về địa chỉ email: donggopdoan@gmail.com

Khơi dậy lửa tình nguyện

Văn kiện ĐH Đoàn toàn quốc lần thứ XI cũng nhấn mạnh đến phong trào thanh niên tình nguyện. Theo anh, để tiếp tục khơi dậy lửa tình nguyện trong thế hệ trẻ, Đoàn cần làm gì?

Phong trào thanh niên tình nguyện đã phát triển trong một giai đoạn dài và trở thành phong trào xương sống của Đoàn. Màu áo xanh tình nguyện đã rất gần gũi, thân thương với người dân mỗi mùa thi, mỗi khi có lũ lụt, thiên tai; hay thắm thêm tình người trong chương trình “Tình nguyện mùa Đông”, “Xuân yêu thương”, “Tết biên cương”, hoặc “Ngày Chủ nhật hồng”, “Chủ nhật đỏ” với khẩu hiệu “Mỗi giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại” trong phong trào hiến máu tình nguyện đem lại sự sống cho rất nhiều người bệnh...  Nếu chúng ta biết khơi dậy sự nhiệt tình, khát khao cống hiến của tuổi trẻ thì sẽ thấy trong mỗi người đều toát lên những phẩm chất tốt đẹp được kết tinh từ truyền thống của dân tộc Việt Nam... Các phong trào tình nguyện cũng là môi trường để các bạn trẻ trải nghiệm, rèn luyện, cống hiến và trưởng thành. Xã hội thừa nhận những giá trị tốt đẹp của phong trào tình nguyện. Tôi được biết, trong dự thảo báo cáo chính trị của đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI phong trào thanh niên tình nguyện là một trong những phong trào lớn. Đó là điều cần thiết để tiếp tục tạo môi trường cho thanh niên đóng góp sức trẻ cho đất nước, cho nhân dân; đồng thời qua đó giáo dục tình yêu quê hương, đất nước, lý tưởng, đạo đức, lối sống vì mọi người cho thanh niên và ghi dấu ấn của thanh niên đối với xã hội. 

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.