PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (ngoài cùng bên trái) vui mừng trước hệ thống robot mới |
TS.BS Trần Chí Cường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Cần Thơ cho biết, cùng với sự phát triển của y học, nhu cầu tiếp cận với các dịch vụ kỹ thuật hiện đại của người bệnh ngày càng tăng. Để mang đến giải pháp tối ưu trong can thiệp đột quỵ, tim mạch cho người bệnh, bệnh viện đã đầu tư hệ thống Robot can thiệp mạch Corindus có trị giá hơn 20 tỷ đồng. Robot đã được chứng nhận FDA và CE để có thể sử dụng trong can thiệp DSA.
Sau khi được lắp đặt tại bệnh viện, ngày 15/9 bệnh viện đã chính thức đưa robot vào hoạt động can thiệp. Những ngày qua, các bác sĩ đã thực hiện thành công cho nhiều trường hợp bị bệnh lý mạch vành từ mức độ trung bình đến nặng và sẽ tăng dần cấp độ ứng dụng robot can thiệp cho những trường hợp ở mức rất nặng, nguy kịch. Tất cả bệnh nhân sau khi được can thiệp mạch vành bằng robot đã vượt qua nguy kịch, sức khỏe bình phục tốt.
Các bác sĩ can thiệp mạch vành cho một trường hợp đột quỵ |
Được biết, chi phí trung bình mỗi bệnh nhân phải thanh toán cho cuộc can thiệp bằng Robot tốn khoảng 10.000 USD. Tuy nhiên, theo TS Chí Cường, nếu tái sử dụng các dụng cụ trong can thiệp thì chi phí mỗi bệnh nhân sẽ giảm xuống còn 5.000 USD. Trong tương lai nếu phẫu thuật robot được Bảo hiểm Y tế phê duyệt danh mục kỹ thuật thì người bệnh sẽ ngày càng giảm chi phí phải thanh toán giúp cộng đồng tiếp cận với kỹ thuật hiện đại hàng đầu thế giới này dễ dàng hơn..
BS Hồ Thượng Dũng, Chủ tịch Hội Can thiệp Tim mạch Việt Nam chia sẻ, hệ thống robot có thể hỗ trợ bác sĩ thực hiện kỹ thuật cao trong can thiệp mạch máu với thời gian nhanh nhất, giảm 95% liều xạ cho bác sĩ thực hiện thủ thuật can thiệp và 21% cho bệnh nhân. Robot góp phần giảm ảnh hưởng tác động của áo chì và tư thế đứng, giảm chấn thương cột sống cho các bác sĩ thực hiện thủ thuật chính và các chuyên gia có thể ngồi thoải mái trong phòng điều khiển để điều khiển thao tác cánh tay robot trong phòng can thiệp, đặc biệt hiệu quả trong các ca can thiệp phức tạp.
Thời gian thực hiện những cuộc can thiệp phức tạp có sự hỗ trợ của robot sẽ nhanh hơn thực hiện thủ thuật can thiệp bằng tay. Can thiệp bằng robot giúp tăng độ chính xác và ổn định chất lượng điều trị, đặc biệt là các ca tái tưới máu cấp cứu cho bệnh nhân hội chứng mạch vành cấp hoặc nhồi máu cơ tim cấp.
Cánh tay robot có thể thực hiện những thao tác rất khó nhưng mang lại hiệu quả cao |
Khả năng hỗ trợ đo đạc, tính toán chính xác tổn thương hẹp mạch máu của Robot làm giảm số lượng stent cần đặt và hỗ trợ bác sĩ chọn đúng kích thước stent do tính năng đo được độ dài tổn thương trực tiếp trong lòng mạch máu (đặc biệt là các tổn thương tại các vị trí mạch máu gấp khúc, đoạn cong).
Với tính năng có thể điều khiển từ xa (qua internet) Robot Corindus giúp tiếp cận đến tiêu chuẩn chất lượng can thiệp cho bệnh nhân trên toàn cầu. Sự kết nối, điều khiển từ xa trên đường truyền ổn định của internet giúp bác sĩ có thể ngồi ở quốc gia này để can thiệp cho người bệnh ở quốc gia khác. Giải pháp trên sẽ giảm hoặc loại bỏ hoàn toàn giới hạn địa lý, người bệnh chẳng những được thụ hưởng dịch vụ kỹ thuật hiện đại mà còn được chuyên gia giỏi từ các bệnh viện hàng đầu trên thế giới có sử dụng Robot Corindus can thiệp mạch.
Hệ thống robot can thiệp đột quỵ được kỳ vọng sẽ tạo ra bước đột phá mới cho y tế khu vực các tỉnh miền Tây nói riêng và cả nước nói chung. Khi đến tham quan hệ thống robot, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) nhấn mạnh: “Đây là kỹ thuật mới góp phần tăng cường các giải pháp can thiệp đột quỵ ngày càng hiện đại cho ngành y tế. Robot can thiệp với những tiến bộ vượt bậc, có độ chính xác rất cao được hứa hẹn sẽ mang lại hiệu quả khả quan cho người bệnh. Bộ Y tế kỳ vọng, Bệnh viện S.I.S sẽ chia sẻ kinh nghiệm khi triển khai thực hành với các địa phương trên cả nước, đồng thời kết nối với khu vực và thế giới để hoàn thiện kỹ thuật, mang lại sự an toàn, hiệu quả cho người bệnh”.
“Hệ thống Robot là niềm mơ ước của các bác sĩ trong phòng can thiệp DSA. Lâu nay, các bác sĩ phải thầm lặng hy sinh khi can thiệp mạch bởi tia X sẽ tăng nguy cơ bị ung thư và các bệnh lý khác. Khi có Robot tham gia vào cuộc can thiệp, bác sĩ chỉ ngồi ngoài phòng can thiệp điều khiển mà không phải đứng trong môi trường phơi nhiễm tia X trong thời gian dài, từ đó giảm được tiếp xúc trực tiếp với tia xạ cho người bác sĩ thực hành, giảm nguy cơ phơi nhiễm” – TS.BS Trần Chí Cường nói.