Cẩn thận khi dùng thuốc với người rối loạn kali máu
> Giảm nguy cơ đột quỵ nhờ ăn chuối hàng ngày
Kali giữ vai trò quan trọng trong dẫn truyền thần kinh – cơ cũng như dẫn truyền kích thích co cơ tim, co cơ trơn, đảm bảo hiệu quả hoạt động củ thần kinh thực vật. Kali còn tác dụng điều hòa chuyển hóa glucid. Do ăn uống, dùng thuốc hay do bệnh lý di truyền mà giảm hay tăng kali máu quá giới hạn thì gọi là rối loạn kali máu.
Kali có nhiều trong chuối. Ảnh: Internet. |
Rối loạn kali máu và tác hại
Nồng độ kali máu trung bình là 5nmol/L (20mg%). Tùy theo mỗi người, chế độ ăn mà kali dao động trong khoảng 3,5 - 5nmol/L; nếu < 3nmol/L được coi là giảm, nếu > 5namol/L được coi là tăng kali máu. Nhu cầu hàng ngày của mỗi người khoảng 3g, tương ứng với 60 - 100mEq (nanomol).
Với người bình thường
Trường hợp giảm kali máu cấp: do bệnh lý (tiêu chảy) hay do dùng thuốc (lợi tiểu bài tiết kali) có thể bị hạ kali máu. Nếu dùng thuốc lợi tiểu chỉ bài nước, chất điện giải, kali ở mức vừa phải (như thiazid ở liều điều trị cao huyết áp) thì nhìn chung sự bài tiết kali chỉ ở ngưỡng cho phép, ít khi gây ra rối loạn hạ kali máu.
Nếu dùng thuốc lợi tiểu có tác dụng bài nước, chất điện giải, kali ở mức mạnh (như furosemid) thì sự mất kali dễ vượt quá ngưỡng cho phép, gây ra các rối loạn hạ kali máu. Rối loạn hạ kali máu sẽ ảnh hưởng đến nhịp và tần số tim, cung lượng tim, suy tim, suy tuần hoàn, giảm độ lọc cầu thận… nếu cấp cứu không kịp sẽ dẫn tới tử vong.
Trường hợp tăng kali máu cấp: do bệnh lý hay do dùng thuốc (lợi niệu tiết kiệm kali - thuốc giảm aldosteron - thuốc kháng aldosteron) thì bị tăng kali máu, khi tăng quá ngưỡng cho phép sẽ bị rối loạn tăng kali máu. Rối loạn tăng kali máu cũng gây ra các ảnh hưởng bất lợi trên tim, trên hệ thống tuần hoàn.
Với người có bệnh di truyền rối loạn kali máu
Có những người do di truyền mà có bệnh liệt chu kỳ do rối loạn (tăng hay giảm) kali máu. Bệnh xuất hiện bất thần từng cơn liệt cơ, mang tính chất tạm thời. Liệt cơ xuất hiện sau một thời kỳ ngắn hay dài tùy theo trường hợp. Thường chia ra hai bệnh chính:
Liệt chu kỳ do giảm kali máu(bệnh Wesphal):
Bệnh được di truyền theo tính cách gen trội. Biểu hiện bằng cơn liệt xuất hiện đột ngột lúc sáng dậy, hay sau một thời gian nghỉ dài rồi kế tiếp ngay sau đó một gắng sức bất thường hay một bữa ăn nhiều glucid (phải dùng nhiều kali trong chuyển hóa glucid nên gây thiếu kali). Cơn liệt xảy ra trong thời gian ngắn, chỉ vài giờ, hiếm khi kéo dài trong một hay nhiều ngày.
Liệt chu kỳ do tăng kali máu(bệnh Gamstorp):
Bệnh được di truyền theo tính cách gen trội. Biểu hiện đặc trưng là thời gian các cơn liệt ngắn hơn, lan rộng có giới hạn hơn, cơn liệt tới bất thần sau thời gian nghỉ ngắn hơn, đôi khi có trước các cơn kiến bò, các cơn phát sinh trong ngày.
Nguyên nhân
Về ăn uống: thực phẩm có loại giàu kali (thịt lợn, bò, gà, vịt, khoai tây, sô-cô-la, phần lớn rau quả, quả khô, rau khô, cà rốt, nấm, bột ca cao); có loại nghèo kali (bánh mì, bột gạo, trứng, sữa, phomat, táo tây, lõi cải bắp, ngọn cuộn lại của rau diếp, lê, hành tây); có loại hầu như không có kali (đường, dầu oliu, bơ, mứt).
Người lớn ăn uống bình thường (cân đối giữa các loại lipid – glucid – protid - rau quả) sẽ có đầy đủ lượng kali cần thiết. Nếu ăn không đủ (thường là với trẻ em) thì sẽ dẫn đến thiếu hụt (khoảng 30 - 50nmol/ ngày). Như vậy, ít khi ăn uống làm hạ hay tăng kali máu trừ những người có tính di truyền tăng hay giảm kali máu (nói ở dưới).
Về bệnh tật: bệnh tật có thể dẫn đến tăng hay giảm kali nội bào tăng hay giảm kali máu. Ví dụ: choáng, bỏng rộng, chảy máu nhiều, suy thượng thận làm mất quá nhiều kali trong tế bào. Tiêu chảy mất nhiều dịch gây mất nhiều kali ngoài tế bào.
Về dùng thuốc: dùng thuốc lợi tiểu bài tiết mạnh kali sẽ làm hạ kali máu. Dùng thuốc lợi tiểu tiết kiệm kali (như spironolacton) thuốc làm hạ aldosteron (ức chế men chuyển) hay dùng thuốc kháng aldosteron sẽ làm tăng kali máu.
Về di truyền: người bị bệnh di truyền hạ hay tăng kali máu dễ bị rối loạn này khi ăn uống và dùng thuốc. Ví dụ người bị di truyền hạ kali máu, sau một bữa ăn quá nhiều glucid (tiêu thụ nhiều kali) sẽ dẫn đến hạ kali máu. Người bị di truyền tăng kali máu khi dùng thuốc lợi tiểu tiết kiệm kali (spironolacton) rất dễ bị tăng kali máu.
Dự phòng và điều trị
Với người bình thường
Trong chế độ ăn: đảm bảo chế độ ăn có đầy đủ kali (ăn cân đối đạm – glucid - protid - rau quả, không ăn chỉ thuần glucid, quá thiếu các thành phần còn lại). Việc thiếu kali do chế độ ăn thường xảy ra ở trẻ em, nên cần lưu ý cho trẻ ăn cân đối chất.
Trong dùng thuốc: thuốc lợi tiểu tăng bài tiết kali (các thiazid, furosemid, acid ethacrylic, acetazolamid) có thể gây rối loạn hạ kali máu. Thuốc lợi tiểu tiết kiệm kali (spironolacton, triamtetren, amilorid), thuốc làm giảm aldosteron (ức chế men chuyển), thuốc kháng aldosteron thường gây ra rối loạn tăng kali máu. Do đó cần cẩn trọng khi dùng thuốc này.
Đối với người bị bệnh liệt do rối loạn kali máu di truyền
Với người bị bệnh liệt chu kỳ do giảm kali máu:
Tránh những yếu tố gây cơn liệt như nhiễm lạnh, hoạt động quá sức, tránh ăn quá nhiều glucid, cần ăn nhiều thức ăn giàu kali. Cần dựa trên kết quả xét nghiệm kali máu để dự phòng, điều trị. Trong trường hợp nặng, bệnh có thể kéo dài 7 - 10 ngày (tuy mỗi cơn ngắn). Vì ion kali thâm nhập vào tế bào tương đối chậm nên những ngày đầu không nên cho người bệnh uống liều cao.
Mặt khác hạ kali máu thường kết hợp với tình trạng mất nước, kiềm hóa hay toan hóa, cần có các điều trị xen kẽ. Chú ý chống chỉ định kali với người suy thận, suy vỏ thượng thận, thận trọng với người có tổn thương cơ tim.
Với người liệt chu kỳ do tăng kali máu:
Nếu tăng kali huyết không do di truyền thì phải điều trị nguyên nhân (dùng chế độ ăn, ăn nghèo kali, dùng glucose và insulin).
Riêng trong dùng thuốc: người bị di truyền rối loạn hạ kali máu nên tránh dùng các thuốc bài tiết nhiều kali. Người bị di truyền rối loạn tăng kali máu nên tránh dùng thuốc làm tăng mạnh kali. Thầy thuốc căn cứ vào tiền sử người bệnh mà cho thuốc, liều lượng thích hợp. Người bệnh không tự ý đổi thuốc, liều lượng.
Để phòng thiếu kali thì tốt nhất là có chế độ ăn đầy đủ, cân đối chất (lưu ý trẻ em). Để phòng rối loạn kali máu quan trọng nhất là cẩn trọng trong dùng thuốc (đặc biệt với người hay dùng thuốc chữa bệnh cao huyết áp, tim mạch). Riêng với người có bệnh di truyền về rối loạn kali máu cần có những thận trọng cả trong ăn uống và dùng thuốc.
DS.CKII. Bùi Văn Uy
Theo Sức khỏe & đời sống