Thế nhưng cả cha đẻ của phim, lẫn người thân của cố nhà văn Đoàn Giỏi đều cảm thấy trĩu nặng tâm tư. Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng trải lòng: “Tôi rất buồn, không tưởng tượng nổi phim bị phản ứng tiêu cực đến vậy”.
Con trai của cố nhà văn Nguyễn Quang Sáng cho biết anh cũng như ê-kíp chỉ mong muốn “làm phim về một vùng đất với các giá trị tình cảm gia đình lẫn tình người”.
Những người làm phim cải biên bối cảnh, từ 1945, như trong tiểu thuyết của Đoàn Giỏi, về giai đoạn 1920-1930. Từ đây mới dẫn đến ồn ào “sai lệch lịch sử”, khiến nhà sản xuất phải có những chỉnh sửa hợp lý hơn, bỏ tên “Thiên Địa hội”, “Nghĩa Hoà đoàn” thay bằng “Chính Nghĩa hội”, “Nam Hoà đoàn”. Đây là bài học đắt giá không chỉ cho đạo diễn Nguyễn Quang Dũng và ê-kíp mà còn cho những nghệ sĩ đang nung nấu dự án đưa tác phẩm văn học nổi tiếng có yếu tố lịch sử lên phim.
Tuy nhiên, bên cạnh những ý kiến chỉ trích làm “sai lệch lịch sử” vẫn có không ít khán giả, người làm nghệ thuật đứng về phía đạo diễn Nguyễn Quang Dũng. Trong đó, có cả những nhà văn nổi tiếng, như tác giả Bến không chồng.
Ông chia sẻ quan điểm: “Tác phẩm văn học, cụ thể là tiểu thuyết, chính là thể dạng hư cấu. Đã hư cấu thì không thể quy về lịch sử. Nếu soi phim ảnh như thế tôi cho rằng chưa ổn. Với Đất rừng phương Nam rõ ràng phim không phải phim lịch sử, tiểu thuyết không phải tiểu thuyết lịch sử. Họ có quyền hư cấu”.
Dương Hướng cũng là nhà văn có những tác phẩm được đưa lên phim ảnh: “Phim truyền hình Thương nhớ ở ai chẳng hạn. Những nhà làm phim không chỉ dựa trên tiểu thuyết Bến không chồng, họ cộng một tác phẩm khác của tôi vào, mới ra Thương nhớ ở ai. Chẳng lẽ lại kiện Bến không chồng đâu có viết như thế? Tôi đồng ý để họ làm vì tôn trọng các nhà làm phim, điện ảnh là mảnh đất riêng biệt”.
Quay lại tác phẩm điện ảnh đang được nhà nhà bình luận, người người bình luận hiện nay, nhà văn Dương Hướng nói: “Nếu phim đem chiếu ở nước ngoài thì khán giả nước ngoài có biết cái thời của ông Đoàn Giỏi là thời nào đâu? Người ta không quan tâm mà chỉ quan tâm nội dung trên phim thôi. Cần có cái nhìn cởi mở hơn, thoáng hơn, sẽ tốt hơn cho sự phát triển của điện ảnh Việt”.
Dù người khen, kẻ chê, người phê bình, người bênh vực, song cũng nên nhìn nhận khách quan, dám đưa một tác phẩm văn học nổi tiếng viết cho thiếu nhi ra đời năm 1957, từng được phim truyền hình khai thác thành công, ra màn ảnh rộng đã là dũng cảm. Chê nặng nề thiếu căn cứ cũng là hình thức “bắt nạt” làm tổn thương người làm nghệ thuật.