Cần thêm tội danh 'vi phạm quy định sử dụng đất đai'

Cần thêm tội danh 'vi phạm quy định sử dụng đất đai'
TP - Liên quan vụ án “Hủy hoại tài sản công dân” Công an TP Hải Phòng đang điều tra, một số chuyên gia pháp luật cho rằng cần khởi tố thêm tội danh “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” theo Điều 174 BLHS.

> Toàn văn kết luận của Thủ tướng về vụ cưỡng chế đất ở Hải Phòng

Đầm nước của gia đình ông Vươn.
Đầm nước của gia đình ông Vươn.

Điều luật đã nêu quy định: “Người nào lợi dụng hoặc lạm dụng chức vụ, quyền hạn giao đất, thu hồi, cho thuê đất (...) trái pháp luật, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”;

“Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: Đất có diện tích lớn hoặc có giá trị lớn; Gây hậu quả nghiêm trọng”.

Thủ tướng Chính phủ đã kết luận trong việc giao đất, thu hồi đất, cưỡng chế thu hồi đất đối với ông Đoàn Văn Vươn, UBND huyện Tiên Lãng đều làm không đúng pháp luật.

Có thể nhận định một số đối tượng có chức quyền ở Tiên Lãng đã có hành vi trái pháp luật trong quản lý đất đai, gây hậu quả nghiêm trọng; song theo điều luật vừa nêu, do chưa bị xử lý kỷ luật về hành vi này, họ sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tuy nhiên, qua điều tra thực tế, các PV Tiền Phong nhận thấy, liên quan đến vụ án huỷ hoại tài sản ở Tiên Lãng, CQĐT có thể và cần thiết khởi tố thêm tội danh “Vi phạm các quy định về sử dụng đất đai”, theo Điều 173 BLHS.

Điều luật này quy định: “Người nào sử dụng đất trái với các quy định của Nhà nước về quản lý và sử dụng đất đai gây hậu quả nghiêm trọng (...), thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm, hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm”;

“Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau, thì bị phạt tiền từ ba mươi triệu đồng đến một trăm triệu đồng, hoặc phạt tù từ hai năm đến bảy năm: Có tổ chức; Phạm tội nhiều lần; Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng”.

Theo tài liệu các PV có, năm 2008, UBND huyện Tiên Lãng ra quyết định cưỡng chế thu hồi 70ha đất nuôi trồng thủy sản của hộ gia đình ông Lê Đình Thảo (ở xã Tiên Thắng). Cũng như trường hợp ông Đoàn Văn Vươn, trước khi cưỡng chế, UBND huyện không có phương án cụ thể sử dụng diện tích đất thu hồi.

Thực tế sau khi thu hồi, hơn 70ha đầm nước đã được hộ ông Thảo đầu tư nhiều chục tỷ đồng, đang sinh lợi, rơi vào cảnh bị bỏ hoang khoảng 3 năm (năm 2011 huyện mới cho cá nhân khác thuê).

Ngoài ra, năm 2010 huyện Tiên Lãng và xã Vinh Quang còn tiếp nhận một dự án lớn từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước lên tới nhiều chục tỷ đồng, song cũng bỏ hoang hơn 2 năm qua.

Vậy là sau khi thu hồi hoặc tiếp nhận những diện tích lớn mặt đất, mặt nước đã có cơ sở hạ tầng với vốn đầu tư nhiều chục tỷ đồng, UBND huyện Tiên Lãng không đưa vào sử dụng trong thời gian dài, gây lãng phí lớn tài nguyên và vốn đầu tư, khiến Nhà nước và nhân dân đều bị thiệt hại nghiêm trọng.

Nhiều chuyên gia pháp luật nhận định, hành vi này của một số cá nhân cần bị khởi tố theo Điều 173 BLHS.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG